Thật hiếm khi văn phòng tư vấn của bác sĩ tâm lý học đường Lisa Damour không có các nữ sinh gõ cửa để bày tỏ nỗi lo lắng thường trực của mình - có 31% nữ sinh đã từng trải qua các triệu chứng lo âu, trong khi con số này ở nam sinh là 13%.
|
Ảnh minh họa |
Damour đồng tình với nghiên cứu mới nhất của trường đại học Oxford, họ cho rằng mạng xã hội chỉ là một trong các nguyên nhân rất nhỏ gây ra sự bất an ở các nữ sinh. “Mạng xã hội chỉ khuếch đại lên những điểm bất ổn đã diễn ra trong cuộc sống của họ. Nó không phải là nguyên nhân duy nhất”. Bác sĩ Damour chia sẻ thêm, mọi người thường không hiểu một thực tế rằng: lo lắng và căng thẳng đôi khi lại tốt cho sức khỏe tâm thần.
Trong suốt mười năm công tác tại một trường tư thục nữ và có phòng khám riêng, cô tiếp xúc với nhiều nữ sinh có hội chứng căng thẳng, và họ luôn có ý niệm nó sẽ là nấm mồ chôn vùi cuộc sống của họ. Cô nhận xét chính các quan niệm trong xã hội cho rằng các cảm xúc tiêu cực là điều cần phải tránh, còn cảm giác thư thái, điềm tĩnh luôn được ca ngợi; lời khuyên để tránh căng thẳng luôn là hãy thư giãn càng nhiều càng tốt. Damour phản biện: “Đây không nhất thiết là cách tốt nhất. Điều này không dễ thực hiện, và càng cố làm thì càng thất vọng và stress”.
Những thuật ngữ chẩn đoán nghe có vẻ như liên quan đến y khoa cũng không mang lại nhiều kết quả, bởi vì nhiều khi nó chỉ là một bệnh lý cảm xúc bình thường. “Hồi xưa ta hay nói về sự nhút nhát, sợ hãi, nay chúng ta nói về sự lo lắng triền miên; hồi xưa chúng ta hay nói về sự buồn bã, nay chúng ta nâng cấp lên thành sự tuyệt vọng”.
|
Ảnh minh họa |
Trong thời đại mà những người hướng ngoại luôn được hoan nghênh, thì những đứa trẻ nhút nhát, lại bị gán cho chứng lo âu. Trẻ vị thành niên cần được hướng dẫn các thuật ngữ nói về sự lo lắng: lo lắng có lợi và lo lắng có hại; căng thẳng lành mạnh và căng thẳng có hại đến sức khỏe. Biết được sự khác nhau là cả một vấn đề.
Người ta thường có khuynh hướng không thích bị kéo căng như dây đàn để đạt đến một mức độ cao hơn, thế nhưng các nhà khoa học đã chứng minh rằng, mức độ căng thẳng để thoát khỏi cảm giác an toàn là cách giúp bạn trưởng thành. Kiểu như không phải lúc nào bạn cũng cảm thấy thoải mái khi tập thể dục, nhưng ai cũng phải công nhận vận động là tốt cho sức khỏe.
Trẻ lo lắng trước kỳ thi là một thái độ tích cực, điều này khiến chúng tập trung vào việc học hơn, và khi lao vào sách vở, chúng sẽ có cảm giác tốt hơn. Bác sĩ Damour cũng cho rằng, lo lắng là một hệ thống báo động tự nhiên của cơ thể, nó sẽ bị kích ứng khi ta cảm thấy một mối đe dọa nào đó, giống như nỗi đau thể xác nhắc ta không đụng vào lửa, nỗi lo lắng nhắc chúng ta hãy quan tâm đến sự lựa chọn của mình.
Một số nữ sinh và cả nam sinh đang chịu đựng các vấn đề sức khỏe tâm thần kinh niên. Nữ sinh thường bị nhiều hơn, vì các em thường xem bài tập về nhà nghiêm túc hơn. Khi trẻ cảm thấy không thể trở lại suy nghĩ như bình thường, không ngủ đủ hay không thể giải tỏa những gánh nặng chúng đang mang, tức là chúng đang mắc chứng lo lắng kinh niên và cần phải được điều trị.
Bác sĩ Damour cũng nói thêm: “Cách cha mẹ giúp trẻ đối diện với lo lắng và căng thẳng sẽ tạo ra sự khác biệt rất rõ”. Là mẹ của hai con gái 8 và 15 tuổi, cô chia sẻ: “Đôi khi giác quan người mẹ có thể làm cho sự việc trở nên tệ hơn. Nếu cha mẹ cũng tỏ ra căng thẳng, đứa trẻ sẽ cảm thấy như cả nhà đang đối diện với một biến động. Nếu cha mẹ điềm tĩnh với thái độ ôn hòa, trẻ sẽ tin rằng dù chuyện gì rồi cũng sẽ vượt qua”.
Một số lời khuyên dành cho cha mẹ:
Hãy thông cảm với con: khuyên một bé gái đang lo lắng đừng lo lắng sẽ có tác dụng ngược. Con sẽ cho rằng bạn không lắng nghe con một cách nghiêm túc. Thay vì nói đừng lo lắng, mọi việc sẽ tốt lên thôi, hãy nói rằng: “Đây là vấn đề lớn, nhưng mẹ nghĩ con sẽ ổn thôi”.
|
Ảnh minh họa |
Đưa ra những tình huống xấu nhất: hãy vạch ra các bước chiến lược một cách nghiêm túc, dù bạn có nghĩ rằng các vấn đề của con là vớ vẩn thì cũng hãy giúp chúng có cảm giác tự chủ trong mọi việc. Hãy đặt các câu hỏi như: Điều tệ nhất có thể xảy ra là gì? Vậy thì con sẽ làm gì? Và hãy để chúng đưa ra càng nhiều ý kiến càng tốt.
Không để con bạn lẩn tránh các tình huống căng thẳng: nhiệm vụ của cha mẹ là bảo vệ con cái. Điều này có thể giúp chúng cảm thấy an toàn, nhưng nó cũng tước đi khả năng giải quyết tình huống của trẻ. Hãy giúp con đối diện với nỗi đe dọa, thay vì lẩn tránh nó.
Hãy nói cho con biết rằng căng thẳng trong trường học là lành mạnh: khoa học đã chỉ ra rằng, nếu bạn nói rằng căng thẳng là điều có lợi, bởi vì chúng sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và giúp người ta thành công, người nghe sẽ thấy tinh thần, khả năng tự đánh giá, và ngay cả thành quả công việc sẽ tốt hơn đáng kể. Hãy nói với con rằng các kỳ thi và các cuộc sát hạch được thiết kế để rèn luyện khả năng cọ xát trong cuộc sống sau này của con.
|
Các nữ sinh có xu hướng rơi vào stress cao hơn nam sinh. Hình minh họa. |
Giúp con ngủ đủ giấc: bé gái có khuynh hướng ngủ ít hơn bé trai, vì sự lo âu ở bé gái nhiều hơn. Hãy giúp con ngủ đủ, khi đó bé sẽ có khả năng giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống.
Bé gái không nên cố quá sức: càng lo lắng, bé gái sẽ càng cố sức, và chúng ta thường khen ngợi chúng vì điều đó. Tuy nhiên, việc này sẽ không hoàn toàn có lợi. Con gái chúng ta sẽ mất sức ở giai đoạn trung học và cả sau đó nữa. Hãy dạy chúng cần bao nhiêu sức lực để đạt mức độ mình mong muốn, và nên dừng lại tại đó.
|
Phan Quỳnh Dao