Cảnh báo bỉm giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng bộ phận sinh dục trẻ

11/07/2018 - 06:00

PNO - Tại các cửa hàng, tiệm tạp hóa trong chợ, mặt hàng bỉm tiêu thụ khá chậm. Vì vậy, bỉm tồn đọng chất đống trên kệ bám đầy bụi, bao bì trầy xước, ngày sản xuất thì từ năm 2017.

Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cảnh báo, qua kết quả sàng lọc 3.189 trẻ trai từ 3 - 5 tuổi trên địa bàn, có hơn 1.400 bé trai bị bất thường bộ phận sinh dục, mà một trong những nguyên nhân là do thói quen đóng bỉm. Trong khi đó, thị trường bỉm trẻ em thật, giả lẫn lộn; nhiều loại bỉm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng.

Tiền nào, bỉm nấy?

Trung tâm thương  mại, siêu thị, cửa hàng hay chợ, tiệm tạp hóa… bán hàng chục sản phẩm với đủ nhãn hiệu, chủng loại, giá cả. Bỉm dán, tã quần xuất xứ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam,…, giá dao động từ 100.000 – 410.000 đồng/bịch.

Hỏi mua bỉm, nhân viên bán hàng của shop chuyên doanh đồ trẻ em ở chợ Căn cứ 26A (Phan Văn Trị, P.17, Q.Gò Vấp, TP.HCM) giới thiệu ba nhãn hiệu bỉm và cho biết: bỉm Bobby được nhiều người mua dùng vì giá “mềm” hơn các loại bỉm khác và thoáng. Bịch cỡ nhỏ 100.000 đồng có 22 miếng, tính ra chưa tới 5.000 đồng/miếng.

Canh bao bim gia, kem chat luong gay anh huong bo phan sinh duc tre
Người tiêu dùng khó biết được bỉm thật, giả.

“Bỉm Hugies giá cũng tương đương, bé quen xài bỉm nào thì chị mua bỉm đó cho tiện. Còn nếu muốn đổi bỉm khác thì chị chọn hiệu MamyPoko của Nhật Bản, giá đắt hơn: 24 miếng 170.000 đồng, chia ra thì hơn 7.000 đồng/miếng”.

Xem trên bao bì bỉm MamyPoko thấy chỉ có miếng giấy nhỏ dán chữ “Số 1 Nhật Bản”, còn lại toàn tiếng Anh, Trung Quốc, Thái Lan. Chúng tôi thắc mắc “Bỉm Nhật Bản sao không thấy tiếng Nhật và ghi Made in ThaiLan” thì người bán giải thích “Công nghệ Nhật nhưng sản xuất ở Thái Lan”!

Trong quá trình đóng bỉm cho con, thấy mông và bộ phận sinh dục của con bị đỏ, hăm, nổi đỏ mẩn ngứa, nhiều bà mẹ có xu hướng tìm mua bỉm xuất xứ Nhật Bản để yên tâm chất lượng.

Loại bỉm này chủ yếu có ở các hệ thống cửa hàng mẹ và bé, trung tâm thương mại và được quảng cáo “mỏng, thoáng, thấm hút tốt và thun co giãn cho bé cảm giác dễ chịu khi mặc bỉm”.

Theo khuyến nghị của các nhà sản xuất, đơn vị phân phối, để tránh mua nhầm bỉm giả, kém chất lượng, người tiêu dùng không nên vì giá rẻ mà chọn mua bỉm rẻ tiền, không nhãn mác; hạn chế mua trên mạng khi không rõ đơn vị bán là ai.

Đặc biệt, với những loại bỉm nhập khẩu, người mua phải kiểm tra đầy đủ thông tin về sản phẩm như: hạn sử dụng, ngày nhập khẩu, đơn vị nhập khẩu, tem bảo hành…

Có loại còn được “thòng” thêm tính năng sát khuẩn, ngăn ngừa vi khuẩn vì bổ sung tinh chất trà xanh dưới đáy bỉm”! Giá theo đó cũng cao ngất ngưởng, trên 400.000 đồng/bịch 42 miếng, tương đương gần 10.000 đồng/miếng  - giá gấp đôi so với loại bỉm thông thường, phổ biến.

Đến cửa hàng Tuticare (Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp, TP.HCM), nhân viên bán hàng giới thiệu 4 loại bỉm của Nhật Bản, có loại “made in Japan”, có loại “made in Thái Lan”.

“Khách thường mua bỉm Merries vì bé dùng không bị hăm dù giá hơi cao. Bên em đang có chương trình giảm đồng giá các size, 405.000 đồng còn 385.000 đồng/bịch. Bỉm Nhật giá rẻ hơn có Goo.n, Moony… giá tương đương nhau, tầm 280.000 –  300.000 đồng/bịch”, nhân viên này tư vấn.

Cũng theo nhân viên bán hàng, các loại bỉm cùng hàng Nhật nhưng tùy thương hiệu, giá khác nhau. Hàng đắt tiền hơn thì độ co giãn, thông thoáng, mềm mại, chống khuẩn… tốt hơn. Song, theo quan sát của chúng tôi, các loại bỉm na ná nhau, chủ yếu khác ở công bố, quảng cáo tính năng nhà sản xuất thông tin trên bỉm; còn thực hư rất khó thẩm định.

Coi chừng bỉm giả, kém chất lượng!

Tại các cửa hàng, tiệm tạp hóa trong chợ, mặt hàng bỉm tiêu thụ khá chậm. Vì vậy, bỉm tồn đọng chất đống trên kệ bám đầy bụi, bao bì trầy xước, ngày sản xuất thì từ năm 2017.

Canh bao bim gia, kem chat luong gay anh huong bo phan sinh duc tre
Bỉm được giới thiệu là hàng Nhật Bản nhưng thông tin trên bao bì không rõ ràng.

Hỏi sản phẩm có ngày sản xuất mới thì người bán nói “chưa có hàng mới”. Nhiều người tiêu dùng lo ngại, bỉm để lâu, không được bảo quản tốt cũng có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng bỉm bên trong, mặc cho bé dễ gây ngứa, mẩn đỏ da.

Các bác sĩ da liễu cảnh báo, nhiều trường hợp trẻ bị viêm da do tã lót hoặc viêm da tiếp xúc do bỉm. Thậm chí, nhiều trẻ bị nấm do đóng bỉm bỉm/tã quá thường xuyên.

Vùng kẽ bẹn, kẽ mông trẻ bị bí, không thông thoáng, khí hậu nóng ẩm cộng với nước tiểu ứ đọng làm tổn thương lớp biểu bì phía trên, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi nấm xâm nhập vào trong da và gây bệnh.

Đáng lưu ý, bỉm dù tốt đến đâu đi nữa thì trong bỉm vẫn có chất bảo quản có thể gây dị ứng cho trẻ; nhất là những chất bảo quản để tránh ẩm, mốc, tránh nhiễm khuẩn thì rất dễ gây dị ứng cho làn da non mỏng của trẻ.

Đáng lo hơn, trong “ma trận bỉm”, người tiêu dùng rất dễ mua nhầm bỉm giả mà không biết. Bởi thực tế, cơ quan chức năng mới đây đã phát hiện “lò” sản xuất bỉm giả. Đối tượng vi phạm mua bỉm Trung Quốc rẻ tiền về đóng bao bì bỉm có thương hiệu bán giá cao gấp bốn lần.

Cụ thể, cuối tháng 4/2018, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu - Bộ Công an phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an và các cơ quan chức năng xử lý một cơ sở buôn bán bỉm trẻ em giả với số lượng rất lớn tại thôn Lại Hoàng, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, do Đặng Thành Lâm (sinh năm 1977) làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng xác định có một máy nén, đẩy sản phẩm do Trung Quốc sản xuất; 1.740 bịch tã quần nhãn hiệu “Bobby” đã thành phẩm; 122.000 miếng tã quần chưa đóng gói; 4 kg tem sản phẩm; 360 kg túi nilon trắng và 105 kg bao bì sản phẩm nhãn “Bobby”.

Đặng Thành Lâm khai nhận cơ sở sản xuất bỉm trẻ em này không có giấy đăng ký kinh doanh sản xuất hàng hóa và thừa nhận đã mua bỉm trẻ em trôi nổi tại Trung Quốc về đóng gói, giả nhãn hiệu Bobby để bán kiếm lời. Mỗi túi bỉm trôi nổi Lâm mua với giá 51.000 đồng/túi, loại 20 chiếc, sau đó vận chuyển về cơ sở, thuê người bóc bỏ vỏ ngoài, rồi cho bỉm Trung Quốc vào các bọc túi bỉm giả nhãn hiệu Bobby; trên túi bỉm in giá bán 215.000 đồng.

Chưa kể, trên các trang mạng quảng cáo, chào bán rầm rộ “bỉm ngoại nhập”, “bỉm xách tay”, “bỉm nội địa”, “bỉm chính hãng”,… Chỉ cần gõ từ khóa “bỉm trẻ em” đã có hơn 6,2 triệu kết quả. Các nơi bán cạnh tranh nhau bằng chính sách giá rẻ và “cam kết chất lượng”. Song, trên các diễn đàn, nhiều bà mẹ cũng chia sẻ thông tin mua phải bỉm giả để cảnh báo.

Một bà mẹ với nick bep–hyn cho biết thường cho con xài bỉm Merries M64 loại miếng dán nhưng từng mua phải bỉm giả. “Mình mua online ban đầu nhận bịch bỉm về thấy nghi nghi rồi bóc ra sờ bông thấy nhám chứ không mịn màng như trước. Dùng chưa được 1h đồng hồ mình kiểm tra bỉm thấy nó lổn nhổn đóng cục, cắt ra xem thì bông ép một lớp có xíu nước vô thôi là dồn cục vụn bông chứ không phải là các hạt hút ẩm như bỉm thông thường”, chị này chia sẻ.

Để trấn an các bà mẹ, nhiều nhà sản xuất, cửa hàng chuyên doanh bỉm đã hướng dẫn cách phân biệt bỉm thật – giả, bỉm nội địa – xuất khẩu. Theo đó, căn cứ vào ngôn ngữ thể hiện trên nhãn sản phẩm và thông tin mã vạch, kích cỡ bao bì, số lượng bỉm,... và dùng thử, để ý đường viền, lỗ hút, khả năng thấm hút của bỉm.

Song, trước hàng loạt vụ việc “bỉm giả”, “bỉm kém chất lượng” bị phát hiện, nhiều người tiêu dùng không hết lo ngại, chỉ còn cách chọn mua bỉm ở những siêu thị, cửa hàng có uy tín.

Ông Phan Hoàn Kiếm – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, sau khi nắm các thông tin cảnh báo về bỉm giả, kém chất lượng có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em, sẽ cho rà soát lại và chỉ đạo các đội lưu ý kiểm tra nhóm hàng này, phát hiện vi phạm và xử lý các đối tượng, cơ sở sản xuất, kinh doanh bỉm giả, lậu, kém chất lượng; vi phạm thông tin nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI