Căng não tìm đường sang Campuchia cứu con thoát bẫy "việc nhẹ lương cao"

16/07/2022 - 12:15

PNO - Người quen báo hung tin: "Thằng Tấn đang ở Campuchia, gọi về cầu cứu". Gia đình ông Tín tá hỏa. Hành trình gần 10 ngày giải cứu con của ông căng như dây đàn.

Ông Tín đang bay vào TPHCM rồi qua Campuchia giải cứu con
Ông Tín đang bay vào TPHCM rồi qua Campuchia giải cứu con (Ảnh nhân vật cung cấp)

Không những tìm cách cứu con mà ông Nguyễn Văn Tín (50 tuổi) còn cứu đứa cháu họ 25 tuổi cùng bị sập bẫy lừa đảo sang Campuchia làm "việc nhẹ lương cao".

Anh Nguyễn Văn Tấn (*) (24 tuổi, ở huyện Minh Long, Quảng Ngãi) từng tốt nghiệp ngành kỹ sư điện. Trước khi đi, anh Tấn chỉ nói với cha mẹ là anh vào Tây Ninh làm việc, lương tháng hơn 20 triệu đồng. 

Ngày 20/3, ông Tín nhận được cuộc gọi điện thoại anh Tấn báo đã lên đường vào TPHCM và chờ công ty đến đón. Tuy nhiên từ 9g hôm đó đến chiều 22/3, gia đình bỗng nhiên bị mất liên lạc với anh. Đến đêm, anh Tấn gọi điện về cho người cậu cầu cứu. Người cậu gọi điện báo hung tin: "Thằng Tấn đang ở Campuchia, gọi về cầu cứu". Gia đình ông Tín tá hỏa, ai cũng ruột rối tơ vò.

Lúc này, nhóm lừa đảo đưa ra mức giá để chuộc anh Tấn và em họ của anh là hơn 180 triệu đồng. Ông Tín liên lạc với nhóm người này trao đổi, được giảm giá còn 160 triệu đồng, để ngày 24/3 chuộc con và cháu về.

Ông Tín chuyển khoản gần 100 triệu đồng cho nhóm lừa đảo, nhưng chừng ấy chưa đủ nên con và cháu ông không được thả về. Họ còn bị nhóm lừa đảo bán cho một công ty khác tại Campuchia.

Gia đình ông Tín vô cùng bối rối, không biết phải làm thế nào, nhưng họ vẫn nhất định tìm cách cứu con. Ngày 25/3, ông Tín đến công an tỉnh Quảng Ngãi trình báo và cầu cứu. Sau đó, ông Tín liên lạc, nhờ người quen, anh em có mối quen biết bên Campuchia hỏi thăm tình hình. Ông Tín đặt vé máy bay vào TPHCM, bàn bạc với người quen, tìm phương án cứu con, cứu cháu.

Tuy nhiên, trắc trở lại xảy đến, khi hộ chiếu của ông Tín làm cách đây nhiều năm đã hết hạn, ông đành xuống xe, đi làm hộ chiếu mới. Hành trình chậm lại thêm hai ngày. 11g ngày 28/3, ông Tín đi xe đò qua thủ đô Phôm Pênh. Sáng 29/3 ông Tín gặp người quen, rồi đón xe đi thành phố Sihanoukville, cách Phôm Pênh hơn 200km.

Căn cứ theo tọa độ và những hình ảnh được con cháu chụp được, gửi qua, ông Tín cùng người quen cuối cùng tìm ra nơi con cháu mình bị giam giữ. Ông Tín vội đến cảnh sát sở tại để trình báo, cầu cứu.

Ông Tín kể những giây phút giải cứu con, cháu ngặt thở trên xứ người
Ông Tín (bên trái) đang kể những giây phút giải cứu con, cháu nghẹt thở trên xứ người

Trưa 30/3, anh Tấn giấu được máy điện thoại, cùng người em trốn vào nhà vệ sinh, người cảnh giới, người gọi điện cho cha cầu cứu. Anh Tấn lo sợ vì đến chiều, nhóm người lừa đảo bắt buộc anh ký hợp đồng để làm việc. Nếu không ký, sẽ lại bị đánh đập và bán đi nơi khác. Thời khắc ấy với ông Tín cực kỳ căng thẳng, bởi nếu việc giải cứu kéo dài, con lại bị bán đi nơi khác thì "không biết đâu mà tìm". Ông Tín chỉ biết tìm đến lực lượng chức năng.

Trưa 31/3, cảnh sát, quân cảnh Campuchia đột kích tòa nhà cao tầng - nơi giam giữ các nạn nhân. Từ chiều hôm trước, lực lượng chức năng đã theo dõi, bao vây tòa nhà này đề phòng nhóm lừa đảo lại bán người đi nơi khác.

Chứng kiến vụ đột kích, ông Tín kể, lực lượng công vụ dùng kìm cắt khóa, xông vào hang ổ nhóm lừa đảo, bắt tại chỗ 3 người quản lý, 1 người giám sát, cùng nhiều người khác đưa về trụ sở cảnh sát. Lúc giải cứu, anh Tấn đang ở tầng 3. Một số người chung cảnh ngộ với anh Tấn cũng may mắn thoát ra được. 6 người trong số họ đã trở về Việt Nam đoàn tụ cùng gia đình.

Nhiều nạn nhân người Việt bị lao động cưỡng bức trong những phòng kín tại Campuchia - ảnh công an cung cấp
Nhiều nạn nhân người Việt bị lao động cưỡng bức, bị ngược đãi, trong những phòng kín tại Campuchia (Ảnh công an cung cấp)

Mừng rơi nước mắt, ông Tín gọi điện thoại về thông báo, cả nhà thở phào nhẹ nhõm. Ngày 1/4, ông Tín đưa con và cháu trở lại Phnôm Pênh, sau đó về Việt Nam khép lại hành trình gần 10 ngày căng não. Cháu ông nhiễm COVID-19 nên phải ở lại cách ly tập trung, hai cha con ông đành về quê Quảng Ngãi trước.

Bây giờ, đối với ông Tín, trong niềm vui có chút bùi ngùi, để có tiền qua nước bạn cứu con, ông phải chạy vạy vay mượn bà con, bạn bè. Nhưng ông thấy mình may mắn hơn nhiều người khác. Ông Tín nghĩ, các bậc cha mẹ nên quan tâm đến con cái, đừng để rơi vào thảm cảnh như con, cháu ông.

Vì tin lời giới thiệu việc nhẹ, lương cao trên các trang mạng xã hội, nhiều nạn nhân bị lừa sang Campuchia lao động cưỡng bức, bị đánh đập, đòi tiền chuộc. Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã nhận đơn xin giải cứu của hơn 8 công dân trên địa bàn tỉnh này, có người thân bị lừa sang Campuchia lao động. Nếu nạn nhân muốn về Việt Nam thì phải liên lạc với người thân ở quê nhà để chuyển tiền chuộc lên đến hàng trăm triệu đồng. Cá biệt, đã có trường hợp người nhà nạn nhân chuyển tiền chuộc nhưng đối tượng lừa đảo vẫn không cho nạn nhân về Việt Nam. 

Công an tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác với các hình thức giới thiệu việc làm qua mạng xã hội. Người dân khi có nhu cầu tìm việc làm nên tìm hiểu tại các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm được cấp có thẩm quyền cấp phép. Khi có nhu cầu tìm kiếm việc làm cần tìm hiểu kỹ thông tin về nơi làm việc như: tên công ty, địa chỉ nơi làm việc, công việc cụ thể… và kiểm tra tính xác thực của những thông tin này trước khi đến làm việc.

(*) Tên nhân vật và nạn nhân đã được thay đổi để đảm bảo quyền riêng tư cá nhân.

Thanh Vạn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI