Càng thân thiết càng quá đà

17/01/2019 - 06:00

PNO - Vợ chồng mà, gấu ó hết hồi rồi thôi; còn cãi là… còn mừng, tới hồi chẳng buồn mở miệng mới đáng sợ.

Anh bạn không dưng rủ tôi đi coi bói. Gặp nhau, anh gãi đầu: “Tối qua tôi lỡ tay làm một cú ra trò, giờ nhìn má vợ, thấy hằn dấu ngón tay, đâm hối hận. Nhưng thật sự là dạo này con vợ tôi ngày càng quá quắt, làm tôi muốn phát điên”. “Cú ra trò” là… lần đầu làm chuyện ấy của bạn tôi, âu cũng là lẽ hiển nhiên, giọt nước tràn trong chiếc bình khắc khẩu.

Trường phái cãi vặt

Cang than thiet cang qua da
Ảnh minh họa

Bạn sinh trưởng trong một gia đình hơi tý là coi bói nên tôi chẳng lạ chuyện vợ đòi ly hôn sau khi “ăn” cú bạt tai, anh lập tức muốn biết đường hôn nhân của mình. Tôi còn nhớ, năm đó cưới, vợ chồng anh được cảnh báo tuy hợp tuổi nhưng… cung khắc, sẽ thường xuyên cãi vặt. Hồi đầu, biết lương chồng tầm 8 triệu đồng/tháng, Linh - vợ bạn - thỏ thẻ: “Khéo co thì ấm, chỉ cần anh luôn thương yêu em”. Bảy năm hôn nhân, bạn cũng được thăng chức, tăng lương vài lần. Nhưng số tiền 11 triệu đồng/tháng bạn cống nạp đầy đủ vẫn không khiến vợ vui. Có lần, cả nhóm ngồi nói chuyện lương bổng, Linh quăng một câu lạnh tanh: “Thà khóc trong xe hơi còn hơn cười sau xe đạp. Chi tiêu tháng nào cũng thiếu trước hụt sau, khiến tôi hối hận sao hồi đó không độc thân cho khỏe”.

Từ cái nền lương chồng không cao, chuyện gì vợ chồng bạn cũng có thể liên kết thành đề tài cãi vặt. Khách của chồng đến nhà, vợ mang ra dĩa trái cây rẻ tiền, chồng tự ái, cãi. Vợ chồng sắm sửa, cân đong nên mua rẻ hay chọn bền, cãi. Được hàng xóm mời đám cưới, chẳng biết “đi” phong bì bao nhiêu cho vừa, cãi…

Tối đó, công việc bận bịu cuối năm khiến vợ chồng phải gửi con cho cô giáo, xin đón trễ. Về đến nhà, nghe con nói: “Cả lớp chỉ còn một mình, con buồn lắm”, bạn quay sang vợ, dấm dẳng: “Hay em xin chuyển bộ phận khác làm, lương thấp hơn chút, nhưng có thời gian cho con”. Linh bất ngờ chép miệng: “Anh ráng kiếm cho được 20 triệu đồng/tháng rồi hẵng nói câu đó”. Với tay lấy điện thoại, Linh mở phần tin nhắn, tiếp tục: “Sếp bảo tháng sau em sẽ được tăng lương trước hạn, bằng anh rồi nhé”. “Giọng điệu đó là sao vậy?” - anh hỏi. Linh khinh khỉnh, buông: “Là vậy đó. Không thì anh chuyển việc đi, để chăm con. Ở tuổi anh, người ta đã…”. Bốp. Bạn tôi quên mất lời bà bói, không “nhịn” vợ nổi hết câu.

Chuyện vợ chồng cãi vặt hay khắc khẩu vốn không lạ. Nói bình thường như... cưới nhau phải xem ngày lành tháng tốt. Một chị tôi quen vừa chia sẻ trên Facebook, đại khái ba má chị không nằm ngoài “trường phái”: “Xa nhau cũng chết mà gần nhau cũng dễ… tắt thở”. Ông đi làm đồng về, thấy bà đậy nắp nồi cơm không kín, cãi. Bà đi “tám” về, quăng cái nón giữa nhà, cãi. Một ngày, ba mẹ chị không cãi là cơm ăn không ngon.

Quyền… va đập

Tôi không phải thầy bà, không biết chuyện cãi vặt trong những cuộc hôn nhân có thực do… số mệnh, như họ vẫn tin. Nếu đúng, sao không nghĩ ngược, biết đâu vì “tiên tri” sẽ khắc khẩu mà mọi người cho phép mình được quyền cãi nhau.

Cang than thiet cang qua da
Ảnh minh họa

Bản thân hôn nhân đã là một thực thể… nhiễu sự. Cô vợ lớn hơn chồng 2 tuổi, lúc mới yêu, phát hiện chồng “còm” trên Facebook, khen một đồng nghiệp nữ trẻ trung, lập tức dỗi hờn, ngúng nguẩy rất đáng yêu: “Đàn ông ai cũng mê gái trẻ hả anh?”. Nay, chỉ cần một nút “like” của chồng cũng có thể nổi cơn ghen, dẫn đến sát thương nhau bằng lời: “Tôi không tin anh là người chung thủy”. Rồi, cái tính cởi mở, nhiều chuyện của bà vợ từng thu hút ông chồng kia, nay trở thành phiền hà. Vợ vừa mở miệng nói chuyện nhà hàng xóm, ông lập tức gạt phăng, vậy là cãi. Hay, ông chồng với cái tính trầm ngâm ít nói từng làm vợ đảo điên, giờ cũng tính ấy sao bà thấy ghét, cảm giác bị xem thường.

Suy cho cùng, chung sống, va chạm là quá trình hiểu nhau. Càng chung sống lâu càng khiến người trong cuộc thêm thân gần. Sự gần gũi, thân thiết giúp đôi bên dễ dàng đáp ứng được các nhu cầu của nhau, song cũng nới rộng sự… không nể nang, chẳng cần giấu cảm xúc không vừa lòng. Họ còn bảo rằng, vợ chồng mà, gấu ó hết hồi rồi thôi; còn cãi là… còn mừng, tới hồi chẳng buồn mở miệng mới đáng sợ.

Nhưng, dẫu có thân thương, gắn bó đến mấy thì cãi vã cũng ba bảy đường. Có kiểu cãi… chấp nhận được, có dạng chỉ dẫn đến tòa ly hôn. Người chị tôi quen kết thúc thiên tình sử 40 năm khắc khẩu của hai đấng sinh thành: ngày nào ba mẹ cũng cãi, nhưng hễ bà đi đâu nửa ngày là ông thấy nhớ; mấy hôm nay ông nhập viện, bà phải tự tay nấu cháo ông mới ăn. Bà vào thấy ông ít ngủ, la một trận tơi bời. Vợ chồng anh bạn tôi thì lại không ngừng nối dài sự tổn thương. Như giọt nước tràn, bạn thành kẻ vũ phu theo sự coi thường chồng quá đà của vợ.

Không khó để nhận ra, ba mẹ chị người quen của tôi, dù cãi, vẫn phát đi tín hiệu của quan tâm, yêu thương. Còn cãi mà để mặc cảm xúc dẫn dắt, chăm chăm nhấn mạnh mình đã lầm khi chọn lựa lấy người, đẩy họ ra khỏi cuộc chung sống hoặc để cho bạo lực kết thúc thì… kết thúc cũng dễ òm! 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI