Canada chấp nhận phương pháp "trộn vắc-xin COVID-19"

02/06/2021 - 13:57

PNO - Cơ quan y tế công cộng Canada vừa chấp nhận việc áp dụng phương pháp "trộn vắc-xin COVID-19" đối với mũi tiêm thứ 2 cho người dân.

Hãng tin CNN ngày 1/6 cho biết, Cơ quan y tế công cộng Canada (PHAC) đã đưa ra hướng dẫn mới nhất về việc cho phép áp dụng phương pháp "trộn vắc-xin COVID-19" khi chủng ngừa cho người dân.

Canada cho phép áp dụng phương pháp trộn vắc-xin COVID-19 cho mũi tiêm lần 2 - Ảnh:
Canada cho phép áp dụng phương pháp "trộn vắc-xin COVID-19" cho mũi tiêm lần 2 - Ảnh: AP

Theo đó, các loại vắc-xin COVID-19 khác nhau gồm AstraZeneca, Pfizer và Moderna có thể được sử dụng để tiêm cho người dân ở mũi tiêm thứ 2 theo yêu cầu mà không nhất thiết phải cùng nhãn hiệu vắc-xin ở mũi tiêm thứ nhất.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh thêm rằng, việc sử dụng cùng một nhãn hiệu vắc-xin cho cả 2 lần tiêm vẫn là phương án tối ưu nhất.

“Vì một lý do nào đó mà bạn không thể có được mũi tiêm thứ 2 cùng loại vắc-xin đã tiêm lần 1, hãy cân nhắc đến giải pháp thay thế theo khuyến cáo này”, tiến sĩ Theresa Tam, Giám đốc Y tế công cộng Canada, phát biểu trong cuộc họp báo mới đây.

Trả lời phỏng vấn đài CBS News, tiến sĩ Theresa Tam cho biết rằng, nguyên tắc “trộn vắc-xin” này không có gì mới và đã từng được áp dụng cho các mũi tiêm ngừa bệnh cúm, viêm gan A.

Canada đang tăng tốc chiến dịch của mình với mục tiêu đạt trung bình 1% dân số được tiêm vắc-xin mỗi ngày.

Theo thống kê mới nhất của chính quyền liên bang, đã có 13 triệu người Canada được tiêm mũi tiêm đầu tiên bằng vắc-xin Pfizer, hơn 3,5 triệu người tiêm vắc-xin Moderna và 2,1 triệu người tiêm vắc-xin AstraZeneca.

Chuyên gia y tế cho biết, phương pháp trộn vắc-xin không có gì mới bởi đã được áp dụng trong quá khứ - Ảnh: Shutterstock
Chuyên gia y tế cho biết, phương pháp "trộn vắc-xin" đã được áp dụng trong quá khứ - Ảnh: Shutterstock

Tiến sĩ Zain Chagla, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học McMaster (Canada), cho biết cách thức tiếp cận mới của chính quyền liên bang đối với việc “trộn vắc-xin” là hợp lý, dựa trên dữ liệu nghiên cứu quốc tế hiện nay.

“Vắc-xin Pfizer và Moderna có thể thay thế được cho nhau. Tôi chưa thấy có sự khác biệt nào đáng kể giữa 2 loại vắc-xin này; và vì vậy, các phản ứng miễn dịch của chúng là tương tự nhau”, tiến sĩ Chagla nói.

Trước đó, vào cuối tháng 4/2021, tập san y khoa Clinical Trials Arena cho biết, một cuộc thử nghiệm lâm sàng có tên Com-COV2 do Đại học Oxford (Anh) tiến hành đã kiểm tra khả năng kết hợp các loại vắc-xin COVID-19 khác nhau, bao gồm: Pfizer-BioNTech, AstraZeneca và Moderna. Đợt thử nghiệm được thực hiện với 1.050 người từ 50 tuổi trở lên đã được tiêm mũi đầu tiên trong khoảng thời gian từ 8 đến 12 tuần.

Những tình nguyện viên này sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên để được tiêm mũi thứ 2 bằng loại vắc-xin khác với lần tiêm đầu tiên. Một nhóm khác vẫn nhận được mũi tiêm thứ 2 cùng loại với mũi tiêm thứ nhất để có cơ sở đối chứng.

Tiến sĩ Matthew Snape, chuyên gia nghiên cứu vắc-xin thuộc Đại học Oxford, đồng thời là trưởng nhóm thử nghiệm cho biết, quá trình tiêm các liều vắc-xin “trộn” giữa Pfizer và AstraZeneca lên chuột thí nghiệm cho thấy khả năng cơ thể sản sinh kháng thể mạnh mẽ hơn là tiêm cùng một loại vắc-xin cho các lần tiêm khác nhau.

“Kết quả tích cực cho thấy việc áp dụng phương pháp này một cách rộng rãi lên con người là rất khả quan”, tiến sĩ Snape nói.

Các nhà khoa học Anh cũng đang tiến hành đợt thử nghiệm về khả năng trộn vắc-xin COVID-19 - Ảnh: FT montage/Reuters/Getty Images
Các nhà khoa học Anh cũng đang tiến hành đợt thử nghiệm về khả năng "trộn" vắc-xin COVID-19 - Ảnh: FT montage/Reuters/Getty Images

Ở châu Âu, từ 1/4, Đức đã đưa ra khuyến nghị về việc những người dưới 55 tuổi có thể lựa chọn vắc-xin Pfizer và Moderna làm mũi tiêm thay thế cho lần tiêm thứ 2 của mình.

Pháp cũng tiếp nối với lời khuyên về việc áp dụng phương pháp “trộn vắc-xin” cho những người dưới 60 tuổi.

Trong khi đó, Na Uy tuyên bố là sẽ chờ cho đến khi kết quả cuộc đợt thử nghiệm lâm sàng do Đại học Oxford công bố vào tháng Sáu này thì mới đưa ra quyết định.

Cuối tháng 5/2021, Philippines cũng công bố một kế hoạch dài hơi do chính phủ bảo trợ kéo dài từ tháng 6/2021 đến tháng 11/2022 nhằm nghiên cứu khả năng kết hợp giữa vắc-xin Sinovac do Trung Quốc sản xuất với các loại vắc-xin khác mà nước này đang sở hữu, bao gồm: Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson (do Mỹ sản xuất), AstraZeneca (do Anh sản xuất) và Bharat Biotech (do Ấn Độ sản xuất).

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI