Dành phòng ngủ để cất giữ bảo vật
Làng Trường Lưu (xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) có tuổi đời hơn 600 tuổi, được nhiều người trong và ngoài nước biết đến khi có 3 di sản được UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Huy Mỹ - hậu duệ đời thứ 16 dòng họ Nguyễn Huy - cho biết: 2 trong 3 di sản quý của làng Trường Lưu là Mộc bản trường học Phúc Giang và sách cổ Hoàng Hoa sứ trình đồ thuộc sở hữu của dòng họ Nguyễn Huy.
|
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Huy Mỹ trăn trở về việc bảo vệ các di sản của dòng họ - Ảnh: Đức Hương |
Mộc bản trường học Phúc Giang là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ ở Việt Nam từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX còn lưu giữ được. Bảo vật này từng có hơn 2.000 bản gỗ được khắc thủ công bằng chữ Hán và Nôm ngược để in sách phục vụ việc giáo dục, khoa cử cuối thời Hậu Lê, do 5 danh nhân văn hóa dòng họ Nguyễn Huy sáng tạo, biên soạn. Mỗi bản khắc được xem là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Sau hơn 250 năm, chữ khắc trên các bản mộc này vẫn rất sắc nét. Song trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, hiện Mộc bản Phúc Giang chỉ còn lại 393 bản gỗ, trong đó có 10 bản đã bị hư hỏng.
Năm 2017, dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi (niên đại 2.000-2.500 năm), muôi đồng có cán hình tượng voi (niên đại 2.000-2.500 năm) và hộp đựng xá lị Tháp Nhạn (niên đại thế kỷ VII-VIII) được công nhận là bảo vật quốc gia. Bà Phan Thị Hà Long - Phó giám đốc Bảo tàng Nghệ An - cho biết, dù rất muốn đưa ra trưng bày để phát huy được giá trị của bảo vật, song vì nhiều yếu tố nên lâu nay những hiện vật này vẫn đang phải nằm kho. Mới đây, Bảo tàng Nghệ An đã đầu tư hơn 1 tỉ đồng để xây dựng phòng trưng bày bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, để trưng bày các bảo vật này, vẫn cần hơn 1 tỉ đồng để mua tủ kính chuyên dụng từ nước ngoài. Đây là loại tủ có hệ thống cảnh báo an toàn, đặc biệt là có máy móc để giữ nhiệt độ, độ ẩm… như nhà kho chuyên dụng cho cổ vật. |
Hoàng Hoa sứ trình đồ là cuốn sách cổ miêu tả về việc đi sứ của sứ bộ Việt Nam sang Trung Hoa, được Nguyễn Huy Oánh tập hợp tài liệu của nhiều thế hệ đi sứ trước và bổ sung thêm các chi tiết liên quan đến chuyến đi năm 1766-1767 do ông làm Chánh sứ. Cuốn sách được in trên bản mộc giấy dó, gồm có bản đồ hành trình với 204 trang ghi chép cụ thể và miêu tả về thiên nhiên, con người, thành, làng, các di tích, danh thắng, các hoạt động giao tiếp của sứ bộ với dân và chính quyền.
Sau khi nhiều bảo vật của làng trở thành di sản ký ức thế giới, UBND huyện Can Lộc thành lập Ban quản lý bảo tồn di sản văn hóa Trường Lưu, lấy trụ sở UBND xã Trường Lộc cũ làm trụ sở để phục vụ công tác trưng bày, bảo quản và tham quan. Tuy nhiên, nơi này chủ yếu đang trưng bày những hình ảnh và bản photocopy của các di sản chứ không phải bản gốc, vì cơ sở cùng các trang thiết bị bảo quản ở đây còn tạm bợ. Ông Nguyễn Huy Mỹ cho biết, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị các di sản thời gian qua còn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện 2 bản gốc di sản của dòng họ Nguyễn Huy đang được cất giữ ở nhà riêng của ông và đây là phương án tối ưu để tránh việc các bảo vật bị hư hỏng. Mộc bản Phúc Giang được làm từ gỗ thân cây thị, còn Hoàng Hoa sứ trình đồ được vẽ bằng một số loại mực trên giấy dó, phải có phòng chức năng chuyên biệt, trang bị hệ thống máy móc đảm bảo độ ẩm, nhiệt độ để bảo vệ.
“Nếu không có máy móc thì ít nhất cũng phải có một phòng đảm bảo để lưu trữ. Nhưng vì không có nên tôi phải dành một phòng ngủ của gia đình để cất giữ các di sản. Nếu mình không bảo quản cẩn thận, sợ rồi sẽ bị UNESCO tước danh hiệu” - ông nói.
|
2 chiếc thuyền độc mộc được để tạm bợ ngoài sân Bảo tàng Hà Tĩnh - Ảnh: Phan Ngọc |
Sau Mộc bản Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ, vào năm 2023, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu tiếp tục được công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Di sản tư liệu này gồm 48 văn bản chữ Hán, Nôm viết từ năm 1689-1943, gồm 26 sắc phong ban chức tước thời nhà Lê và Nguyễn; 19 văn bản hành chính của chính quyền địa phương gửi làng Trường Lưu thời Nguyễn; 3 bức trướng tặng các cá nhân dịp mừng thọ, đỗ đạt thuộc sở hữu của 3 dòng họ ở làng Trường Lưu. Ông Nguyễn Quốc Sơn - Phó chủ tịch UBND xã Kim Song Trường - cho biết, các văn bản này hiện đang được các dòng họ bảo quản tại nhà thờ họ hoặc bỏ vào các chai nhựa để lên bàn thờ, bảo quản theo kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Quốc Sơn cho biết, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản ở làng Trường Lưu còn rất hạn chế. “Chúng tôi đã đề xuất nâng cấp trụ sở xã cũ để có thể đưa di sản của các dòng họ lên trưng bày nhưng chưa được. Thời gian qua, nhiều du khách về tham quan, muốn xem các di sản lại phải liên hệ với các dòng họ để đến nhà nên khá mất thời gian và phức tạp vì không phải lúc nào cũng có người ở nhà” - ông nói. Việc nâng cấp không gian trưng bày các di sản không chỉ góp phần bảo vệ các bảo vật này tốt hơn mà còn có thể thu hút được du khách khi làng Trường Lưu được quy hoạch gắn với phát triển du lịch, dịch vụ trong thời gian tới.
Bảo vật quốc gia nằm ở nhà để xe
Những năm qua, nhiều hiện vật, cổ vật, thậm chí là bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Hà Tĩnh cũng chưa phát huy hết giá trị phục vụ nghiên cứu, tham quan do thiếu phòng trưng bày. Bảo tàng Hà Tĩnh hiện đang lưu trữ hơn 11.000 hiện vật, trong đó có nhiều cổ vật, bảo vật quý như: bộ hài cốt người Việt cổ có niên đại hơn 4.000 năm; 3 khẩu súng thần công triều Nguyễn đã được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013… Tuy nhiên, do đang phải “ở nhờ” tại tòa nhà Thư viện tỉnh Hà Tĩnh với không gian chật hẹp nên phần lớn hiện vật, cổ vật đang phải nằm kho, thậm chí phải chịu cảnh nằm phủ bụi im lìm trong nhà để xe.
|
1 trong 3 khẩu súng thần công được trưng bày trước cửa Bảo tàng Hà Tĩnh - Ảnh: Phan Ngọc |
Trong 3 khẩu súng thần công của Bảo tàng Hà Tĩnh, đến nay mới chỉ có 1 khẩu được phục chế một phần trên thân, khảm lại bạc, được trưng bày ngay ở cửa ra vào; 2 khẩu thần công còn lại đang được để trong nhà kho lợp tôn. Nhà kho này vốn là nhà để xe, được cải tạo làm kho, tạm để các hiện vật. Ngay bên cạnh nhà kho tạm này, 2 chiếc thuyền độc mộc có niên đại khoảng 300 năm được người dân phát hiện dưới đáy sông Ngàn Sâu (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) năm 2020 cũng đang để ngoài sân, che mưa nắng bằng mái tôn.
Ông Trần Phi Công - Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh - cho biết: do không gian chật hẹp nên đơn vị này không bố trí được phòng chức năng để trưng bày các hiện vật. Phần lớn hiện vật đang phải để trong nhà kho, chỉ thỉnh thoảng mới được đưa ra trưng bày theo chuyên đề. Không có kho chuyên dụng, đơn vị này phải dùng máy điều hòa duy trì nhiệt độ ổn định để bảo quản cổ vật, hiện vật. Dự án xây dựng Bảo tàng Hà Tĩnh trên diện tích 2ha với đầy đủ nhà trưng bày, nhà kho… sắp được triển khai. Đơn vị này cũng đang ngóng chờ dự án sớm hoàn thành để có nơi trưng bày, vừa phát huy giá trị vừa bảo quản tốt hơn, bền vững hơn cổ vật, hiện vật.
Phan Ngọc