Cảnh báo ảm đạm về tác động của biến đổi khí hậu

06/03/2022 - 16:02

PNO - Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), trong 30 năm tới, sẽ có 143 triệu người trên thế giới đối mặt với cảnh màn trời chiếu đất vì nước biển dâng cao, hạn hán, trái đất nóng lên… Trong đó, châu Á và châu Phi bị tác động lớn bởi hàng loạt thảm họa môi trường.

Hiệp ước lịch sử về rác thải nhựa

Tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về môi trường tổ chức ở Nairobi, Kenya, các nhà hoạt động và lãnh đạo từ 173 quốc gia đã thông qua nghị quyết xây dựng một hiệp ước ràng buộc về pháp lý đối với vấn đề rác thải nhựa toàn cầu. Các đại biểu đã nhất trí cao rằng hiệp ước mang tính bước ngoặt lịch sử và được kỳ vọng sẽ là thỏa thuận môi trường đa phương quan trọng nhất kể từ Hiệp định Khí hậu Paris 2015.

Rác thải nhựa trên một bãi biển ở Bali, Indonesia - ẢNH: EPA
Rác thải nhựa trên một bãi biển ở Bali, Indonesia - Ảnh: EPA

 

Bà Inger Andersen - Giám đốc chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) - cho biết hành động toàn cầu đối với rác thải nhựa sẽ bắt đầu ngay bây giờ. Hiệp ước kêu gọi đưa ra “vòng đời” đầy đủ và chặt chẽ hơn cho sản phẩm nhựa từ sản xuất, thiết kế cho đến tiêu hủy, chứ không chỉ riêng chất thải. “Song song với các đàm phán về một hiệp ước ràng buộc quốc tế, UNEP sẽ hợp tác với bất kỳ chính phủ và doanh nghiệp nào có thiện chí xây dựng chuỗi giá trị chuyển đổi sử dụng nhựa sử dụng một lần”, bà Andersen nói. 

Theo Marco Lambertini - Tổng Giám đốc Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) - hiệp ước mang theo ước vọng có thể ngăn chặn ô nhiễm nhựa đang ngày ngày tàn phá hệ sinh thái của hành tinh. Công việc này là trường kỳ, đòi hỏi lãnh đạo các quốc gia phải giải quyết triệt để khủng hoảng ô nhiễm nhựa, đồng thời, chuyển đổi hiệu quả sang nền “kinh tế tròn” - mô hình sản xuất và tiêu dùng trong đó việc chia sẻ, cho thuê, tái sử dụng, sửa chữa, tân trang và tái chế các vật liệu, sản phẩm phải càng lâu càng tốt. Hiện có hơn 60 quốc gia thực hiện các lệnh cấm và đánh thuế đối với bao bì nhựa và rác thải sử dụng một lần, nhằm giảm nhu cầu sử dụng.

Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề

Trở lại báo cáo của IPCC, 1/3 người di dân trên thế giới xuất phát từ châu Á. Với việc rời bỏ nông thôn và tốc độ đô thị hóa, các nhà khoa học dự đoán luồng di cư và nhu cầu tái định cư ngày càng tăng. Ước tính, khoảng 40 triệu người ở Nam Á có thể buộc phải rời khỏi chỗ ở trong vòng 30 năm tới vì thiếu nước, mất mùa, triều cường. 

IPCC đưa ra cảnh báo ảm đạm về tác động của biến đổi khí hậu. Hạn hán, lũ lụt, nhiệt độ đang gia tăng gây ra thiệt hại mỗi ngày. Mọi nơi đều bị ảnh hưởng, không khu vực nào có người sinh sống thoát khỏi tác động nghiêm trọng do thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Khoảng một nửa dân số thế giới, tức khoảng 3,6 tỷ người, đang phải sống ở các khu vực “rất dễ tổn thương” do biến đổi khí hậu. Hàng triệu người phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và nước uống… 

“Tôi đã xem nhiều báo cáo khoa học nhưng chưa có báo cáo nào giống như lần này của IPCC. Đây là một tập bản đồ về sự đau khổ của con người và bản cáo trạng đáng nguyền rủa về sự thất bại trong hợp tác toàn cầu về khí hậu”, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres phát biểu. Cũng theo IPCC, Đông Nam Á là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, đặc biệt có nguy cơ mất các khu định cư và cơ sở hạ tầng do nước biển dâng. Vào năm 2050, Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan là những nơi có nhiều người sinh sống nhất tại các vùng đất dưới mực nước lũ trung bình ven biển. ASEAN phải hứng chịu nhiều tác động, như lũ lụt, hạn hán, nắng nóng đô thị, mất đa dạng sinh học và môi trường sống. 

Thích ứng là cách tiếp cận mà các quốc gia có thể thực hiện để giảm tác động của biến đổi khí hậu. Nhưng theo IPCC, có khoảng cách lớn giữa hành động thích ứng đã thực hiện và những điều cần thiết để đối phó với rủi ro ngày càng tăng. Tại châu Á, những trở ngại đối với việc thích ứng với khí hậu gồm năng lực quản lý manh mún, thiếu tài chính và không đủ nghiên cứu cho các hành động cần ưu tiên… 

Nam Anh (theo The Guardian, AP, The Straits Times)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI