Càng đi xa, càng trân quý những giá trị gia đình

12/02/2024 - 16:33

PNO - Ba mẹ tôi chắc không thể ngờ đứa con gái vụng về ngày nào đến đập trứng để chiên còn không dám mà nay đã tự tay chuẩn bị một mâm cúng tất niên tạm gọi là tươm tất ở xứ người.

 

Mâm cúng tất niên đơn sơ nhưng chứa đựng cả tấm lòng thành của người con xa xứ
Mâm cúng tất niên đơn sơ nhưng chứa đựng cả tấm lòng thành của người con xa xứ

Tôi nói với gia đình là năm nay tôi “ăn tết online”.

Nói vui vậy thôi mà 2 chị tôi làm thật, nghĩa là ở nhà chuẩn bị tết thế nào thì 2 chị đều nhắn tin, gửi hình, thậm chí chịu khó quay video cho tôi xem.

Phải nói rằng, 2 bà chị của tôi bận luôn tay luôn chân với việc buôn bán, dọn dẹp nhà cửa, cúng kiếng… nhưng chắc sợ em gái ở xa thấy buồn nên rất chịu khó cập nhật tin tức cho em. Từ những ngày đầu tháng Chạp, tôi đã được xem hình trồng bông vạn thọ và cúc đồng tiền ở nhà. 24 Âm lịch, ngày quét mộ, chị tôi gửi sang cho mấy tấm hình 2 hàng bông giấy mấy chục chậu đỏ rực trước sân nhà.

Tôi xuýt xoa “Năm nay ăn tết lớn dữ ta. Sắm nhiêu bông đây cũng bộn à nghen”. Chị tôi kể, thật ra, năm nay nhà chỉ trồng hướng dương, vạn thọ. Hàng bông giấy này là của hàng xóm trồng cả năm qua, chờ đem ra bán chợ tết, nhưng năm nay kinh tế khó khăn, chợ đìu hiu quá, họ không bán được mấy nên số hoa này vẫn còn để nhờ trước sân nhà tôi. Nghe vậy, tôi cũng thấy ngổn ngang trong lòng, nhìn hoa đẹp thì vui nhưng thấy thương những người trồng hoa tết nhiều hơn.

Từ “đầu cầu Budapest”, tôi liệt kê trong đầu những nguyên liệu mình có thể mua được ở đây và thử tính toán xem có thể nấu được những món gì cho ngày tết. Dễ nhất và đậm chất tết nhất là thịt kho rệu.

Mỗi lần nhắc đến thịt kho rệu, tôi nhớ cái cách mà mẹ tôi chuẩn bị cho món ăn này mỗi dịp tết hay giỗ chạp. Ở xứ dừa Bến Tre, mẹ tôi dùng 100% nước dừa để kho thịt cho hương vị đậm đà, thơm phức và có màu vàng nâu sóng sánh hấp dẫn. Bữa nào kho thịt là sáng đó, mẹ nhờ ba tôi lột dừa, bổ ra lấy nước và thế nào bà cũng sẽ càm ràm, chê ba tôi bổ ít dừa quá: “Dừa đầy vườn mà hà tiện chi không biết. Kho rệu thì phải nhiều nước dừa mới ngon”. Ký ức của tôi về món thịt kho rệu luôn đi kèm với tiếng càm ràm chứa đầy yêu thương của đôi vợ chồng già như vậy đó.

Khẩu vị của tôi với món thịt kho rệu cũng thay đổi lúc nào không hay. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, tôi chỉ thích ăn thịt. Mỗi khi có món thịt kho rệu, tụi con nít hay giành phần nạc mà ăn và hay hỏi cắc cớ là sao mẹ mua chi thịt ba rọi nhiều mỡ quá. Mẹ tôi chê mấy đứa nhỏ này không biết thưởng thức, cứ để phần mỡ lại cho mẹ, mẹ thích lắm. Hồi đó, tôi không rõ mẹ tôi có thật sự thích ăn phần mỡ hay không, hay chỉ là cách để nhường miếng ngon cho con. Lớn lên, kinh tế gia đình ổn định hơn, việc mua mấy miếng thịt nạc ngon lành cho ngày tết không còn là vấn đề nữa thì bỗng dưng tôi đâm ra hết mê thịt nạc.

Bây giờ, mỗi lần gắp miếng thịt nạc cho vào miệng, tôi cảm thấy hơi đơn điệu. Kho rệu thì phải dùng ba rọi, có chút mỡ nó mới mềm, mới béo chứ. Vậy nên, tôi ra chợ gần nhà tìm mua thịt ba rọi để làm nồi thịt kho. Không hiểu sao tôi thích cảm giác đi chợ, lướt qua các quầy hàng xôm tụ hơn là bước vào siêu thị ngăn nắp, tinh tươm. Có lẽ, không khí chộn rộn ở chợ khiến tôi cảm thấy thân thương, quen thuộc như chợ quê nhà.

Ngoài “nhân vật chính” là dĩa thịt kho rệu, tôi cũng bày ra nấu vài món nữa, như canh chua cá, thịt bò xào chua ngọt. À, tôi còn đổ một khuôn rau câu từ tối hôm trước, gọi là “cho ông bà tráng miệng”. Trong lòng tôi muốn làm rau câu sơn thủy có nhiều màu sắc rực rỡ pha trộn ngẫu hứng với nhau, như cách mẹ tôi, chị tôi vẫn hay làm cho những ngày nhà có cưới hỏi hay giỗ chạp. Nhưng tôi không khéo léo như mẹ, như chị, lại không biết tìm đâu ra lá dứa ở xứ người để lấy màu xanh, lá cẩm để lấy màu tím, tôi đành làm một “phiên bản” rau câu đơn sơ hơn, chỉ có 2 lớp gồm nước cốt dừa và cà phê sữa. Mỗi khi nấu nướng kiểu có gì dùng nấy, tôi luôn tự nhủ “quan trọng là ở lòng thành”.

Rồi mâm cúng của tôi cũng được chụp hình gửi về khoe khắp cả nhà khiến ai cũng bất ngờ. Tôi cũng tự rút ra cho mình một bài học lớn, đó là muốn con cái trưởng thành và biết trân quý những giá trị gia đình, hãy để chúng đi xa.

Bài và ảnh: Cúc T.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI