Càng truy cập internet nhiều, càng học kém

23/11/2013 - 17:06

PNO - PNO - Đó là kết luận từ khảo sát “Thực trạng sử dụng internet và những tác động của internet đến sinh viên Trường Đại học Nông lâm TP.HCM” do thạc sĩ Trần Minh Trí – Đỗ Minh Hoàng (giảng viên trường) trình bày tại Hội thảo...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Cang truy cap internet nhieu, cang hoc kem

Hội thảo khoa học “Nghiện internet - Những thách thức mới của xã hội hiện đại”

Theo khảo sát này, những sinh viên đạt học lực giỏi/xuất sắc có số giờ truy cập internet bình quân là 17,6 giờ/tuần, trong khi những sinh viên học yếu/kém có số giờ truy cập bình quân đến 31,9 giờ/tuần. Rất ít sinh viên học xuất sắc/giỏi truy cập internet quá nhiều (trên 4 giờ ngày), trong khi có đến 50% sinh viên yếu/kém truy cập hơn thời lượng đó.

Ở mức độ “rất thường xuyên”, sinh viên truy cập mạng với mục đích học tập ít hơn giao lưu chia sẻ trên mạng xã hội facebook (tỉ lệ là 24,4 - 32,7). Không phủ nhận những tiện ích của internet nhưng sinh viên cũng chia sẻ nhiều trải nghiệm về tác động tiêu cực của internet: khiến sinh viên bỏ học do thức khuya, bị mỏi mệt/bệnh, bị lừa tiền, tạo ra mâu thuẫn với bạn bè, mất thời gian làm việc khác, kết quả học tập giảm sút…

Những năm gần đây, các bệnh viện tâm thần tiếp nhận nhiều ca nghiện internet ở học sinh với các biểu hiện: vào thế giới ảo để lẩn trốn cuộc sống thực, cúp học, ngồi đồng trên mạng, có cảm giác bứt rứt, trầm uất, chán nản khi bị cắt hay giảm sử dụng internet. Tại hội thảo, qua 18 bài tham luận và hàng chục ý kiến trao đổi trực tiếp, các chuyên gia đến từ nhiều tỉnh thành trong nước đã bày tỏ những quan ngại về hiện tượng nghiện internet trong xã hội hiện đại, đặc biệt là đối với lứa tuổi thanh thiếu niên.

Theo tham luận “Tổng quan về mô hình can thiệp và điều trị nghiện internet” của PGS.TS Nguyễn Văn Thọ (Trường ĐH Văn Hiến) và thạc sĩ Lê Minh Công (Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM), tỉ lệ nghiện internet ở thanh thiếu niên từ 9 -16 tuổi là gấp đôi so với người trên 16 tuổi. Có nhiều nguyên nhân khiến thanh thiếu niên dễ nghiện hơn các lứa tuổi khác: trẻ chưa có khả năng về nhận thức và cảm xúc cần thiết để tự kiểm soát mình; về thần kinh học, vùng trán, vỏ não và các hệ thống sinh học thần kinh khác chi phối, kiểm soát việc thực hiện và điều chỉnh cảm xúc chưa phát triển đầy đủ; lứa tuổi này dễ bị cuốn hút vào game nhất; chơi game online, internet là lối thoát chủ yếu cho trẻ bị stress do áp lực học tập kiểu hàn lâm.

PGS.TS Thọ cho rằng giúp đỡ người sử dụng internet làm sao cho điều độ là mục đích chính mà việc can thiệp, trị liệu nghiện internet hướng tới.

Thạc sĩ Huỳnh Thị Kim Tuyến (Trường CĐ Bến Tre) chia sẻ kinh nghiệm giúp trẻ sử dụng internet vào mục đích lành mạnh, tích cực: “Phụ huynh cần luôn quan tâm, đồng cảm, chia sẻ, nên dắt con em đi dã ngoại, gần gũi thiên nhiên và trải nghiệm thêm về cuộc sống bên ngoài; lắng nghe và tâm sự, kéo trẻ xích gần người thân hơn là gần máy vi tính, quan sát và can thiệp kịp lúc, tư vấn để trẻ chọn vào những trang mạng hấp dẫn, có ích, phù hợp lứa tuổi; cha mẹ cần thay đổi tâm tính, không nên nóng nảy, cáu gắt, hãy kiên nhẫn, từng bước tách con ra khỏi đam mê; tạo nhiều cơ hội cho trẻ tiếp xúc và làm quen với công việc nội trợ hàng ngày trong gia đình”.

DIỆU HIỀN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI