Cảnh báo ổ dịch COVID-19 mới ở Thái Lan, Lào và Campuchia

24/04/2021 - 22:00

PNO - Hôm thứ Sáu (23/4), Campuchia đã phá kỷ lục về số ca nhiễm COVID-19 trong một ngày với 700 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên hơn 8.000. Lào và Thái Lan cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số ca nhiễm mới, cảnh báo một ổ dịch có thể hình thành từ 3 nước Đông Nam Á này, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang đi xuống, hệ thống y tế còn nhiều hạn chế và việc mở cửa cho du lịch khá sớm (như Thái Lan).

Bộ Y tế Campuchia cho biết, ngoài 700 người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 vào ngày 23/4, số ca tử vong ở nước này cũng đã tăng lên 61 người.

Mặc dù nền kinh tế Campuchia, vốn chủ yếu dựa vào ngành sản xuất hàng dệt may, ít bị tác động do dịch COVID-19 trong năm 2020, nhưng cũng chịu ảnh hưởng khá nhiều khi xuất khẩu giảm.

Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, chính phủ Campuchia đã phải ra lệnh phong tỏa. Cũng vì dịch bệnh, nhiều lao động Campuchia ở Thái Lan bị mất việc.

 

Campuchia
Campuchia thực hiện phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh

Trước tình hình số ca nhiễm tăng mạnh, Thủ tướng Hun Sen đã ban hành lệnh đóng cửa 14 ngày tất cả các cơ sở kinh doanh không thiết yếu ở thủ đô Phnom Penh và thị trấn lân cận - Takhmao (thuộc tỉnh Kandal) từ ngày 15/4 đến hết ngày 28/4 và yêu cầu 2,3 ​​triệu dân của hai địa phương này tuân thủ nghiêm ngặt lệnh giới nghiêm hoặc ở yên trong nhà, trừ trường hợp khẩn cấp đối với một số “khu vực báo động đỏ”.

Các nhà chức trách Campuchia tuyên bố bất cứ ai bị phát hiện vi phạm lệnh cấm sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu - 20 triệu riel (từ 6-120 triệu đồng) và lãnh 6 tháng đến 5 năm tù giam. Kể từ khi Campuchia thực hiện lệnh phong tỏa vào ngày 15/4, đã có 120 người bị bắt, trong đó nhiều người đã bị giam giữ và bị buộc tội không tuân thủ lệnh giới nghiêm và phong tỏa.

Ở phía bắc Campuchia, nước láng giềng Lào cũng đã ghi nhận 65 ca nhiễm COVID-19 mới trong ngày 23/4, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 159, theo Sisavath Southanilaxay, Giám đốc Cục các bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ Y tế Lào và là đại diện của Ủy ban Phòng chống COVID-19 Lào.

“Trong số những ca mới nhiễm, có 60 người đến từ thủ đô Vientiane, 2 người đến từ tỉnh Champassak, 2 người đến từ tỉnh Bokeo và 1 người đến từ tỉnh Vientiane. Hiện, tất cả các bệnh nhân đều đã được đưa đi điều trị tại các bệnh viện địa phương”, Southanilaxay cho biết.

Cũng như Campuchia, năm 2020 Lào không có ca nhiều ca nhiễm COVID-19 nhưng nền kinh tế vốn lệ thuộc một phần lớn vào du lịch của nước này cũng bị chịu tác động nặng nề bởi đại dịch khi số lượng du khách giảm mạnh và nhiều lao động Lào ở Thái Lan bị mất việc làm.

 

Người dân Lào đeo khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh: TTXVN
Người dân Lào đeo khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh: TTXVN

PhonePradith Xayarath, người đứng đầu Viện Các bệnh truyền nhiễm, cho biết Lào đang gặp hạn chế về cơ sở tiêm chủng, dẫn đến quy trình tiêm chủng không hiệu quả ở những nơi đông đúc. “Thêm vào đó, chúng tôi cũng không có nhiều quan chức y tế để triển khai việc tiêm vắc-xin”, Xayarath chia sẻ thêm. Một quan chức y tế khác của Lào cho biết, do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, nên mỗi ngày nước này chỉ tiêm được cho khoảng 200-300 người.

Hôm thứ Năm (22/4), chính phủ Lào đã ra lệnh phong tỏa thành phố Vientiane, cấm việc đi lại, đóng cửa các tụ điểm giải trí, đóng cửa trường học, ra lệnh cho công chức ở nhà và kêu gọi các lực lượng quân đội tăng cường kiểm soát các vùng đang bị cách ly, hạn chế người dân di chuyển vào thành phố bất hợp pháp và làm lây nhiễm COVID-19. Vào thứ Sáu 23/4, hầu hết các tỉnh ở Lào đều tuân thủ nghiêm sắc lệnh này.

Trong khi đó, vào ngày 23/4, Thái Lan đã phá kỷ lục về số ca nhiễm COVID-19 trong một ngày với 2.070 ca. Mặc dù đã cố gắng giữ cho số ca nhiễm ở mức thấp so với nhiều quốc gia châu Á khác, nhưng gần đây Thái Lan phải đối mặt với nhiều đợt bùng phát mới, trong đó có sự xuất hiện biến thể B.1.1.7 có khả năng lây lan nhanh, làm phát sinh thêm hơn 20.000 ca nhiễm với 27 ca tử vong chỉ trong vòng 23 ngày.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã trấn an người dân khi hứa sẽ cung cấp đủ giường bệnh và thuốc, đồng thời công bố một kế hoạch kích thích nền kinh tế và tiêm chủng cho khoảng 50 triệu người Thái Lan từ nay đến hết năm. Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Prayuth cũng tuyên bố sẽ không áp đặt thêm các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt như cách đây một năm nếu số ca nhiễm hàng ngày giảm mạnh so với tình hình hiện tại.

Cụ thể, trong kế hoạch nói trên, ông Prayuth cho biết Thái Lan sẽ trang bị 28.000 giường bệnh và thuốc để đối phó với đợt bùng phát dịch hiện nay, và sẽ chăm sóc bất kỳ người dân nào có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, ngay cả những người không có triệu chứng. Ông cũng hứa sẽ bổ sung thêm vắc-xin, trong đó có 5-10 triệu liều Pfizer Inc (PFE.N), 5-10 triệu liều Sputnik V của Nga và 500.000 liều vắc-xin của Sinovac Biotech (SVA.O) do Trung Quốc tài trợ. Ông Prayuth cũng cho biết thêm, chính phủ Thái Lan đã dành ngân sách 380 tỷ baht (khoảng 12 tỷ USD) để kích thích nền kinh tế đất nước.

Hiện, các cơ quan y tế Thái Lan đang bổ sung thêm nhiều giường bệnh tại các khu chăm sóc đặc biệt (ICU) ở Bangkok khi các quan chức y tế cảnh báo rằng tình trạng quá tải sẽ diễn ra nếu tốc độ lây nhiễm hàng ngày như hiện nay không được kiểm soát.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc Thái Lan mở cửa trở lại cho khách du lịch trong thời gian gần đây - sau một năm thắt chặt kiểm soát biên giới - có thể khiến nước này phải đối mặt với những đợt bùng phát dịch COVID-19 tiếp theo, thậm chí còn tồi tệ hơn. Trên thực tế, số ca nhiễm COVID-19 ở Thái Lan từ đợt bùng phát mới nhất đã chiếm 1/3 trong tổng số 50.183 ca nhiễm ở nước này từ đầu mùa dịch.

Nhất Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI