Căng thẳng sau trưng cầu độc lập ở miền Đông Ukraine

14/05/2014 - 06:50

PNO - PNO - Mỹ tuyên bố không công nhận “cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp” diễn ra cuối tuần qua ở miền Đông Ukraine. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki khẳng định, cuộc bỏ phiếu do các thành phần ly khai thân Nga tổ chức ở...

Mỹ tuyên bố không công nhận “cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp” diễn ra cuối tuần qua ở miền Đông Ukraine. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki khẳng định, cuộc bỏ phiếu do các thành phần ly khai thân Nga tổ chức ở Donetsk và Lugansk “là nỗ lực nhằm gây chia rẽ và gây rối loạn hơn nữa ở Ukraine”.

Phát biểu với báo giới tại Kiev, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Van Rompuy cũng lên án cuộc trưng cầu dân ý đòi ly khai ở miền Đông Ukraine, coi sự kiện đó là bất hợp pháp và không đáng tin cậy.

Cang thang sau trung cau doc lap o mien Dong Ukraine

Người dân Donetsk bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý cuối tuần qua (ảnh: RIA Novosti)

Sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về tương lai chính trị của Donetsk hôm 11/5 với kết quả sơ bộ 89% người dân bỏ phiếu ủng hộ và 10% phản đối nền độc lập của khu vực, nước Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng đã đệ đơn yêu cầu Moscow xem xét việc sáp nhập vùng này vào Liên bang Nga nhằm "khôi phục công bằng lịch sử".

Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố tôn trọng ý nguyện của người dân miền Đông Ukraine và kêu gọi thực hiện kết quả của cuộc trưng cầu dân ý thông qua đối thoại trực tiếp giữa Kiev và đại diện các lực lượng miền Đông, tuy nhiên, Tổng thống Thụy Sĩ Didier Burkhalter, Chủ tịch luân phiên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), nhấn mạnh Nga chỉ bày tỏ "sự tôn trọng chứ không phải công nhận" cuộc trưng cầu dân ý cuối tuần qua tại hai tỉnh Donetsk và Lugansk.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 13/5 tiếp tục kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng kéo dài ở Ukraine. Phát biểu nhân sự kiện vận động cho cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp tới ở thành phố Eisennach, bà Merkel nói Liên minh châu Âu (EU) muốn giải quyết xung đột ở Ukraine thông qua các biện pháp hòa bình và ngoại giao. Bà Merkel khẳng định, mục đích của EU là đảm bảo để người dân Ukraine quyết định tương lai của mình một cách tự do mà không bị ràng buộc.

 QUẾ LÂM (Theo AFP, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI