Cần xử lý nghiêm sai phạm về vận động tài trợ của phụ huynh

02/10/2024 - 06:45

PNO - Ngày 1/10, Phòng GD-ĐT quận 1 (TPHCM) cho biết, đã bố trí cô giáo chủ nhiệm mới cho lớp 4/3, Trường tiểu học Chương Dương thay cho cô T.P.H. bị đình chỉ công tác 15 ngày vì những sai phạm liên quan đến việc vận động tài trợ của phụ huynh.

Chưa hiểu rõ quy định?

Trước đó, cô T.P.H. đã xin phụ huynh đóng góp từ 4-5 triệu đồng để mua laptop cá nhân. Trong buổi họp đầu năm học, có 29 phụ huynh đã đóng tổng số tiền 14,5 triệu đồng. Sau khi “hỗ trợ” cô bảo mẫu 300.000 đồng, đóng quỹ khuyến học 500.000 đồng, cô H. giữ 13,7 triệu đồng còn lại. Sau đó, cô nói với phụ huynh muốn mua laptop giá 11 triệu đồng vì “chạy dữ liệu nhanh” và xin phụ huynh hỗ trợ 6 triệu đồng, cô bù 5 triệu đồng. Khi có phụ huynh không đồng ý, cô H. hỏi đó là phụ huynh của học sinh nào và từ chối nhận laptop.

Trả lời báo chí, cô H. cho biết mình mới bị mất laptop. Do lớp có ti vi, cần phải có laptop mới kết nối, soạn bài, lên bài giảng được. Cô nói: “Tôi nghĩ đó là xã hội hóa giáo dục, Nhà nước và nhân dân cùng làm. Sau này, tôi nghĩ lại và được chỉ đạo của ban giám hiệu, tôi thấy việc mình xin là không đúng nên không nhận nữa. Nhiều người năn nỉ cô nhận đi, tôi không nhận. Lỗi của tôi là chưa hiểu rõ thông tư, nghĩ mình xã hội hóa giáo dục nhưng không được xin riêng cho bản thân. Tôi thấy trong trường các cô ai cũng vận động làm trang thiết bị trong lớp, để dạy dỗ. Nếu vận động mà sai là cả nước đều sai. Trường nào cũng vận động, ai cũng vận động hết trơn, nhưng tôi bị thưa là vì tôi không nhận…”.

Trường tiểu học Chương Dương, nơi xảy ra vụ việc giáo viên kêu gọi phụ huynh đóng góp mua laptop nhưng bị phản ứng
Trường tiểu học Chương Dương, nơi xảy ra vụ việc giáo viên kêu gọi phụ huynh đóng góp mua laptop nhưng bị phản ứng

Thực tế, những lùm xùm liên quan đến việc vận động tài trợ của phụ huynh cũng xảy ra ở nhiều nơi. Đầu năm học này, phụ huynh lớp 12A13 Trường THPT Lê Thánh Tôn (quận 7, TPHCM) bức xúc khi phải đóng 600.000 đồng/học sinh, gồm 300.000 đồng là tiền vận động tài trợ năm học của trường và 300.000 đồng là tiền quỹ lớp. Trong đó, tiền quỹ lớp được gửi cho giáo viên chủ nhiệm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - đã nhấn mạnh, các khoản thu đối với phụ huynh học sinh đầu năm học, không có khoản thu nào mang tên “quỹ lớp” hay “quỹ trường”, mà chỉ có khoản thu kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, thực hiện đúng theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT. Nhiều năm nay, sở luôn có văn bản nhắc nhở việc giáo viên không được phép thu chi các khoản tiền của lớp học. Về vấn đề này, cô H.Y. - giáo viên chủ nhiệm của lớp 12A13 - xác nhận, do phụ huynh trong lớp nhờ nên cô cầm tiền tài trợ và nộp lại cho trường ngay sau buổi họp.

Văn bản nội dung họp cha mẹ học sinh dịp đầu năm của trường này còn nêu rõ: “Mỗi phụ huynh học sinh đóng góp 300.000 đồng/năm. Bình quân mỗi lớp 12 triệu đồng trở lên trên cơ sở tự nguyện, nhằm thực hiện các mục tiêu chi theo kế hoạch vận động tài trợ của nhà trường năm học 2024-2025 đang được Sở GD-ĐT phê duyệt…”. Ông Phan Hường - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thánh Tôn - xác nhận, tại thời điểm họp phụ huynh đầu năm, kế hoạch vận động tài trợ vẫn chưa được sở phê duyệt, nhưng sau đó vài ngày đã được thông qua.

Hiệu trưởng phải có trách nhiệm

Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nêu rõ, việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ GD-ĐT.

Theo một hiệu trưởng trường tiểu học tại quận Tân Phú (TPHCM), việc giáo viên tự vận động tài trợ là sai so với Thông tư 16. Để thực hiện việc tài trợ, nhà trường nếu có nhu cầu thì hiệu trưởng phải lập kế hoạch rõ ràng, gồm chi cho hoạt động gì, kinh phí ra sao, vận động thế nào. Sau đó, lãnh đạo trường tiểu học, THCS phải trình lên phòng GD-ĐT; còn lãnh đạo trường THPT phải trình lên sở GD-ĐT để được xem xét, phê duyệt. Sau khi được cơ quan quản lý giáo dục chấp thuận, kế hoạch vận động tài trợ phải được niêm yết công khai tại trường. Việc xã hội hóa chỉ phục vụ cho hoạt động của học sinh chứ không dành cho cá nhân.

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - nhận định: những năm gần đây, tình trạng thu chi ở đa số trường học rất tốt, nhưng vẫn còn một vài nơi chưa tốt. “Nếu giáo viên nói không nắm được thông tư thì phòng GD-ĐT phải tìm hiểu xem trường đã tổ chức quán triệt các văn bản chưa. Nếu có mà giáo viên sai thì giáo viên chịu trách nhiệm và hiệu trưởng chịu một phần trách nhiệm. Ngược lại, hiệu trưởng phải chịu lỗi nặng hơn. Vì hiệu trưởng là thủ trưởng đơn vị, mọi chuyện nhỏ lớn dù phân công cho ai thì vẫn phải theo dõi, kiểm tra, đôn đốc. Hiệu trưởng ít nhiều phải hiểu giáo viên của mình” - ông nhấn mạnh.

Theo ông, thành phố có điều kiện giáo dục thuận lợi hơn các tỉnh vùng sâu, vùng xa, nhưng vẫn cần sự hỗ trợ thông qua xã hội hóa giáo dục. Ngoài những thông tư của Bộ GD-ĐT, hằng năm, Sở GD-ĐT TPHCM cũng có văn bản hướng dẫn cụ thể về công tác thu chi, vận động. Để sai phạm không lặp lại, sở phải quán triệt các văn bản tới các phòng GD-ĐT và các trường THPT. Phòng GD-ĐT phải quán triệt các trường trực thuộc, trường phải quán triệt tất cả giáo viên và ban đại diện cha mẹ học sinh. Qua những sai phạm hằng năm, ngành phải tìm hiểu nguyên nhân, lắng nghe ý kiến cơ sở để xem có cần thay đổi. Đồng thời, nên đưa ra khung xử lý vi phạm ngay từ đầu, ai vi phạm thì xử lý nghiêm. “Nếu thủ trưởng để xảy ra sự vụ quá lớn thì cách chức luôn, công khai trong toàn ngành để làm gương. Phải mạnh tay thì mới ngăn ngừa và triệt tiêu được các sai phạm thời gian qua” - ông nhấn mạnh.

Không dùng ban đại diện cha mẹ học sinh để vận động thu

Tại hội nghị góp ý kế hoạch trường học bậc THPT năm học 2024-2025 mới đây, ông Trần Khắc Huy - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD-ĐT TPHCM - đề nghị, nhà trường tuyệt đối không lợi dụng điều lệ trong Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh để vận động tài trợ. Ban đại diện phụ huynh vận động kinh phí là để có kinh phí hoạt động phục vụ chính học sinh chứ không phải có kinh phí hoạt động cho trường. Nhà trường không dùng ban đại diện cha mẹ học sinh để vận động thu. Hiệu trưởng cần áp dụng theo Thông tư 16 vận động tài trợ, có sự bàn bạc, trao đổi, thống nhất với ban đại diện cha mẹ học sinh của trường. Việc vận động chỉ để phục vụ sửa chữa nhỏ và các hoạt động giáo dục thiết thực cho học sinh. Kế hoạch vận động phải được Sở GD-ĐT phê duyệt trước khi nhà trường tổ chức triển khai thực hiện. Đặc biệt, khi xây dựng kế hoạch vận động thì nhà trường phải có mục tiêu rõ ràng, không xây dựng kế hoạch vận động tràn lan.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI