Sáng nay (21/9), Hội Điện ảnh Việt Nam và các nghệ sĩ đã có buổi họp báo để chia sẻ thông tin liên quan đến việc cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam đang gây xôn xao dư luận trong những ngày qua. Chủ trì cuộc họp báo này là nghệ sĩ Quốc Tuấn, một người có nhiều tâm tư, chia sẻ trong thời gian qua về câu chuyện tại hãng phim. Với Quốc Tuấn, sự việc này quá kinh khủng.
|
Nghệ sĩ, đạo diễn Quốc Tuấn trong cuộc họp báo sáng nay |
Trong cuộc họp báo, đạo diễn Quốc Tuấn bật khóc khi xem đoạn video clip do các nghệ sĩ miền Nam gửi ra như: Trà Giang, Thế Anh... Quốc Tuấn cho rằng việc cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam vừa qua là một sự nhục nhã. Trong khi đó, nghệ sĩ Minh Đức cho rằng tư duy và việc làm của chủ sở hữu mới Hãng phim truyện Việt Nam là vắt chanh bỏ vỏ.
Quốc Tuấn cũng đặt vấn đề liên quan đến việc định giá của hãng phim trong quá trình cổ phần hoá. Anh cho rằng việc một miếng đất 5.000 mét vuông thuê giá ưu đãi nhà nước, vị trí đắc địa; 7.000 m2 ở Cổ Loa, chưa kể đạo cụ, máy quay phim... chỉ được giá 19,7 tỷ đồng là điều nực cười. Quốc Tuấn chia sẻ bạn bè anh cho rằng Hãng phim truyện Việt Nam mà có giá còn thua cả một căn biệt thự của Vinhomes. Anh cũng có quan điểm cá nhân, cho rằng Bộ đã bắt tay với chủ sở hữu mới để dẫn đến sự việc như trên.
|
Không khí những cuộc họp vừa qua tại hãng phim liên tục căng thẳng |
Nhà văn Chu Lai tham gia buổi họp báo cho rằng Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) không đủ nhân cách và tư cách để tiếp quản một đơn vị lớn như Hãng phim truyện Việt Nam. “Bộ Văn hoá hãy giật mình tỉnh giấc, đừng để người làm kinh tế không biết gì về nghệ thuật làm nghệ thuật. Đừng để địa chỉ văn hoá như số 4 Thụy Khuê thành chợ giời”, Chu Lai nói.
NSND Thanh Vân cung cấp nhiều thông tin, tư liệu trong khoảng thời gian diễn ra việc cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam. Ông khẳng định việc làm này dù liên tục khẳng định là minh bạch, thẳng thắn nhưng chứa bên trong toàn sự dối trá.
Chiều qua (20/9), Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã có phát ngôn chính thức liên quan đến câu chuyện tại Hãng phim truyện Việt Nam. Theo đó, Bộ yêu cầu việc cổ phần hoá phải được thực hiện công khai, minh bạch. Trước những tin đồn diện tích của hãng phim bị mang ra cho thuê để kinh doanh, Bộ trưởng khẳng định không được làm như thế.
|
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện họp với các bên liên quan vào chiều qua (20/9) |
Cũng trong buổi họp hôm qua, ông Nguyễn Thủy Nguyên - chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) - đơn vị sở hữu mới của Hãng phim truyện Việt Nam đã thừa nhận những sai sót trong việc điều hành doanh nghiệp, dẫn đến những hiểu lầm, gây mất đoàn kết nội bộ. Ông Nguyên cũng cho rằng thời gian 2 tháng tiếp quản còn quá ngắn ngủi để đưa mọi thứ vào guồng quay ổn định. Điều cần là nghệ sĩ nên chung tay, giúp sức để mọi thứ diễn ra suôn sẻ.
|
Ông Nguyễn Thủy Nguyên |
Trước đó, vào đầu giờ chiều, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã bất ngờ ghé thăm Hãng phim truyện Việt Nam, lắng nghe những chia sẻ, bức xúc của các nghệ sĩ trước sự thay đổi hiện tại.
|
Thủ tướng Vũ Đức Đam xuất hiện tại Hãng phim truyện Việt Nam vào đầu giờ chiều hôm qua (20/9) |
Trong những ngày qua, các cuộc họp tại Hãng phim truyện Việt Nam luôn diễn ra trong tình trạng căng thẳng kéo dài.
Hãng phim truyện Việt Nam thành lập năm 1953, là hãng sản xuất phim đầu tiên tại Việt Nam. Sau hơn 50 năm tồn tại, hãng đã sản xuất hơn 300 bộ phim trong đó nhiều bộ phim được ví là niềm tự hào của điện ảnh Việt như: Chung một dòng song, Con chim Vành Khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Dậu, Đêm hội Long Trì, Đến hẹn lại lên...
Ngày 29/6/2010, Bộ H-TT&DL ra quyết định số 2238/QĐ-BVHTTDL phê duyệt phương án chuyển đổi Hãng phim truyện Việt Nam thành Công ty TNHHMTV Phim truyện Việt Nam. Đầu năm 2016, hãng phim được đưa ra chào mời cổ phần hoá. Sau nhiều lùm xùm, tháng 6/2017 vừa qua, Tổng công ty Vận tải thủy đã hoàn thành việc mua lại Hãng phim truyện Việt Nam. Hiện tại, hãng phim có tên là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. Hiện tại, hãng phim có tên là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam.
Từ khi phía Savico lên nắm quyền điều hành, tình hình ở hãng phim càng trở nên căng thẳng. Cụ thể, phía Savico cho rằng chỉ ai có làm đủ giờ theo quy định mới được trả lương vì xuất hiện những cá nhân không đến hãng trong suốt một thời gian dài nhưng vẫn được trả lương, lo bảo hiểm. Điều này được cho là không công bằng.
Tuy nhiên, các nghệ sĩ cho rằng Savico không hiểu đặc trưng của công việc sản xuất phim nên không điều hành tốt, đưa ra những luật lệ, quy định không hợp lý. Bên cạnh đó, thời gian qua việc nợ luơng, trừ lương không công khai của các nghệ sĩ, đạo diễn liên tục diễn ra. Theo một số nguồn tin, chủ sở hữu mới còn có ý định lấy diện tích cho các cửa hàng ăn uống thuê. Nhưng ông Nguyễn Thuỷ Nguyên phủ nhận thông tin trên.
Ngoài ra, việc định giá để cổ phần hoá hãng phim cũng gây tranh cãi dữ dội vì không tính phần đất vào. Hôm qua, đại diện Bộ VH-TT&DL cũng cho biết đất nền để xây hãng phim là đất thuê nên không thể tính vào giá trị chung.
|
Thụy Khuê