Cánh bướm - một ám ảnh hồn thơ Nguyễn Bính

26/03/2018 - 07:52

PNO - Ngày 24/3, Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Bính. Suy ngẫm Cánh bướm-một ám ảnh hồn thơ Nguyễn Bính, của nhà thơ Lê Minh Quốc, hy vọng là một gợi ý mới mẻ khi tìm về thơ Nguyễn Bính.

Hầu như với thi sĩ, từ muôn năm ngàn kiếp, trong tiềm thức của họ đã có một sự ám ảnh khôn nguôi về một biểu tượng/hình ảnh nào đó mà ngay cả họ cũng không thể giải thích, cũng chẳng bao giờ tự hỏi vì sao. Với Nguyễn Bính, tôi quả quyết hình ảnh đó chính là cánh bướm.

Canh  buom - mot am anh hon tho Nguyen Binh

Về “sự tích” ra đời của cánh bướm/con bướm, theo ông: “Em ạ, ngày xưa vua nước Bướm/ Kén văn tài mở Điệp lang khoa”. Ở cuộc thi này, “Con bướm vàng tuyền đậu Thám hoa” và tân khoa cũng được nhà vua gả công chúa.

Đôi vợ chồng bướm lúc đi lạc, “Sụt sùi ngồi khóc dưới hoa lê”, “Bỗng thấy bà tiên hiển hiện ra” và bảo, đường về nước Bướm còn xa lắm, thôi thì: “Về tạm nhà ta, ngủ với ta”. Thế rồi “Đêm ấy, chăn êm với gối êm/ Vợ chồng ăn bánh với bà tiên/ Ăn xong thoát chốc liền thay lốt/ Chồng hóa làm anh, vợ hóa em”. Nguyễn Bính tự nhận mình chính là con bướm.

Lúc đưa cánh bướm cụ thể vào thơ, Nguyễn Bính đã có cái nhìn rất mới, ngộ nghĩnh. Chẳng hạn, vào dịp cuối tháng Ba: “Mặt tiền vừa đúc khối tiền sen/ Bươm bướm đông như đám rước đèn” - một cách so sánh rõ ràng “không đụng hàng”, giúp người đọc cảm nhận được sự rộn ràng, tươi trẻ, nhộn nhịp.

Rồi lúc tình còn xanh, niềm thơ còn nõn: “Bên hoa thấy bướm không buồn đuổi/ Chỉ mải mê nhìn bướm ủ hoa”. Giữa bướm và người thân mật, gần gũi đến độ: “Chim ca buổi sớm, khuyên nàng học/ Bướm dạy nàng thêu, gió dạy đàn”. Ngay cả lúc “đôi trẻ” còn học trường huyện, “Đội đầu chung một lá sen tơ”, cánh bướm ấy đã là nhân chứng: “Lá sen vương vấn hương sen ngát/ Ấp ủ hai ta chút nhuỵ hờ/ Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc/ Theo về tận cửa mới tan mơ”.

Cứ ngỡ mọi chuyện sẽ êm đềm thế, họ sẽ nên duyên vợ chồng; nào ngờ, “Nàng về mãi xứ bên kia/ Cam thôi màu đỏ, bướm chê hoa vàng”. Khi tình đã mất, thâm tâm dội lại nỗi nhớ về cái thuở trong trẻo: “Qua giậu tầm xuân thấy bướm nhiều/ Bướm vàng, vàng quá, bướm yêu yêu/ Em sang bắt bướm vườn anh mãi/ Quên cả làng Ngang động trống chèo”.

Điều không thể chối cãi trong cuộc đời Nguyễn Bính là ông yêu rất nhiều người. Các nhan sắc ấy là cảm hứng cho những bài thơ tình ghi dấu trong tâm thức nhiều thế hệ. “Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng/ Có con bướm trắng thường sang bên này/ Bướm ơi, bướm hãy vào đây/ Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi”. Chàng thi sĩ hỏi con bướm trắng đang nhởn nhơ bay trước mắt? Không, Nguyễn Bính hỏi chính ông. Con bướm chỉ là cái cớ che giấu lòng ông đang thổn thức.

Canh  buom - mot am anh hon tho Nguyen Binh
 

Lòng yếu đuối, hồn rụt rè, Nguyễn Bính phải vời đến cánh bướm, dù là lúc “chiêm bao rất nhẹ nhàng”; để rồi khi bước ra với đời thực, “Tầm tầm giời cứ đổ mưa” cho đến lúc “Hôm nay giời tạnh mưa rồi”, tâm thế ấy có gì khác? Nguyễn Bính chỉ thấy “Tơ không hong nữa, bướm lười không sang”. Con bướm ấy không sang nữa, biết hỏi ai?

Hỡi ôi, “Đêm qua nàng đã chết rồi/ Nghẹn ngào tôi khóc, quả tôi yêu nàng”. Đến đây, tác giả đột ngột chuyển mạch: “Hồn trinh còn ở trần gian/ Nhập vào bướm trắng mà sang bên này”. Với câu kết này, bài thơ bật lên một nỗi niềm, một bất ngờ mà trước đó người đọc cứ ngỡ là cánh bướm thật, cụ thể. Hóa ra không phải. Người hàng xóm: “Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn”, “hồn trinh nữ” là hiện thân của cánh bướm trắng.

Khi chọn cánh bướm làm biểu tượng của thơ, Nguyễn Bính đã hóa thân vào đó. Từ sự hóa thân này, ngay cả nhan sắc đi qua đời mình, ông cũng nhìn thấy họ như cánh bướm trắng. Màu trắng ấy còn là sự ám ảnh không cùng một khi đã mất đi một bóng dáng cụ thể: “Đem đi một chiếc quan tài trắng/ Và những vòng hoa trắng rợn người/ Có một chiếc xe màu trắng đục/ Hai con ngựa trắng bước hàng đôi”. Màu trắng này xuất hiện cũng chỉ là một cách nhắc lại: “Tôi chỉ thèm yêu được một lần/ Có người đi giữa xứ mùa xuân/ Thấy con bướm trắng bay thơ thẩn/ Ý hẳn đi tìm Hương, cố nhân”. 

Lúc giang hồ vặt đến chơi “Xóm Ngự Viên ở cạnh đường Gia Hội, Huế, tức vườn Thượng uyển ngày xưa”, hình ảnh trước nhất Nguyễn Bính ghi nhận là: “Giậu đổ, dây leo, suồng sã quá/ Hoa tàn, con bướm cánh nghiêng nghiêng” - hình ảnh khiến ông nhớ về cái thuở: “Gót sen bước nhẹ lầu tôn nữ/ Ngựa bạch buông chùng áo trạng nguyên”, gợi lên một âm hưởng buồn đến nao lòng.

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI