Càng trong nguy cơ, cả nước càng đồng lòng và tỉnh táo

01/04/2020 - 07:55

PNO - Ngày 30/3, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi “Toàn thể dân tộc Việt Nam hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19”.

 

Lời hiệu triệu yêu cầu “toàn hệ thống chính trị phải tập trung cao độ để tiếp tục chủ động ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; không quá hốt hoảng nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng, phải nắm chắc tình hình, dự báo khả năng xấu nhất, kịp thời đề ra các biện pháp hữu hiệu để kiểm soát, ngăn chặn bằng được sự lan rộng lây nhiễm”. 

Ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị 16 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc.

Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã chính thức bước vào thời khắc quyết định, với tinh thần “sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết”. Nắm bắt, phán đoán và quyết định nâng mức cảnh báo cao hơn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở thời điểm manh nha dịch bệnh. Huy động mạnh mẽ toàn hệ thống chính trị ở những bước đi kế tiếp, trong khả năng tập trung chuẩn bị, cải tiến - đầu tư các cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cộng với năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ bác sĩ, chuyên gia dịch tễ... Đặc biệt, xuyên suốt, quyết liệt, thực chất trong quá trình lẫn quy trình phòng chống đại dịch là vai trò, trách nhiệm cùng sự phối hợp mang tính tương tác, đồng thuận cao, hiệu quả giữa chính quyền, lực lượng chuyên ngành và người dân. 

Tất cả đã tạo nên một “kháng thể” Việt Nam bảo toàn sức khỏe trên diện rộng: chưa có ca tử vong, tỷ lệ chữa khỏi chiếm 1/3 lượng bệnh nhân, số ca tăng mới chậm và có thể kiểm soát, có biện pháp khống chế và cách ly theo từng quy mô, số lượng, phân loại nghi nhiễm...

Nhưng cũng chỉ có thể là một Việt Nam luôn biết đặt để mình trong “sự khiêm tốn và cầu thị” để không được phép chủ quan, khinh suất, lơ là, hạn chế sai lỗi. Càng trong nguy cơ, cả nước lại càng đồng lòng và tỉnh táo. Chưa bao giờ, tận trong mỗi nhịp sống và mạch nhận thức của người dân, lại thấu cảm, tin cậy, sẻ chia, đồng thuận, gánh vác cùng với chính quyền, giữa người dân lẫn nhau như bây giờ. 

Thử làm một phép đối sánh: khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xác định “sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe của nhân dân”, nhiều tập đoàn kinh tế đã ngay lập tức đóng góp hàng trăm tỷ đồng, nhân dân tự nguyện quyên góp để chia sớt gánh nặng trang trải chống dịch cùng Chính phủ.

Khi Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân xác định: “Nếu không chấp nhận sự thiệt hại về kinh tế trước mắt, những hậu quả lớn hơn trên quy mô cả nước là không thể tránh khỏi”, cũng chính ông, đã gửi lời nhắn nhủ: “Trong giai đoạn vàng này, mỗi người dân chịu thiệt một chút vì lợi ích của cả nước”. Cái chịu thiệt ấy, người đứng đầu Đảng bộ thành phố lập tức tính đến “người lao động không có lương trong hai tuần, bốn tuần thì sống thế nào”.

Và câu trả lời đã được phiên họp bất thường của Hội đồng nhân dân TPHCM, ngày 27/3 thông qua, trong đó dành riêng 1.800 tỷ đồng hỗ trợ người lao động mất việc do đại dịch. 

Khi Thủ tướng Chính phủ cho dừng dịch vụ xổ số kiến thiết, ông nói: “vấn đề quan trọng là giải quyết đời sống của người nghèo ra sao thì phải bàn”. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có ngay phương án hỗ trợ các trường hợp này. Giữa cao điểm chống dịch, vẫn không quên nghiêng vai “cúi xuống” những phận đời khốn khó bên vỉa hè. TPHCM nhanh chóng bố trí các cơ sở lưu trú, rà soát người lang thang, người già không nơi cư trú để chăm sóc, theo dõi sức khỏe.

Mồng Mười tháng Ba năm Canh Tý (2020), lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương hẳn sẽ gọn nhẹ, giản đơn hơn mọi năm. Duy có nén tâm nhang của người con Việt khắp mọi miền, ngoài lòng thành kính, biết ơn tông tổ, cội nguồn sẽ là lời thỉnh nguyện tai ương dịch bệnh chóng qua, mưa thuận gió hòa, người - nhà an vui. 

Nhìn về khởi nguyên luận của tộc Bách Việt, đôi khi ta tự hỏi, vì sao giữa các món ngon vật lạ, chỉ với bánh chưng bánh giầy dâng lên vua cha, Lang Liêu đã được truyền ngôi. Bởi giản đơn rằng, theo giáo sư Trần Quốc Vượng, ấy là vì “cái giỏi của Lang Liêu, cái con mắt tinh đời của vua Hùng, cũng là cái sáng giá trong bảng giá trị văn hóa của dân tộc dân gian là tìm cái phi thường trong cái thường thường”. 

Trong cơn nguy biến toàn cầu của đại dịch COVID-19, Việt Nam là một phép thử khiêm nhường của “cái phi thường trong cái thường thường” ấy... 

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI