Canh cánh nỗi lo về rác sinh hoạt ở vùng dịch quận Gò Vấp

04/06/2021 - 06:51

PNO - Tại Gò Vấp, các xe đẩy rác vẫn theo nếp cũ như khi chưa thực hiện giãn cách. Các loại rác thải, kể cả khẩu trang y tế đã qua sử dụng đều được đổ chung trên xe...

Trong những ngày qua, theo ghi nhận của phóng viên, việc thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt ở Q.Gò Vấp, nơi được “khoanh vùng” trong dịch COVID-19 tại TPHCM, nhiều nơi, nhiều chỗ vẫn do các tổ lấy rác dân lập thực hiện. Theo các chuyên gia, điều này là rất đáng quan ngại.

Thu gom rác vẫn theo nếp cũ

Ngày 1/6, dạo một vòng quanh địa bàn Q.Gò Vấp, chúng tôi nhận thấy, việc thu gom rác ở hầu hết các tuyến đường đều do những nhóm thu gom rác dân lập thực hiện với quần áo bảo hộ sơ sài, đeo khẩu trang, găng tay ni-lông, chân đi ủng. Các xe đẩy rác vẫn theo nếp cũ của những ngày chưa thực hiện giãn cách, không được che đậy. Tất cả các loại rác thải đều được đổ chung trên xe, kể cả khẩu trang y tế đã qua sử dụng. 

Việc thu gom rác sinh hoạt trên địa bàn Q.Gò Vấp vẫn do các tổ lấy rác dân lập thực hiện với những bảo hộ rất đơn giản. Chỉ những khu vực bị phong tỏa mới có xe rác cùng nhân viên mặc bảo hộ phòng, chống dịch thu gom. Tuy nhiên, một người mặc đồ công nhân khác thì không mang bảo hộ mà chỉ mang một chiếc khẩu trang như thường nhật - Ảnh: Phan Tuyền
Việc thu gom rác sinh hoạt trên địa bàn Q.Gò Vấp vẫn do các tổ lấy rác dân lập thực hiện với những bảo hộ rất đơn giản. Chỉ những khu vực bị phong tỏa mới có xe rác cùng nhân viên mặc bảo hộ phòng, chống dịch thu gom. Tuy nhiên, một người mặc đồ công nhân khác thì không mang bảo hộ mà chỉ mang một chiếc khẩu trang như thường nhật - Ảnh: Phan Tuyền

Bà Đ.T.H. - người dân sống trong hẻm 704, đường Thống Nhất, P.15, Q.Gò Vấp (một con hẻm đang bị phong tỏa) cho biết, mấy ngày qua việc đổ rác không khác bình thường. Mặc dù có bố trí thùng phân loại rác nhưng người dân vẫn cứ để rác lộn xộn. Không ít người còn vứt khẩu trang đã qua sử dụng xuống đường trông rất mất vệ sinh. Bà nói: “Rác ở đây thường được lấy hằng ngày nhưng không hiểu sao khoảng ba ngày rồi mà chưa ai tới lấy. Rác bốc mùi hôi không chịu nổi”.

Anh S., một người tham gia trực chốt ở một điểm cách ly thuộc P.14, cũng khẳng định: “Ở đây giờ giấc lấy rác vô chừng, khoảng một hai ngày, thậm chí có khi ba ngày, họ mới tới lấy rác. Có lần, rác để lâu ngày quá, dân phải báo cho phường xuống làm việc thì rác mới được lấy đi. Họ có lấy rác thì cũng lòng vòng bên ngoài. Còn cái thùng lớn ở trong, không biết vì sao mà mấy ngày rồi không thấy lấy”.

Đến chiều 1/6, xe lấy rác vào hẻm 704 Thống Nhất. Hai nhân viên mặc đồ bảo hộ kín mít đưa rác lên xe, nhưng một người mặc đồ công nhân khác thì không mang bảo hộ mà chỉ mang một chiếc khẩu trang bình thường. 

Canh cánh lo âu

Việc thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố hiện do 22 đơn vị dịch vụ công ích quận, huyện, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM và rất nhiều lực lượng thu gom rác dân lập đảm nhiệm, trong đó 60% lượng rác do lực lượng thu gom rác dân lập với các phương tiện thu gom thô sơ. Chỉ khi rác về các điểm tập kết, các trạm trung chuyển và công trường xử lý rác thì mới do các công ty dịch vụ công ích quận, huyện thu gom. Thế nhưng, các đơn vị này cũng chỉ có xe ép rác sinh hoạt chứ không có xe thùng kín dạng dùng cho vận chuyển rác y tế. 

Việc thu gom và xử lý chất thải ở các khu vực bị phong tỏa, khu cách ly phải thực hiện nghiêm ngặt, sau khi thu gom phải khử khuẩn và cho vào lò đốt như xử lý rác y tế
Việc thu gom và xử lý chất thải ở các khu vực bị phong tỏa, khu cách ly phải thực hiện nghiêm ngặt, sau khi thu gom phải khử khuẩn và cho vào lò đốt như xử lý rác y tế

Theo phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm công nghệ môi trường (ENTEC), trong bối cảnh dịch COVID-19 phát sinh và lây lan trong cộng đồng thì rác thải sinh hoạt tại khu vực có người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 không thể xem là rác thải sinh hoạt thông thường mà phải xem là rác thải có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Nếu không được che đậy khi vận chuyển, các xe rác có nguy cơ phát tán mầm bệnh trong không khí (như biến chủng COVID-19 Ấn Độ). PGS-TS Phùng Chí Sỹ cũng cho rằng: “Trước khi rác thải được đưa ra khỏi hộ gia đình và khu dân cư bị cách ly, cần phải được phun khử khuẩn, sau đó phải được vận chuyển trên phương tiện khép kín để tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM, cho rằng, việc thu gom và xử lý chất thải ở các khu vực bị phong tỏa, khu cách ly phải thực hiện nghiêm ngặt, sau khi thu gom phải khử khuẩn và cho vào lò đốt như xử lý rác y tế.

Ông Huỳnh Minh Nhựt cho biết, hiện nay toàn bộ rác thải y tế tại các bệnh viện, trung tâm và phòng khám đa khoa trên địa bàn TPHCM đều do công ty thu gom và xử lý theo quy trình nghiêm ngặt của chất thải nguy hại. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, công ty được thành phố chỉ đạo phụ trách thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực cách ly tập trung. Riêng tại những khu vực dân cư bị phong tỏa do có người nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19 thì công ty không phụ trách.

Ông Huỳnh Minh Nhựt cho biết thêm, hiện công suất tiếp nhận và xử lý rác thải y tế, nguy hại của công ty là 42 tấn/ngày. Tuy nhiên, lượng rác mà công ty tiếp nhận thực tế từ bệnh viện, khu vực cách ly đã lên đến là 35 tấn/ngày, gần chạm ngưỡng cho phép. Do đó, nếu tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và lượng rác có nguy cơ tăng mạnh sẽ vượt quá khả năng xử lý của công ty. Điều này cần sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền thành phố. 

Tiêm ngừa COVID-19 cho công nhân môi trường: phải làm ngay!

Đây là đề nghị tha thiết của PGS-TS Phùng Chí Sỹ. Ông nói: “Với lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đang phải làm nhiệm vụ thu gom rác trực tiếp tại khu vực có người lây nhiễm COVID-19 trên cả nước nói chung và TPHCM nói riêng phải được xếp vào nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao, cần được ưu tiên tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19. Bên cạnh đó, Chính phủ và đặc biệt là UBND TPHCM cần siết chặt quy trình thu gom rác thải từ khu vực có người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19, kết hợp đẩy nhanh đầu tư công nghệ xử lý loại rác thải này, giảm thiểu nguy cơ lan truyền dịch bệnh trong cộng đồng”.

Được biết, riêng Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM có đến 300 công nhân (bao gồm lực lượng trực tiếp và gián tiếp) chuyên thu gom rác tại các khu cách ly bệnh nhân COVID-19 hoặc khu nghi nhiễm. Công ty đã đề xuất UBND TPHCM hỗ trợ tiêm ngừa COVID-19 cho lực lượng này do nguy cơ phơi nhiễm rất cao. Thế nhưng cho đến nay các công nhân vệ sinh môi trường trên địa bàn TPHCM vẫn chưa tiếp cận được nguồn vắc xin phòng, chống dịch COVID-19.

Vân Anh - Phan Tuyền

 

Nguồn: Môi trường đô thị TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI