Cảnh báo dịch cúm gia cầm có thể lan rộng

18/04/2013 - 09:15

PNO - Giữa tháng 4/2013, các cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm soát gia cầm không rõ nguồn gốc ở khu vực biên giới phía Bắc. Đây là phản ứng phòng vệ cần thiết khi dịch cúm H7N9 vẫn diễn biến phức tạp ở Trung Quốc.

Trong khi đó tại ĐBSCL, các địa phương đang lo lắng khi Đồng Tháp ghi nhận một bé trai 4 tuổi tại xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh tử vong do cúm A (H5N1).

“Sổng” bệnh?

Trong tháng 1/2013, Campuchia thông báo đã phát hiện và ghi nhận 4 ca tử vong do nhiễm virus cúm gia cầm H5N1. Sau đó, số ca tử vong do cúm H5N1 liên tục tăng tại nước này. Thời điểm này, Campuchia tiếp tục cảnh báo về nguy cơ dịch cúm A/H5N1 sẽ tái phát và tỉnh Đồng Tháp (giáp biên giới Campuchia) là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL có trường hợp tử vong do cúm H5N1 trên người. Tuy nhiên, điều mọi người đang quan tâm hiện nay là sự lơ là của chính quyền một số địa phương và người dân.

Khi chưa phát hiện dịch cúm, mọi việc có vẻ như trầm lắng nhưng sau ca tử vong cúm H5N1 trên người, bất ngờ ngành y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp cho biết: Có tới 24/70 mẫu gia cầm lấy tại các chợ trong tỉnh dương tính với cúm A/H5N1, chiếm 33%. Con số này khiến những người am hiểu về dịch cúm H5N1 không khỏi lo ngại. Bởi số gia cầm nhiễm bệnh này có thể là nguyên nhân khiến dịch cúm bùng phát trên diện rộng.

Điều dư luận quan tâm, có bao nhiêu gia cầm dương tính với H5N1 đã “sổng” khỏi cơ quan kiểm định ở Đồng Tháp. Hay nói rộng ra, ai kiểm tra số gia cầm sống, bán tràn lan hiện nay ở ĐBSCL, liệu trong số đó có gia cầm đã nhiễm bệnh?

Canh bao dich cum gia cam co the lan rong
Không ít địa phương còn khoán trắng cho lực lượng thú y trong phòng chống dịch
Ảnh: Phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại các hộ nuôi gia cầm ở ĐBSCL.


Lo ngại vịt chạy đồng

“Không thể kiểm soát nổi vịt chạy đồng hiện nay” - ông Võ Bé Hiền, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y Đồng Tháp, nhận định. Ông Hiền mong có sự phối hợp và hỗ trợ của nhiều lực lượng khác. Đồng Tháp và An Giang là hai địa phương đầu nguồn lũ, có diện tích đất sản xuất lúa lớn ở ĐBSCL. Vì vậy, thường xuyên phải “đau đầu” quản lý đàn vịt chạy đồng rất lớn di chuyến đến khi thu hoạch lúa, bởi khác với gà, vịt mang bệnh khó có thể nhận ra qua những biểu hiện bên ngoài.

Bộ NN-PTNT cho biết đang xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng chống cúm gia cầm tại Việt Nam, giai đoạn 2013-1017”. Theo đó Bộ NN-PTNT đề xuất: tập trung tiêm phòng triệt để đàn vịt, khuyến kích tiêm phòng cho đàn gà. Đáng lưu ý, ngân sách địa phương đảm bảo mua vaccine tiêm phòng dịch, người chăn nuôi chi trả công tiêm phòng”. Đây là điều mà một số ngành thú y ở khu vực ĐBSCL lúng túng, vì trở tay không kịp, lấy đâu ra kinh phí để mua vaccine tiêm phòng. Lãnh đạo tỉnh nào linh hoạt thì xuất kinh phí mua vaccine tiêm phòng, còn tỉnh nào chậm, kế hoạch tiêm phòng vaccine sẽ “đầy da beo” là điều hiển nhiên.

“Khi có dịch cúm xảy ra nhiều ngành mới hỗ trợ ngành thú y dập dịch. Còn bình thường “khoán trắng” mọi việc cho ngành thú y. Người dân buôn bán gia cầm cũng thế, khi có dịch không bán gia cầm sống ở các chợ, khi hết dịch cúm lại bày bán tràn lan” - một cán bộ lãnh đạo thú y ở ĐBSCL nhận định.

Điều các cán bộ thú y lo lắng hiện nay là sự “xâm lấn” của các cơ sở bán thức ăn và thuốc thú y. Vì người chăn nuôi hiện nay gần như nghe theo “bài” của các cơ sở “dụ” mua thức ăn để đàn gia cầm tăng trưởng nhanh mà bỏ qua khâu tiêm phòng vaccine. “Tiêm vaccine khi gia cầm còn nhỏ sẽ làm gia cầm yếu, sốc… tăng trưởng chậm. Đây là cách tuyên truyền phản khoa học của mấy tay bán thức ăn gia súc” - một cán bộ thú y ngao ngán nói.

Xem ra, việc tăng cường tuyên truyền cho người chăn nuôi, người buôn bán gia cầm ở các chợ từ quê đến thành phố mới là vấn đề cần thiết nhất hiện nay.

Theo SGGP

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI