PNO - Cho rằng tiêm filler, silicon lỏng đơn giản và có thể giúp đầy đặn cơ thể nhanh chóng, một số người đã đến tiệm spa, thậm chí tự mua các loại chất làm đầy này để “trùng tu” vòng ba gây hoại tử nặng nề.
Do số đo vùng mông nhỏ nên chị N.T.P. (28 tuổi, ở Q.Gò Vấp, TPHCM) luôn cảm thấy tự ti. Chị thường tập thể dục, chạy bộ… với hy vọng sẽ có vùng mông đầy đặn. Tuy nhiên, chị luôn có cảm giác thua thiệt người xung quanh. Nghe lời một người bạn, chị P. tìm mua silicon lỏng về để tiêm nhằm mau chóng đạt được số đo như ý. Chị cho biết, ban đầu chị đến một cơ sở thẩm mỹ để nâng cấp vòng ba, nhưng cảm thấy giá hơi cao nên không làm. Sau đó, chị nhờ bạn mua silicon lỏng về tự “trùng tu” cho mình.
“Bạn tôi nói silicon ở nước ngoài an toàn, loại silicon lỏng, sau khi tiêm vào mông, nếu cảm thấy sợ hay không thích có thể uống thuốc để đào thải ra ngoài. Bạn cũng giúp tôi tiêm nên rẻ hơn so với đến cơ sở thẩm mỹ. Tôi nhờ mua 2.000cc silicon về nâng mông”, chị P. chia sẻ. Theo chị P., loại silicon chị gửi mua là chất lỏng không mùi, màu vàng nhạt, chứa trong túi nhựa và không có nhãn mác. Nhưng chị không thắc mắc vì tin tưởng bạn mình. Lúc tiêm, chị cảm thấy bình thường, mông hơi căng. Tối cùng ngày, hai bên mông của chị sưng đau. Qua hôm sau, chị không thể ngồi bởi vùng tiêm sưng tấy. Cố chịu đựng khoảng ba ngày, chị phải tới bệnh viện cầu cứu bác sĩ.
Vừa qua, chị T.A.L. (34 tuổi, ở Q.8, TPHCM) cũng đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM với vùng mông trái sưng căng, có dấu hiệu nhiễm trùng, hoại tử… Khi bác sĩ khai thác bệnh sử, chị L. nói do chị tự tiêm silicon hai lần ở mông thấy ổn, nên lần này chị tiếp tục tiêm một loại filler khác để mông trông đầy đặn hơn, không ngờ lại gặp biến chứng. Lúc đó, chị L. tự mua thuốc kháng sinh, kháng viêm uống, đến khi các vết loét nặng hơn mới đến bệnh viện.
Các bác sĩ phải điều trị kháng sinh cho chị và siêu âm, chụp MRI để xác định độ tổn thương. May mắn, lượng silicon lỏng chỉ nằm trước cơ, chưa “ăn sâu” vào trong nhưng bác sĩ phải phẫu thuật để lấy phần silicon ra, làm sạch vết thương cho chị. Bốn ngày sau, khi vết thương tương đối ổn định, chị L. được xuất viện nhưng sau đó không quay lại tái khám.
Bác sĩ Vũ Hữu Thịnh tư vấn về các biến chứng khi làm đẹp cho bệnh nhân (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Ngoài tiêm silicon, gần đây, số lượng bệnh nhân bị biến chứng do tiêm filler đang tăng lên. Cách đây khoảng ba tuần, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cũng đã cấp cứu cho một phụ nữ hơn 40 tuổi bị hoại tử nặng do tiêm filler. Sau khi được xử trí qua cơn nguy hiểm, bác sĩ yêu cầu nhập viện để hội chẩn, phẫu thuật mới điều trị triệt để phần mô hoại tử, người bệnh đã âm thầm rời khỏi bệnh viện.
Hậu quả khó lường
Bác sĩ Vũ Hữu Thịnh - Phó khoa Tạo hình - Thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết: Mặc dù phương pháp bơm silicon lỏng đã bị cấm sử dụng trong làm thẩm mỹ nhiều năm nay nhưng do nhiều người nghĩ rằng tiêm silicon là thủ thuật đơn giản nên cứ sử dụng. Thậm chí, có những bệnh nhân tự tiêm chất này cho nhau.
Thống kê cho thấy, bệnh nhân có cả nam lẫn nữ, tập trung ở hai nhóm: Người trẻ với mong muốn chỉnh sửa một số khiếm khuyết, hay muốn nâng ngực, mông, độn mũi, cằm; và người từ sau 30 đến 45 tuổi sử dụng các chất làm đầy để trẻ hóa da. Ngày nay, các ca nhập viện do tiêm silicon lỏng đang giảm dần, thay vào đó tai biến từ tiêm filler đang tăng lên. Dù vậy, vẫn còn người hứng chịu biến chứng từ tiêm silicon hơn mười năm trước.
Tùy theo mức độ, bệnh nhân đến sớm hay trễ, tiêm nông hay sâu mà biến chứng nặng nhẹ khác nhau. Nếu đến sớm, người bệnh chỉ cần điều trị nội khoa, kháng sinh, kháng viêm… Trường hợp quá nặng có rò dịch, hoại tử phải làm kháng sinh đồ, cắt lọc lấy toàn bộ các mô hoại tử, tuy nhiên sẽ để lại sẹo lớn, sẹo lõm, phải phẫu thuật lại để cải thiện. Nếu không được xử lý kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong.
Bác sĩ Vũ Hữu Thịnh cho hay: “Phần lớn người làm đẹp thường có tâm lý ham rẻ, ham khuyến mãi, muốn đẹp nhanh nên ít khi tìm hiểu về cơ sở làm đẹp. Nguy hiểm hơn, không ít các tiệm spa, viện thẩm mỹ “chui” đưa ra các hợp đồng ràng buộc, gói bảo hành, yêu cầu khách hàng cam kết một số điều khoản nhất định. Vì vậy khi biến chứng xảy ra, nạn nhân không dám đến bệnh viện khám bệnh, hoặc đến bệnh viện nhưng không “chỉ điểm” cơ sở. Có bệnh nhân thì nói rằng do tự tiêm, bạn tiêm giùm nên bệnh viện rất khó báo cáo vi phạm của các cơ sở này. Thậm chí, có bệnh nhân cố gắng tự tìm cách điều trị, khắc phục biến chứng dẫn đến vết thương ngày càng nghiêm trọng hơn”.
Chưa tính đến filler có đảm bảo chất lượng hay không, chỉ cần bị tiêm sai kỹ thuật, khách hàng sẽ gặp biến chứng ngay. Nếu chất làm đầy vào máu sẽ gây tắc mạch tại chỗ và các vùng lân cận, tiêm quá nông dễ bị hoại tử da. Ngược lại, nếu tiêm quá sâu các chất này sẽ vào cơ, gây nhiễm trùng, hoại tử các mô, việc điều trị sẽ rất khó khăn. Bệnh nhân đối mặt với nhiều cuộc phẫu thuật như cắt lọc loại bỏ phần mô hoại tử, phẫu thuật tạo hình, chuyển vạt da.
Đừng ham rẻ
Bác sĩ Vũ Hữu Thịnh khuyến cáo: Hiện rất nhiều cơ sở có bảng hiệu phòng khám y khoa, thẩm mỹ viện… khiến người có nhu cầu làm đẹp rất khó phân biệt cơ sở thật, giả. Nếu không chắc chắn nơi làm đẹp có giấy phép, nhân viên có chứng chỉ hành nghề hay không, mọi người nên đến các bệnh viện có chuyên khoa để được tư vấn. Đặc biệt, đừng ham rẻ, hãy tỉnh táo trước những gói quảng cáo, bảo hành… Lựa chọn sai lầm có nguy cơ gặp biến chứng, khó điều trị.