|
Theo tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Minh Loan nhiều bậc phụ huynh không phát hiện sớm trẻ mắc rối loạn tâm thần học đường |
Trẻ thắt cổ tự tử vì bị viết bản kiểm điểm
Đó là trường hợp N.T.M. (14 tuổi), bị cô giáo phê bình vì nói chuyện riêng trong lớp. Tuy nhiên, M. cho rằng mình không vi phạm gì đến mức phải bị phạt như thế. Về nhà, bà ngoại yêu cầu M. viết bản kiểm điểm thì cô bé phản ứng lại bằng cách thắt cổ tự tử. Khi người nhà đưa M. đến bệnh viện thì đã quá muộn. Khai thác tiền sử gia đình cho thấy, M. ở cùng với bà ngoại, bố mẹ em cũng từng trải qua nhiều vấn đề khúc mắc.
Thời gian qua, theo bác sĩ Loan, đã có nhiều trường hợp học sinh bị rối loạn sức khỏe tâm thần. Mới đây, một nữ sinh ở Quảng Nam (18 tuổi) đã treo cổ tự tử sau khi biết điểm chuẩn đại học. Dù được người dân nhanh chóng đưa tới bệnh viện cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong.
Số liệu khảo sát 834 học sinh tại TP.Hà Nội và 726 học sinh tại tỉnh Hưng Yên cũng phát hiện một tỷ lệ không nhỏ trẻ mắc trầm cảm, lo âu, stress. Cụ thể, tỷ lệ trầm cảm ở Hà Nội là 31,3%, tại Hưng Yên là 18,6%. Tỷ lệ lo âu tại Hà Nội là 42,6%, tại Hưng Yên là 36,5%. Tỷ lệ stress tại Hà Nội là 38,8%, tại Hưng Yên là 21,8%. Ngoài ra, có tới 18,2% trẻ tại Hà Nội mắc cả ba rối loạn trên. Con số này ghi nhận ở Hưng Yên là 20,8%.
Từ khảo sát này, bác sĩ Loan nhận định, những rối loạn tâm thần học đường ở khu vực thành phố lớn có thể cao hơn các khu vực khác. Khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ trẻ lo âu, trầm cảm, sang chấn ở nữ thường cao hơn nam. Những rối loạn sức khỏe tâm thần ở các lớp cuối cấp cũng cao hơn. Do đây là giai đoạn trẻ chuẩn bị chuyển cấp nên có thể gặp nhiều áp lực, dẫn tới lo âu, stress…
Cũng theo kết quả khảo sát, tỷ lệ trẻ mâu thuẫn với bố mẹ gặp rối loạn sức khỏe tâm thần cao hơn so với những gia đình có mối quan hệ hòa hợp. Điển hình như có tới 46,8% trẻ trầm cảm tại Hà Nội, 78,4% trẻ lo âu ở Hưng Yên… có khúc mắc với bố mẹ, gia đình.
Dấu hiệu cảnh báo
Thời gian qua, Trung tâm Sức khỏe vị thành niên tiếp nhận nhiều trẻ gặp rối loạn tâm thần học đường với các biểu hiện lo âu, stress, trầm cảm… Hậu quả của vấn đề này là làm suy yếu sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.
“Rối loạn tâm thần chiếm 16% gánh nặng bệnh tật và thương tật toàn cầu ở trẻ độ tuổi 10-19. Đặc biệt, trẻ gặp vấn đề này sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp tới thành tích học tập, tiến bộ nhận thức, khó khăn trong kiểm soát cảm xúc, hành vi, phát triển thể chất và đạo đức”, bác sĩ Loan nhấn mạnh.
Điều đáng nói, hầu hết các trường hợp này khi phát hiện đã ở mức độ từ trung bình tới nặng khiến việc điều trị kéo dài và khó khăn hơn. Nguyên nhân, theo các chuyên gia là phần lớn bố mẹ không nhận thức được trẻ gặp vấn đề về mặt tâm lý hoặc có những hành vi, lời nói làm tổn thương trẻ, khiến trẻ bị ức chế kéo dài… Trong quá trình thăm khám, nhiều bậc phụ huynh cho rằng, tình trạng sức khỏe của trẻ hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, khi bác sĩ hỏi trẻ thì kết quả ngược lại.
Để phát hiện và điều trị các rối loạn tâm thần học đường, các chuyên gia chỉ ra nhiều dấu hiệu sớm, bất thường ở trẻ. Theo đó, trẻ có những thay đổi tâm trạng như cảm giác buồn bã, thu mình lại với thế giới bên ngoài… Trẻ cũng có thể có những cảm xúc mãnh liệt, từ sợ hãi bao trùm tới tức giận bộc phát hay lo lắng tột độ.
Một trong những điều mà cha mẹ, giáo viên thường thấy ở học sinh mắc rối loạn sức khỏe tâm thần là kết quả học hành sa sút, không tập trung trong giờ học hay trốn học, hạn chế tiếp xúc, trò chuyện với bạn bè cùng lớp. Các triệu chứng thể chất biểu hiện ở nhóm trẻ này có thể gặp là thường xuyên kêu đau đầu, đau bụng. Nhiều trường hợp cũng lạm dụng chất kích thích hoặc lạm dụng rượu và ma túy hoặc tự gây thương tích, làm hại bản thân, cố gắng tự tử như một cách để “giải thoát” bản thân khi cảm thấy bế tắc trong cuộc sống.
“Việc phát hiện sớm trẻ có những rối loạn sức khỏe tâm thần có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị. Điều này cũng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Khi bố mẹ, giáo viên phát hiện những dấu hiệu sớm, bất thường ở trẻ cần lưu ý để có những biện pháp, cách cư xử phù hợp. Tránh tạo ra “giọt nước tràn ly” khiến trẻ thêm tổn thương và tìm đến những cách giải quyết bồng bột, gây những hậu quả đau lòng”, bác sĩ Loan khuyến cáo.
Nữ sinh lớp 12 tự tử nghi do trầm cảm
Đến nay, nhiều học sinh ở Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn còn bàn tán xôn xao về một nữ sinh đang theo học ở đây bất ngờ tự tử. Ban giám hiệu nhà trường xác nhận, nữ sinh lớp 12 tự tử tại nhà riêng, không cứu chữa được. Sự việc xảy ra ngay trong ngày 20/11.
Theo nguồn tin từ Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, trong thời gian theo học tại trường, em học sinh này có biểu hiện bình thường, kết quả học tập tốt. Tuy nhiên, qua nắm bắt thông tin từ các học sinh cùng lớp, nhà trường biết được nữ sinh này có biểu hiện của bệnh trầm cảm từ năm lớp Mười nên đã nhiều lần trao đổi với phụ huynh và cùng gia đình tìm cách khuyên răn. Song, đến nay, kết cục đáng tiếc vẫn xảy ra.
Được biết, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân có phòng tham vấn tâm lý với một chuyên viên riêng phụ trách. Ngoài ra, ban giám hiệu cũng thường xuyên theo dõi hoạt động của phòng tham vấn tâm lý để kịp thời nắm bắt tình hình của học sinh.
Mỹ Bình
|
Huyền Anh