Căng não tính toán hướng nghiệp cho con

22/06/2019 - 11:00

PNO - Sục vào internet, phụ huynh rơi vào trận đồ bát quái của cơ man nào là những thông tin hướng nghiệp, trung tâm hướng nghiệp, với đủ loại ngành nghề thượng vàng hạ cám. Câu chuyện hướng nghiệp thời nay sao cứ như chơi trò may rủi.

Liên tiếp các thông tin và cảm xúc của cha mẹ về kỳ thi vào lớp 10 rồi thi đại học của "con nhà người ta" khiến phụ huynh của học trò cấp II, III lo lắng. Nhiều gia đình bắt đầu căng não suy tính hướng nghiệp cho con em.

Theo trào lưu tư tưởng mới, có nhiều người ủng hộ dừng việc một đứa trẻ dừng học văn hóa ở lớp 9 và tìm học một nghề bản thân thấy yêu thích. Nghe rất dễ nhưng thực hiện rất khó.

Một đứa bé ngoan nhưng học kém sẽ rất hoang mang trước cánh cửa cuộc đời: cố theo đuổi chương trình học THPT để rốt cuộc có một tấm bằng tốt nghiệp THPT (loại nào cũng được, hệ đào tạo nào cũng được) hay dừng chân ở lớp 9?

Cang nao tinh toan huong nghiep cho con
Hình minh họa

Một đứa trẻ 14 tuổi, sống cuộc sống tương đối đầy đủ vật chất như hiện nay phần lớn không biết mình thích gì (cái thích có ý nghĩa). Đó là chưa nói đến tìm ra một thứ đam mê, vì đam mê còn bao gồm cả kiên trì trong đó nữa. 

Chúng cũng gần như chưa bộc lộ hoặc bộc lộ một cách không chắc chắn các khả năng thiên bẩm để người lớn có thể hướng đạo. Thậm chí nếu có bộc lộ rõ rệt thì cũng không dễ kích hoạt. Ví dụ, một đứa trẻ có đôi tay khéo léo, gấp được giấy theo nghệ thuật origami, điều đó cũng không thể thay thế được học lực ở trường. Ngay cả trong gia đình dù cha mẹ tư tưởng có tiến bộ đến đâu cũng khó chấp nhận những năng khiếu cực đoan kiểu ăn, ngủ đều gấp giấy thế này.

Tôi có cô đồng nghiệp cũ, một lần cầu cứu tôi tìm hộ gia sư cho biết: con trai cô ấy học lớp 8, tất cả các môn học đều tốt, chỉ có 3 môn chính Toán, Văn, tiếng Anh là... không tốt. Hỏi ra mới biết, thằng bé rất thông minh nhưng chỉ vì yếu các môn học chính mà con bị xếp vào nhóm yếu. Cô ấy nói, nếu không cải thiện được thì sắp tới cũng sẽ "không biết đi đâu về đâu". Ngẫm thì thấy cũng đúng vì thi lại hay không thi lại, lên lớp hay không lên lớp là bởi 3 môn này.

Một cậu bé khác đến nay cũng tạm gọi là đã đến được nơi ngỡ như cần đến: trường đại học, nhưng vì bản chất con học yếu nên đỗ vào khoa không có ai học. Lớp học lèo tèo, môn học khó hiểu, cậu bé không thể hình dung ra rồi mình sẽ làm gì với mớ kiến thức đó nhưng vẫn cứ phải đến lớp.

Con đường đó dường như là lựa chọn an toàn, "truyền thống" hơn so với những lựa chọn khác dành cho mấy trung tâm hướng nghiệp không biết đúng sai thế nào ngoài xã hội.

Lại nói về hỗ trợ xã hội, vì bế tắc nên phụ huynh tìm đến sự trợ giúp của xã hội nhưng càng rối não hơn. Từ lúc sục vào internet bạn đã như rơi vào trận đồ bát quái của cơ man nào là những thông tin hướng nghiệp, trung tâm hướng nghiệp với đủ loại ngành nghề thượng vàng hạ cám.

Những khóa dài ngày cũng có và ngắn ngày cũng có nhưng không hề rẻ tiền. Số tiền nhẩm tính được rõ ràng nhưng kết quả thì không ai nhẩm được vì còn phụ thuộc vào việc vớ được đơn vị đào tạo kiểu nào, có phù hợp với trẻ không. Cho dù có được tư vấn tốt đến cỡ nào thì tinh thần chủ đạo cũng chỉ nhờ vào may rủi.

Cang nao tinh toan huong nghiep cho con
Hướng nghiệp quyết định hạnh phúc và sự thành bại cuộc đời con trẻ. Hình minh họa

Cha mẹ thời nay, đặc biệt là cha mẹ của những đứa trẻ ở trong hoàn cảnh như trên thực sự đang gặp rất nhiều khó khăn với hai từ "hướng nghiệp". Đôi lúc tự hỏi, nuôi dạy con cái thời nay có phải phần nhiều dựa vào may rủi? May/ rủi sinh ra nó bình thường, lớn lên khỏe mạnh, k gặp bất trắc?

May/rủi đưa được nó vào môi trường học đường tốt để nó học được cái hay, cái tốt ở trường? May/rủi nó hiếu thuận, biết nghe lời người lớn? May/ rủi nó chơi được với những đứa bạn tốt? May/ rủi nó chọn được đúng ngành nghề, có thu nhập ưng ý? May/rủi, may/rủi và may/rủi...

Cho nên, dù rất xấu hổ nhưng cũng phải thừa nhận việc nuôi con hiện nay bất an và hồi hộp như chơi trò may rủi. Vẫn biết rằng không ai có thể lập trình cuộc đời, đặc biệt là cuộc đời của người khác, cho dù đó là con cái nhưng dù sao vẫn muốn "hướng nghiệp", tránh rủi ro. Nhưng có lẽ chẳng thể toan tính được gì khi khả năng học tập, nhận thức của trẻ ngày một đa dạng và rất khác mà những gì có thể đáp ứng được lại rất thiếu.

Cha mẹ muốn giúp con nhưng thực sự lúng túng vì nhiễu loạn thông tin hoặc thiếu sự trợ giúp từ dịch vụ hỗ trợ có chất lượng đối với hướng nghiệp của con trẻ. Thôi thì cứ cố gắng hết mình, đừng toan tính gì cả vì mọi con đường chưa bước tới đều chứa ở đó mọi trò may rủi.

Ngô Thanh Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI