Cảng cá 220 tỉ đồng, làm xong để phơi sương, phơi nắng!

08/10/2024 - 06:16

PNO - Dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) được ngư dân tỉnh này kỳ vọng trở thành nơi neo đậu tàu cá an toàn, thúc đẩy phát triển nghề cá và dịch vụ hậu cần nghề cá của địa phương. Nhưng đã gần 1 năm xây dựng hoàn thành, cảng cá này vẫn nằm phơi sương, phơi nắng, mặc cho mưa bão đang vào mùa cao điểm.

Ngư dân mong ngày mở cảng

Do cảng chưa mở nên đến nay ngư dân không thể đưa tàu thuyền vào cảng. Ngư dân Nguyễn Mạnh Tuấn ở xã Phú Diên (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, hiện tại bà con ngư dân đánh bắt xa bờ phải đưa tàu thuyền về tránh bão ở âu thuyền xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Nhưng âu thuyền này cũng đã xuống cấp, nên anh em bạn thuyền phải rất vất vả tìm nơi kín gió để tránh bão.

“Tại sao cảng cá Thuận An mới được đầu tư để phục vụ nghề cá, làm nơi tránh bão cho ngư dân mà ngư dân không dám đưa tàu thuyền vào neo đậu? Nguyên nhân là vì luồng lạch quá cạn, vào ra dễ bị vỡ thuyền. Mà vỡ thuyền là mất cả tài sản” - ngư dân Nguyễn Mạnh Tuấn bức xúc.

Sau gần 1 năm bàn giao, cảng cá Thuận An mới chưa thể hoạt động vì nhiều khâu chưa hoàn tất
Sau gần 1 năm bàn giao, cảng cá Thuận An mới chưa thể hoạt động vì nhiều khâu chưa hoàn tất

Còn ngư dân Trần Văn Chiến (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) - chủ tàu cá vỏ thép công suất gần 900 CV - nói: “Ngư dân chúng tôi rất mong cảng cá Thuận An mới sớm được đưa vào sử dụng để thuận tiện cho việc vươn khơi bám biển, dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển và chúng tôi cũng yên tâm có chỗ đưa tàu thuyền vào tránh bão”.

Ông Đào Quang Hưng - Chủ tịch UBND phường Thuận An, TP Huế - cho biết, toàn phường có 117 tàu cá công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ với kế hoạch khai thác trung bình mỗi năm 14.000-15.000 tấn hải sản. Do cảng cá Thuận An mới đã hoàn thành nhưng chưa đưa vào sử dụng nên các tàu cá của ngư dân địa phương phải neo đậu, bốc dỡ hàng hóa và hải sản ở cảng cũ, một số tàu thuyền thì neo đậu bên ngoài.

Ngư dân mong muốn cảng cá Thuận An mới sẽ sớm được mở khai thác để phục vụ phát triển.

Công trình tiếp tục phơi sương, phơi nắng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án cảng cá Thuận An mới kết hợp khu neo đậu tránh trú bão được triển khai thi công xây dựng từ tháng 10/2020 với kinh phí đầu tư là 220 tỉ đồng từ nguồn vốn bồi thường sự cố môi trường biển, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư.

Dự án hoàn thành đảm bảo quy mô tàu cập bến và xuất bến đạt công suất tối thiểu 20.000 tấn/năm, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền cập bến bốc dỡ hàng hóa, bảo quản thủy hải sản, đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật theo quy định của EU về vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, điện, nước.

Ngoài ra, tại cảng cá mới Thuận An còn được xây dựng hệ thống kho bãi lưu trữ hàng, hệ thống nhà cấp đông, nhà máy nước đá, hệ thống nhà làm việc và các khu dịch vụ, đáp ứng nhu cầu neo đậu và tránh trú bão cho khoảng 500 tàu thuyền các loại có chiều dài từ 6m trở lên nhằm hạn chế thiệt hại về người và phương tiện đánh bắt trong mùa mưa bão.

Trong lúc cảng bị bỏ phí, người dân đã tận dụng mặt bằng làm sân phơi hải sản
Trong lúc cảng bị bỏ phí, người dân đã tận dụng mặt bằng làm sân phơi hải sản

Trong quá trình thi công, chủ đầu tư và các nhà thầu nhiều lần báo cáo chậm tiến độ. Mãi đến tháng 1/2024 dự án mới được chủ đầu tư bàn giao cho Ban quản lý cảng cá Thừa Thiên - Huế để quản lý vận hành.

Tuy nhiên, cho đến nay, sau 10 tháng, công trình này vẫn chưa thể vận hành khai thác, gây lãng phí tiền và trở ngại cho hoạt động của ngư dân. Trong cảng, khu hạ tầng bị bỏ phí, người dân tận dụng làm sân phơi hải sản vào ngày nắng, một số nơi ở khu vực cầu cảng, nhà điều hành, cỏ mọc um tùm.

Đáng nói là trong quá trình làm thủ tục công bố mở cảng, các cơ quan chuyên môn đã phát hiện công trình dự án hạ tầng nghề cá này dù thực hiện gần 5 năm trước nhưng chưa có quyết định giao đất, giao mặt nước. Và đáng nói hơn là dự án cảng cá đã hoàn thành xây dựng vào tháng 12/2023 và được bàn giao cho đơn vị quản lý, vận hành từ tháng 1/2024, nhưng luồng lạch thì vẫn bỏ ngỏ, bình đồ đo độ sâu luồng lạch chưa có (trong khi việc này lẽ ra phải được hoàn thành trước), nên cảng chưa thể mở.

Về quyết định giao đất và mặt nước, ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó giám đốc Ban quản lý cảng cá Thừa Thiên - Huế - cho biết, hiện ban này đã hợp đồng với đơn vị chuyên môn về đo đạc, xác định hiện trạng, diện tích khu đất cảng và mặt nước. Các thủ tục này đã gửi Sở Tài nguyên - Môi trường và cơ quan liên quan thẩm định.

Thế nhưng việc thực hiện nạo vét luồng lạch, xây dựng bình đồ đo độ sâu, một công việc khá phức tạp thì chưa biết bao giờ mới được các đơn vị thực hiện. Công trình 220 tỉ đồng, vì thế sẽ còn tiếp tục bị phơi sương, phơi nắng. Thiệt hại cũng sẽ khó đong đếm được, nhất là khi mưa bão đang vào mùa cao điểm!

Cảng cá Thuận An mới kết hợp khu neo đậu tránh trú bão là 1 trong 3 thành phần của dự án xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá tỉnh Thừa Thiên - Huế. Dự án được thực hiện từ nguồn vốn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh liên quan sự cố môi trường biển xảy ra tại miền Trung gần 10 năm trước. Dự án thành phần này có tổng mức đầu tư 220 tỉ đồng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ năm 2019, dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Nhưng do nhiều nguyên nhân, phải đến cuối năm 2023 dự án mới hoàn thành và bàn giao.

Dự án cần sớm hoàn thiện bình đồ đo độ sâu luồng lạch

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, một chuyên gia kiểm định thi công các công trình cảng biển ở Việt Nam cho biết, đối với cảng Thuận An mới, bình đồ đo độ sâu luồng lạch cần phải làm kỹ, trong đó chú ý việc nạo vét cát ngay từ phao số 0 trở vào cảng, cần tính toán khu vực đổ cát để tránh trường hợp sau nạo vét lại bị bồi lắp trở lại, tàu thuyền vẫn không thể ra vào, gây lãng phí tiền của.

Khuyến cáo này là vô cùng cần thiết, bởi thực tế đã có không ít trường hợp như vậy. Đơn cử như tại cửa sông Lý Hòa (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đoạn chảy ra hướng cửa biển, sau khi tốn 14 tỉ đồng nạo vét năm 2022 thì chỉ 2 năm sau cửa sông này lại tiếp tục bị bồi lấp khiến hơn 200 tàu thuyền của bà con ngư dân các xã Hải Phú và xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch không thể ra vào, khi đánh bắt về phải đậu ở bãi ngang cửa biển, hoặc tìm đậu ở nơi khác.

Cũng theo chuyên gia nói trên, để công trình cảng cá Thuận An mới sớm đi vào hoạt động, dự án cần sớm hoàn thiện bình đồ đo độ sâu luồng lạch, báo cáo cụ thể với Cục Hàng hải Việt Nam để tìm hướng giải quyết. Trong đó phải đảm bảo nguyên tắc vận hành đoạn luồng từ phao số “0” đến hết vũng quay trở tàu phía trước cầu cảng.

Ở phạm vi này, đáy luồng hàng hải rộng 160m phải được giới hạn và hướng dẫn bởi hệ thống báo hiệu hàng hải, độ sâu bắt buộc đạt 12,6m. Riêng đoạn luồng từ vũng quay trở tàu phía trước cầu cảng trong phạm vi đáy luồng hàng hải rộng 120m, giới hạn và hướng dẫn bởi hệ thống báo hiệu hàng hải, độ sâu nạo vét phải đạt 7,3m. Đối với phạm vi vùng quay tàu được giới hạn bởi đường tròn đường kính 660m.

Vì vậy, để xây dựng bình đồ đo độ sâu cảng Thuận An, cần sớm tổ chức kiểm tra, rà soát, nạo vét lại những vị trí còn sót, cục bộ. Trong đó chiều dài nạo vét khoảng 100m, từ âu neo đậu ra đến luồng hàng hải cửa biển Thuận An.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI