Cảnh báo sốt xuất huyết trái mùa

31/01/2018 - 17:30

PNO - Mới đây, bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết, dù hiện không phải mùa mưa nhưng bệnh sốt xuất huyết vẫn xuất hiện khá nhiều.

Hiện lượng bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nằm điều trị tại đây gần 40 trẻ, trong đó khoảng 10% ca nặng. Sốt xuất huyết (SXH) trái mùa dễ làm người dân chủ quan, không phòng bị và phát hiện bệnh muộn, có thể dẫn đến tình trạng nặng, biến chứng nguy hiểm.

Bé Nguyễn Thùy L., 9 tuổi, ở Q. Bình Tân, TP.HCM, vừa xuất viện sau gần 10 ngày nằm viện. Bé bị SXH mà gia đình không hay, đến khi bị chảy máu chân răng, chảy máu cam và đi tiêu ra máu thì gia đình mới đưa vào bệnh viện và kết quả xét nghiệm cho thấy bé dương tính với SXH.

Canh bao sot xuat huyet trai mua
Trẻ đang điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Chị Lê Thu P. - mẹ của bé L. - kể: “Sau khi đi học về, con bé than mệt và tôi thấy người hâm hấp. Qua hôm sau thì bé sốt cao 39-400. Tôi đưa con đi bác sĩ (BS) ở gần nhà thì BS nói “bé bị sốt siêu vi”, khoảng một tuần sẽ khỏi. Vì vậy, tôi yên tâm và cho con uống thuốc hạ sốt. Đến ngày thứ tư, con bé bị chảy máu chân răng và máu cam, tôi cứ tưởng con bị sốt, nóng trong người nên bị chảy máu cam. Đến sáng hôm sau con bé hết sốt, nhưng đi cầu ra máu và người lạnh ngắt nên tôi hoảng quá đem đi bệnh viện. Cứ tưởng con bị bệnh đường tiêu hóa, nào ngờ BS nói bé bị SXH và nếu đưa đến trễ sẽ nguy hiểm tính mạng. Tôi hú hồn”. 

Cậu bé Đức T., 11 tuổi, ở Q.9, TP.HCM, bị sốt cao liên tục ba ngày, cũng được BS của một phòng mạch tư chẩn đoán sốt siêu vi - viêm họng nên gia đình yên tâm cho con uống thuốc theo toa BS mà không để ý đến những biểu hiện khác.

Thậm chí, thấy da của T. có chấm đỏ, một người hàng xóm nói “coi chừng bị SXH” thì mẹ bé cãi “có phải mùa mưa đâu mà có SXH”. Đến khi T. bị chảy máu cam ồ ạt thì gia đình đưa đến bệnh viện và mới tá hỏa là T. bị SXH ngày thứ năm - ngày thường xảy ra biến chứng nặng. 

Nhiều người vẫn quan niệm mùa mưa mới có SXH, nên vào mùa khô thì có tâm lý chủ quan, nhất là dịp tết, mọi người thường bận rộn nên việc phòng tránh SXH cho trẻ càng bị xem nhẹ. 

Theo BS Đỗ Châu Việt, SXH có quanh năm, chứ không phải chỉ riêng mùa mưa. Hiện nay, ngoài những nơi có nhiều ao hồ, cây cỏ rậm rạp làm phát sinh muỗi, thì việc các đô thị có nhiều công trình đang xây dựng, nước tù đọng cũng là nơi sinh sôi muỗi nên bệnh SXH có thể xảy ra bất cứ lúc nào và với bất kỳ ai - kể cả trẻ sinh sống ở chung cư cao tầng, ở phòng máy lạnh. Vì họ vẫn có thể bị muỗi đốt khi đi học, đi chơi… Do đó, không chỉ người dân, mà cả nhân viên y tế cũng cần cảnh giác với bệnh này để không bỏ sót, chẩn đoán chậm trễ. 

Để phòng tránh bệnh SXH, trẻ nên ngủ mùng, kể cả ban ngày. Khi đi chơi, đến nơi có muỗi trẻ nên mặc đồ dài, hoặc thoa thuốc chống muỗi đốt. Bên cạnh đó, cần hạn chế đến nơi ao tù, nước đọng; phát quang bụi rậm để diệt lăng quăng, muỗi - nguồn truyền bệnh SXH. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI