Cảnh báo nguy cơ cúm gia cầm độc lực cao tại Việt Nam

05/04/2024 - 18:55

PNO - Thông cáo mới nhất của hai cơ quan cấp cao Chính phủ Việt Nam và Liên Hiệp Quốc đề nghị các địa phương đề cao cảnh giác chủng cúm A(H5N1).

Ngày 5/4, Cục Thú Y Việt Nam và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đã kêu gọi cộng đồng cần cảnh giác với khả năng lây nhiễm vi rút cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) khi phát hiện chủng vi rút A(H5N1) tái tổ hợp trên gà và ngan, thông qua giám sát chủ động tại Việt Nam.

Theo hai cơ quan trên, vi rút cúm A(H5N1) nhánh 2.3.4.4b đã lan rộng trên toàn thế giới kể từ năm 2021. Từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024, có ít nhất 646 ổ dịch HPAI đã được báo cáo tại 5 khu vực địa lý do A(H5N1) gây ra.

Ở châu Á, một số nhánh vi rút A(H5N1) bao gồm 2.3.4.4b, 2.3.2.1c và các nhánh khác, có thể dẫn đến việc tái tổ hợp và sự xuất hiện của vi rút với các đặc điểm mới.

Chủng vi rút A(H5N1) mới đã được phát hiện trên khắp Tiểu vùng sông Mê Kông, gây bệnh trên cả người và gia cầm kể từ giữa năm 2022. Đặc biệt, nó đã gây bệnh cho người ở Campuchia trong các tháng đầu năm 2024.

Vi rút này chứa các protein bề mặt từ nhánh 2.3.2.1c đang lưu hành trong khu vực, nhưng các gen nội khác lại bắt nguồn từ một nhánh vi rút xuất hiện thời gian vừa qua là 2.3.4.4b.

Việc phát sinh và lây lan vi rút A(H5N1) tái tổ hợp trên vào Tiểu vùng sông Mê Kông đã gây ra rủi ro đáng kể đối với sức khỏe động vật và con người. Việc tái tổ hợp không chỉ cho thấy khả năng thích ứng của vi rút trên người, mà còn hiện hữu nguy cơ về sự xuất hiện của các chủng mới, có độc lực cao hơn.

Tuân thủ đúng lịch tiêm phòng và đảm bảo dinh dưỡng tốt cho sức khỏe đàn gia cầm là một trong các khuyến nghị của Cục Thú Y Việt Nam và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc - Ảnh: F.A.O.
Tuân thủ đúng lịch tiêm phòng và đảm bảo dinh dưỡng tốt cho sức khỏe đàn gia cầm là một trong các khuyến nghị của Cục Thú Y Việt Nam và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc - Ảnh: F.A.O.

Tại Việt Nam, dịch bệnh HPAI do A(H5N1) đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, vẫn xảy ra một số ổ dịch nhỏ lẻ trên gia cầm tại một số địa phương. Giám sát chủ động trên toàn quốc cho thấy có sự lưu hành HPAI trong những năm gần đây.

Trong số các bệnh lây truyền giữa động vật và người, cúm gia cầm là một trong năm bệnh truyền nhiễm ưu tiên theo Thông tư liên tịch số 16/TTLT-BYT-BNNPTNT-2013.

Lũy kế từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã phát hiện 129 trường hợp người mắc HPAI, trong đó có 65 trường hợp tử vong.

Trường hợp nhiễm vi rút cúm A(H5N1) trên người gần đây nhất được báo cáo vào tháng 10/2022 tại tỉnh Phú Thọ, và một trường hợp tử vong khác do cúm gia cầm A(H5N1) được báo cáo vào tháng 3/2024 tại tỉnh Khánh Hòa.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và bộ.

“Tăng cường kiểm soát gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu vào Việt Nam. Đồng thời, chỉ đạo chính quyền địa phương huy động nguồn lực, sự tham gia của các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội để bố trí kinh phí, nhân lực thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch, nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ đàn vật nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm gia cầm an toàn, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm gia cầm”, ông Nguyễn Văn Long lưu ý.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI