Cần xử phạt nghiêm hành vi viết, vẽ bậy ở di tích Huế

15/02/2023 - 08:24

PNO - Việc bôi bẩn, khắc trên bia đá, thân rùa đá, chuông của những người thiếu ý thức khiến công tác bảo tồn gặp khó khăn, thậm chí không thể khắc phục.

 

Đầu rùa nơi đặt tấm bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự” bị khắc chữ đến mức khó có thể khôi phục - ẢNH: T.H.
Đầu rùa nơi đặt tấm bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự” bị khắc chữ đến mức khó có thể khôi phục - Ảnh: T.H.

Ở chùa Thiên Mụ, Đại Hồng Chung là một pháp khí quan trọng được Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) cho đúc vào năm 1710. Đây là công trình tiêu biểu về mỹ thuật trang trí, hội tụ các nét đặc trưng của nghệ thuật đúc đồng, đánh dấu sự phát triển của Phật giáo Đàng Trong giai đoạn cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII. Năm 2013, Đại Hồng Chung được công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam. Nhưng trên chiếc chuông cổ hiện nay là những lời cầu an, thỉnh nguyện, ký hiệu yêu đương, hoặc đơn giản chỉ là mong muốn để lại dấu ấn của những du khách kém ý thức. Những tấm bảng cấm viết vẽ bậy của nhà chùa đặt trước nhà chuông đều vô tác dụng. Trải qua năm tháng, Đại Hồng Chung hiện chi chít chữ khiến đơn vị quản lý không thể xóa hết.

Cách Đại Hồng Chung chưa đến 30m là một tấm bia đá cẩm thạch xám cao 2,5m được chạm rồng, đầu và một đoạn thân uốn lượn giữa mây lửa tinh xảo khắc bài Ngự kiến Thiên Mụ tự của Chúa Nguyễn Phúc Chu nói về việc trùng tu, tôn tạo chùa Thiên Mụ năm 1715 cũng bị xâm hại. Khách tham quan dùng vật nhọn viết xen kẽ với những chữ khắc từ hơn 400 năm trước, khiến một số ký tự gốc không còn đọc nổi. Phần thân rùa ở khu vực nhà bia bị bôi bẩn bằng vô số dòng chữ với nội dung cầu an, cầu tình duyên, thi cử... Tấm bia này là 1 trong 27 hiện vật vừa được công nhận là bảo vật quốc gia tháng 1/2020.

Đặc biệt, tại tấm bia Khiêm Cung Ký bằng đá thanh khắc bài văn bia do chính Hoàng đế Tự Đức (1847-1883) soạn thảo năm 1871 đặt trong khu vực Khiêm Lăng, được các nhà nghiên cứu đánh giá là tấm bia độc đáo nhất trong các bia lăng hoàng đế thời Nguyễn.

Với 4.935 chữ Hán khắc trên hai mặt, đây là tấm bia có số lượng văn tự khắc trên đá nhiều nhất. Khiêm Cung Ký cũng là tấm bia duy nhất lưu giữ nét bút của chính tác giả, Hoàng đế Tự Đức. Bia được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015. Dù có sự bảo vệ đặc biệt, thỉnh thoảng du khách vẫn lén lút để lại “bút tích” tại đây.

Biển báo dán khắp bên ngoài bảo vật quốc gia ở chùa Thiên Mụ  nhắc nhở du khách không viết, vẽ bậy lên tường
Biển báo dán khắp bên ngoài bảo vật quốc gia ở chùa Thiên Mụ nhắc nhở du khách không viết, vẽ bậy lên tường

Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, nhà nghiên cứu văn hóa Huế Hồ Vĩnh nói, việc vẽ bậy, bôi bẩn trên các di tích, báu vật quốc gia đã diễn ra trong một quá trình dài. Việc bôi bẩn, khắc trên bia đá, thân rùa đá, chuông của những người thiếu ý thức khiến công tác bảo tồn gặp khó khăn, thậm chí không thể khắc phục. Cần xử lý nghiêm các trường hợp viết, vẽ bậy lên di tích để làm gương - phạt tiền, phạt tù, phạt lao động công ích. Các điểm di tích cũng có thể lắp camera, phạt nguội.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng ban hành “Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch” - những quy định mang tính chuẩn mực nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch. Thế nhưng, để những quy tắc này phát huy tác dụng trong thực tiễn, cần có sự vào cuộc tuyên truyền mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng lẫn chính quyền địa phương và doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch. 

Thuận Hóa

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI