Liệt mặt, lồi chỉ từ căng da mặt
Cách đây vài tháng, chị N.T.H.T. (ở tỉnh Tiền Giang) bỗng thấy mặt bị lệch phía bên phải, mắt không thể nhắm chặt, thêm phần chị luôn thấy nửa bên mặt phải bị chảy xệ. Đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM khám, bác sĩ cho biết chị bị liệt dây thần kinh số 7.
Qua hỏi bệnh sử, chị T. nói trước khi bị lệch mặt bốn ngày, chị có đi căng da mặt bằng mổ nội soi. Hai ngày sau khi mổ, chị T. sốt nhẹ nhưng không thấy sưng đau sau làm đẹp nên chị nghĩ đã căng da mặt thành công, cho đến lúc bên mặt phải lệch rõ, chị mới đến bệnh viện tại địa phương khám, bác sĩ khuyên chị đi TP.HCM điều trị.
|
Người bệnh bị cả biến chứng nâng mũi và căng da mặt |
Theo bác sĩ, chị T. bị nhiễm trùng từ nội soi căng da mặt nhưng không biết, để lâu nên các cơ trên mặt bị tổn thương, khiến chị gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là khi cười, nói vì miệng méo thấy rõ. Hiện tại, chị T. điều trị ngoại trú để tránh nhiễm trùng lan rộng, chống phù nề, sưng tấy, nếu không đáp ứng thuốc, bắt buộc chị T. phải quay lại bệnh viện phẫu thuật để xử lý.
Không may mắn như chị T., chị P.N.K.B. (ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cầu cứu bác sĩ khi gương mặt bị phù nề nghiêm trọng, tụ dịch mủ ở cả hai bên mặt. Da vùng thái dương sạm đen, bong tróc, có dấu hiệu hoại tử, dưới hàm trái có dị vật lồi ra ngoài gần 1cm, nghi là chỉ trong phẫu thuật thẩm mỹ.
Ngoài ra, phần mũi của chị B. cũng gặp biến chứng nghiêm trọng từ cuộc phẫu thuật nâng mũi bằng chỉ cách căng da mặt khoảng 15 ngày. Theo chị B., tổng cộng chị đã mất hơn 15 triệu đồng để làm đẹp với lời hứa chị sẽ trẻ lại nhiều tuổi từ một spa ở Q.Bình Thạnh. Thế nhưng, đẹp đâu chưa thấy, chị đã phải đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM vì không thể chịu nổi cơn đau nhức.
Qua thăm khám, thạc sĩ - bác sĩ CKII Nguyễn Anh Tuấn, Phó khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, cho hay vùng mặt, mũi chị B. bị nhiễm trùng nghiêm trọng với nhiều dịch mủ, nhất là hai bên má, nếu không được phẫu thuật xử lý gấp, da mặt chị có nguy cơ hoại tử rất cao. Lúc này, chị phải trải qua nhiều cuộc mổ nhằm cắt lọc da hoại tử, thậm chí ghép da để điều trị, vùng tổn thương có nguy cơ để lại sẹo xấu.
Biến chứng từ làm đẹp ngày càng nhiều
Bác sĩ Tuấn cho biết, căng da mặt chiếm khoảng 5-10% trong các thẩm mỹ làm đẹp, chỉ nên chọn phương pháp này khi một người đã trên 40 tuổi do da đã lão hóa, xuất hiện nhiều nếp nhăn…
Có nhiều phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ căng da mặt như căng da mặt cổ điển (đường rạch da dọc trước và sau tai), căng da mặt nội soi hoặc căng da mặt bằng chỉ. Bác sĩ sẽ tiến hành kéo chỉnh cân cơ và cắt bỏ da dư, chảy xệ của người cần làm đẹp.
|
Bác sĩ CKII Nguyễn Anh Tuấn kiểm tra và tư vấn cho cô gái bị biến chứng từ làm đẹp ở tiệm spa |
Mặc dù căng da mặt rất ít khi xảy ra biến chứng, nhưng bất kỳ thủ thuật nào liên quan đến gây mê, gây tê đều tiềm ẩn nguy cơ sốc phản vệ, tình trạng sốc nặng hay nhẹ phụ thuộc vào cơ địa mỗi người và liều lượng thuốc sử dụng.
Cũng cần cân nhắc phẫu thuật trên người có tiền sử rối loạn đông máu, cao huyết áp, bệnh lý tim mạch, tiểu đường… Thường sốc phản vệ ngay sau khi tiêm, hoặc sau 1-2 tiếng. Nếu nhẹ, người đó có thể nổi mẩn đỏ, tê đầu lưỡi, phù quanh hốc mắt, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, tụt huyết áp… Nặng hơn, bệnh nhân sẽ khó thở, suy hô hấp và hôn mê, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Tuấn nói thêm, một số chị em căng da mặt bằng chỉ ở các cơ sở không uy tín bị nhiễm trùng, hoại tử da, chỉ lồi cả ra ngoài.
Cũng có trường hợp người làm đẹp bị tổn thương dây thần kinh mặt, khiến mặt bị liệt, méo miệng, mắt không nhắm lại được, dù đã chữa trị nhưng hồi phục kém hoặc bị tật suốt đời. Bên cạnh đó, khi tiến hành phẫu thuật căng da mặt, đường chân tóc của bệnh nhân thường bị kéo lên khiến vùng tóc ở thái dương bị mất đi tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, một năm trở lại đây, người có nhu cầu làm đẹp ngày càng nhiều. Rất nhiều bệnh nhân đến bệnh viện khắc phục hậu quả đều đến những cơ sở làm đẹp chui, vì tin vào những lời quảng cáo, khuyến mãi.
Theo quy định của Bộ Y tế, bất kỳ cơ sở thẩm mỹ nào cũng phải treo chứng chỉ hành nghề ở ngay trước cơ sở để khách hàng nhận biết. Ở những tiệm spa chỉ được thực hiện dịch vụ thư giãn, mát-xa… chứ không được can thiệp ngoại khoa.
Tuy nhiên, khá nhiều cơ sở làm đẹp, nhất là các spa không giấy phép. Người thực hiện chỉ học sơ sài đã tự tin tiếp nhận và làm đẹp cho khách hàng. Thậm chí, họ còn đào tạo nhân viên của mình làm đẹp, đây là điều cực kỳ nguy hiểm.
Bác sĩ Cao Ngọc Bích, Phó chủ tịch phụ trách pháp chế Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM, cho biết để tránh nguy cơ rủi ro khi phẫu thuật thẩm mỹ, người có nhu cầu làm đẹp phải tìm hiểu kỹ thông tin về cơ sở để chọn lựa.
Thông thường, bảng hiệu phẫu thuật thẩm mỹ phải có tên cơ sở rõ ràng, giấy phép đăng ký kinh doanh, số giấy phép, phải có chữ “TM”, kiểm tra thông tin về bác sĩ trên các website, phương tiện thông tin đại chúng, trang web của các hội thẩm mỹ… Xem xét về trình độ chuyên môn, tay nghề, giấy phép hành nghề của bác sĩ.
Theo quy định, tất cả cơ sở làm đẹp đều phải công khai giấy phép, danh mục, giá tiền… mọi người có quyền yêu cầu cơ sở làm đẹp đưa giấy phép, trong giấy phép phải có nội dung cơ sở được thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ thì nơi đây mới có thể can thiệp ngoại khoa. Tiếp theo, người làm đẹp phải xem bảng quy định các hạng mục kỹ thuật cơ sở này được thực hiện. Cuối cùng, trong các hạng mục đó, bác sĩ nào được thực hiện kỹ thuật.
Nếu tên bác sĩ mình chọn lựa trước đó không có trong danh mục quy định, mọi người nên trở về nhà, kiểm tra thông tin về bác sĩ trên các website, phương tiện thông tin đại chúng, website của các hội thẩm mỹ nhằm xem xét về trình độ chuyên môn, tay nghề, giấy phép hành nghề của bác sĩ. Tránh nhầm lẫn giữa chứng chỉ chuyên môn và giấy phép hành nghề, không phải bác sĩ nào có chuyên môn cũng được phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ.
Điều quan trọng, cần xem xét nơi làm đẹp có đầy đủ trang thiết bị, đáp ứng điều kiện vô trùng chưa, bởi dù tay nghề bác sĩ phẫu thuật có giỏi đến đâu, nhưng nếu không đảm bảo an toàn về thiết bị, vệ sinh thì cũng rất dễ xảy ra tai biến.
Phạm An