Cảnh báo thương lái Trung Quốc thu mua rễ hồ tiêu: Có dấu hiệu bất thường

09/05/2018 - 08:04

PNO - Việc thương lái thu mua rễ cây hồ tiêu ở H.Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) những ngày qua với giá 20.000 đồng/kg để xuất sang Trung Quốc cho thấy nhiều dấu hiệu bất thường.

Đặc biệt, nguy cơ mất trắng của nông dân như đã xảy ra nhiều lần trước đó khi đua nhau trồng-nuôi-phá-bán cho Trung Quốc và dội hàng.

Mục đích mua bất thường

Ông Lê Đình Hưng - Phó chủ tịch xã Xuân Thọ H.Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) - xác nhận, thời gian gần đây, trong xã có khoảng 8-10ha tiêu được nhổ bỏ và người dân lấy rễ bán cho thương lái. Tuy nhiên, số tiêu nhổ bỏ lấy rễ đều trên 20 năm tuổi nên đã cằn cỗi. Sở dĩ có tình trạng người trồng ồ ạt nhổ tiêu thời gian gần đây là do giá tiêu xuống thấp, tiêu già cỗi, năng suất thấp. Giá bán bình quân 20.000 đồng/kg rễ tiêu tươi không đủ để trả tiền thuê nhân công, máy xúc. 

Canh bao thuong lai Trung Quoc thu mua re ho tieu: Co dau hieu bat thuong

Theo ông Hưng, thấy việc mua rễ tiêu với mục đích không rõ ràng và có dấu hiệu bất thường, ẩn chứa một số nguy cơ như người dân chặt phá vườn tiêu để lấy rễ, đào trộm rễ tiêu để bán gây thiệt hại đến sản xuất, ảnh hưởng đến trật tự, an ninh, kinh tế, xã hội tại địa phương, nên xã đã phản ánh lên huyện.

Mặt khác, xã cũng khuyến cáo doanh nghiệp không nên tiếp tục thu mua rễ tiêu vì hiện đã bắt đầu mưa, không phải là thời điểm cải tạo vườn tiêu, việc thu mua có thể gián tiếp thúc đẩy hoạt động đào trộm rễ hồ tiêu đem bán.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc chính quyền cảnh báo là cần thiết vì đã có một số mặt hàng “được” thương lái Trung Quốc thu mua bất thường, đẩy giá lên cao nhưng sau đó đột ngột không mua nữa khiến thương lái và các cơ sở thu mua nông sản trong nước “ôm hàng”, chịu thiệt hại.

Bà Nga - đại diện Công ty TNHH một thành viên Thương mại xuất nhập khẩu Ân Nga (xã Xuân Thọ, H.Xuân Lộc), đầu mối thu mua rễ tiêu tại xã Xuân Thọ - cho biết, phía khách hàng Trung Quốc đặt mua từ nhiều năm trước, nhưng do lúc đó giá tiêu cao ngất ngưởng, rất ít hộ trồng tiêu cải tạo vườn nên công ty bà không thể thu mua.

Gần đây, nhiều vườn tiêu tại Xuân Thọ đã già cỗi, năng suất thấp, giá hồ tiêu lại xuống (khoảng hơn 50.000 đồng/kg), các hộ đào gốc lên, đổ đống rễ và dây tiêu trong vườn, nên công ty thu mua. Rễ tiêu thu mua về sẽ được phơi khô, xuất bán kèm với tiêu hạt.

Bà Nga không tiết lộ giá xuất bán rễ tiêu đi Trung Quốc mà chỉ cho biết, lượng rễ tiêu xuất đi không đáng kể, mỗi chuyến hàng chỉ có vài chục ký. Bà Nga cũng từng thắc mắc về mục đích thu mua, được đối tác cho biết, rễ tiêu được dùng như một vị thuốc trong Đông y hoặc dùng như gia vị trong một số món ăn của người Trung Quốc.

“Vừa rồi xã cũng có ý kiến với công ty, nên chúng tôi đã tạm ngưng thu mua” - bà Nga cho hay. 

Canh bao thuong lai Trung Quoc thu mua re ho tieu: Co dau hieu bat thuong
Ông Hai cho biết, thương lái chỉ mua phần rễ mềm, không mua phần rễ chính

Nông dân bán rễ hồ tiêu từ nửa tháng nay

Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn H.Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, hoạt động thu mua rễ hồ tiêu diễn ra chủ yếu tại xã Xuân Thọ, do đây là vùng lõi trồng hồ tiêu, đồng thời là nơi mà một số đơn vị thu mua đặt trụ sở.

Chỉ tay sang khoảng vườn rộng hơn 1 sào (hơn 1.000m2) ngay bên cạnh nhà, ông Trần Đình Hai, ngụ tại ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, cho biết, ông vừa nhổ toàn bộ vườn hồ tiêu cách đây ít ngày. Vườn tiêu này được gia đình ông thu hoạch từ cách đây gần 20 năm, giờ đã già cỗi. Một sào tiêu già cỗi trung bình mỗi năm chỉ cho thu hoạch khoảng 100kg, với giá tiêu chưa đầy 60.000 đồng/kg như hiện nay, chỉ thu được chưa đầy 6 triệu đồng, trong khi tiền đầu tư chăm sóc đã mất tới 4 triệu đồng.

Chủ vườn tiêu này cho biết thêm, những lần cải tạo vườn trước đây, phần rễ, thân và lá của hồ tiêu sau khi nhổ lên được chất đống, đợi khô, đốt lấy tro đổ ra vườn. Gần đây, nghe một số thương lái hỏi mua nên tiện dịp cải tạo vườn, gia đình ông bán phần rễ.

Thương lái cũng chỉ mua lớp rễ mỏng, rễ tơ chứ không mua phần rễ cái. Một sào vườn nhà ông Hai chỉ thu được khoảng 50kg rễ tươi bán với giá 15.000 đồng/kg, tiền bán rễ thu được chẳng đáng là bao. Ông Hai phủ nhận việc nhổ bỏ vườn tiêu chỉ để lấy rễ bán, vì rõ ràng 750.000 đồng/50kg rễ còn không đủ để thuê máy xúc đào gốc cây tiêu. Hầu hết các hộ cải tạo vườn phải đào sâu xuống hàng mét đất để nhổ bỏ cây và thay lớp đất cũ.

Có ít nhất 5 - 6 hộ vừa bán rễ tiêu cho thương lái mà chúng tôi gặp đều cho biết, vườn tiêu đến kỳ già cỗi, tranh thủ thời điểm giá hạt tiêu xuống thấp, thay luôn lớp cây hồ tiêu mới. Chủ một hộ trồng tiêu tại xã Xuân Quang, H.Xuân Lộc tính toán: rễ tiêu khô có giá 70.000 - 90.000 đồng/kg, nhưng để có được 1kg rễ tiêu khô, phải đào hàng chục trụ tiêu đem phơi, không bõ tiền công. Việc mua bán rễ tiêu chỉ là “tận dụng” khi cải tạo vườn chứ không phải vì rễ tiêu được giá mà nhổ cây lên để lấy rễ bán.

Ông Hoàng Văn Bảo - Trưởng ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ - xác nhận với chúng tôi, ấp Thọ Lộc tập trung nhiều vườn tiêu nhất trong xã Xuân Thọ; việc mua rễ tiêu xuất hiện từ khoảng một tháng trở lại đây, trong ấp đã có khoảng 15 - 20 hộ bán rễ hồ tiêu, nhưng đều là những hộ có vườn hồ tiêu cho khai thác 15 - 20 năm. “Có thể những vụ trước, giá tiêu hạt lên đến 180.000 - 190.000 đồng/kg, chủ các vườn còn muốn tận dụng thu hái. Năm nay, giá tiêu xuống thấp nên nhiều hộ tiện thể cải tạo, trồng mới luôn” - ông Bảo nói. 

Chưa từng nghe rễ tiêu dùng trị bệnh

Thời gian qua, thương lái Trung Quốc thu mua gốc và rễ cây hồ tiêu còn sống ở Tây Nguyên với mục đích - theo như thương lái - là để ủ phân bón và làm thuốc trị bệnh. Tuy nhiên, công dụng trị bệnh bằng gốc, rễ tiêu làm nhiều người hoài nghi, vì từ trước đến nay, chưa ai nghe nói “gốc, rễ tiêu dùng để trị bệnh”. 

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Sơn - Trưởng khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - dược tính của hồ tiêu lâu nay chỉ được biết đến trong hạt tiêu, dùng để điều trị các chứng về cảm mạo, dạ dày. Ở nước ta, tôi chưa từng nghe nói dùng rễ tiêu để trị bệnh. Tính dược lý trong điều trị bệnh ở rễ hồ tiêu vẫn chưa rõ ràng”. 

Khi nghe nói rễ hồ tiêu trị bệnh, bác sĩ Trần Văn Năm - nguyên Viện phó Viện Y học dân tộc - cũng rất ngạc nhiên. Ông cho biết, qua 40 năm theo nghề, ông chưa từng nghe nói rễ hồ tiêu có công dụng trị bệnh. Ông nhận định: “Hồ tiêu còn có tên là cổ nguyệt, hắc cổ nguyệt, bạch cổ nguyệt. 

Cây hồ tiêu có tên khoa học là piper nigrum, được trồng chủ yếu để lấy quả và hạt, thường dùng làm gia vị ở dạng khô hoặc tươi. Xưa nay, y học cổ truyền chỉ dùng lá và hạt hồ tiêu để trị bệnh. Lá tiêu được dùng để trị bệnh ngoài da như ngứa, mụn nhọt, viêm khớp và hạt dùng để chữa cảm lạnh, buồn nôn, đau dạ dày. Do đó, nói thu mua gốc hồ tiêu về làm thuốc thì tôi thấy rất lạ”.

Thùy Dương (ghi)

 Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI