Cảnh báo tai nạn ở trẻ mùa tết

20/01/2019 - 12:42

PNO - Bác sĩ Phan Ngọc Duy Cần - Trưởng khoa Khám và điều trị trong ngày Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cảnh báo: cuối năm hay dịp tết Nguyên đán là thời điểm trẻ dễ bị tai nạn vì cha mẹ bận rộn, ít để ý đến trẻ.

Hơn nữa, dịp này, trẻ thường được người lớn cho tiền nên mua những món đồ chơi không an toàn, dẫn đến các tai nạn: nuốt hòn bi, hạt nở; kiếm nhọn đâm vào mắt… Chưa kể, những hóa chất trữ trong nhà để tẩy rửa nhà cửa có thể làm trẻ uống nhầm... 

Đồ chơi thành “sát thủ”

Bác sĩ (BS) Phan Ngọc Duy Cần kể, cách đây vài ngày Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận một bé trai bốn tuổi. Mẹ bé cho biết, ba ngày qua, bé luôn than khóc vì đau bụng nhưng bé không bị tiêu chảy hay táo bón. Mẹ gặng hỏi mãi thì bé kể có nuốt  “cái gì đó”.  

Canh bao tai nan o tre mua tet
Bé 15 tháng tuổi vừa thoát hiểm sau khi uống nhầm thuốc trừ sâu để trong chai nước giải khát

BS siêu âm phát hiện có “vật lạ” trong ruột của bé và nội soi gắp ra một hạt nở đồ chơi. Lúc này người mẹ mới nhớ lại, những hạt nở đủ sắc màu chị đặt trong lọ cắm hoa là món đồ chơi yêu thích của bé. Trước đây, có trẻ nuốt phải hạt nở mà gia đình không hay, bị nôn ói và đau bụng dữ dội. Tại bệnh viện, BS phát hiện bé đã bị tắc ruột do hạt nở.  

Tương tự, mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận một bé gái 6 tuổi (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng tắc ruột. Trước đó, bé đã được khám và điều trị tại một số nơi nhưng không giảm. Tại bệnh viện, bé có biểu hiện đau bụng cơn, nôn ói nhiều, bụng chướng kèm sốt. Bệnh nhi đã được tiến hành phẫu thuật khẩn cấp lấy ra bốn viên bi nam châm. Các viên bi dính chặt nhau làm thủng ruột bốn nơi nên phải cắt lọc và khâu lại.

Gần đây, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận một bé trai 6 tuổi, bỗng dưng mỗi khi thở mạnh hay ho thì trong người lại phát ra âm thanh như tiếng kèn. Trước đó, gia đình đã cho bé đi chữa trị khắp nơi nhưng không tìm ra bệnh, đến khi vào Bệnh viện Nhi Đồng 1, bác sĩ mới phát hiện bé nuốt lõi kèn vào đường thở nên mới có hiện tượng “người thở ra tiếng kèn”.

Anh Cao Văn L. - cha của bé B. - kể: “Bé B. có món đồ chơi yêu thích là cây kèn nhỏ bằng ngón tay út. Một hôm, khi đang chơi, bé B. chạy vào nói với bà nội “con nuốt cây kèn”. Cả nhà tôi cứ nghĩ bé nuốt vào sẽ tự thải ra khi đi vệ sinh nên không để ý. Chừng một tháng sau, bé bị ho, gia đình cho đi khám ở phòng mạch gần nhà. BS nói bé bị viêm phế quản nhưng uống thuốc cả tháng không hết. Sau đó, tôi phát hiện khi con ho hay thở mạnh thì phát ra tiếng kèn đồ chơi nên đưa đến bệnh viện”. 

Canh bao tai nan o tre mua tet
Gần đến tết nhiều trẻ em bị phỏng. Ảnh: Phạm An.

BS Nguyễn Tuấn Như khám cho bé và nghĩ ngay đến dị vật ở đường thở. BS Như cho biết: “Đây là trường hợp hít dị vật. Hít thì nguy hiểm hơn cả nuốt, bởi nó trực tiếp đi vào đường thở. Khi đó, đường thở có phản xạ đóng chặt lại, nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ sẽ tử vong trong vòng 3-5 phút. Cậu bé này may mắn vì đường thở không bị bít và dị vật nằm trong phổi nhiều tháng nhưng không gây biến chứng nặng như nhiễm trùng, hoại tử hay nguy hiểm tính mạng”.  

Hóa chất mà tưởng nước uống

Cận tết, nhiều gia đình hay trữ hóa chất trong nhà để lau chùi, sơn phết nhà cửa, đánh bóng nữ trang, lư đồng… Đây chính là mối đe dọa với trẻ - nhất là khi nhiều gia đình vẫn giữ thói quen chứa hóa chất trong những chai nước giải khát quen thuộc hằng ngày của trẻ. 

Ngày 8/1, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố cho biết, vừa cứu sống thành công một bé trai 15 tháng tuổi (ngụ tại Bến Lức, tỉnh Long An) uống nhầm thuốc trừ sâu đựng trong chai nước giải khát. Khi được người nhà phát hiện, bé sùi bọt mép, ói liên tục.

Bé được đưa vào Bệnh viện đa khoa Long An nhưng chuyển biến xấu: co giật liên tục, kích thích vật vã, tăng tiết đàm nhớt, sau đó mê dần, đồng tử co nhỏ… như đầu kim nên bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố. Tại đây, các BS chẩn đoán bé bị ngộ độc thuốc trừ sâu Phospho hữu cơ (chuyên diệt rầy, muỗi, gián, kiến) và đã xử trí tích cực. Hiện sức khỏe của bé đã ổn định.  

BS Lê Vũ Phượng Thy - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố - cho biết: “Hóa chất trẻ uống nhầm phổ biến là xăng, dầu hỏa, dung dịch cọ rửa, a-xít, chất diệt cỏ, thuốc diệt chuột, nước rửa móng tay... Trẻ uống nhầm hóa chất thường có một số biểu hiện như: ho sặc sụa, cơ thể tím tái, hơi thở có mùi hóa chất...

Ngoài ra, có thể có vết bỏng quanh vùng miệng tái nhợt do trẻ đã nuốt phải một loại chất độc ăn mòn. Tổn thương còn tùy theo loại hóa chất, nồng độ hóa chất, thời gian và liều lượng mà trẻ nuốt hoặc ăn phải. Trong năm qua, Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố đã tiếp nhận hơn chục trẻ em nguy kịch do uống nhầm thuốc bảo vệ thực vật, xăng, dầu, hóa chất, nước rửa móng tay... Hầu hết trường hợp ngộ độc là do phụ huynh dùng chai lọ chứa thực phẩm để chứa hóa chất”. 

 Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI