Cần xóa bỏ những phiên toà lưu động, như vụ 'nữ sinh giao gà'

27/12/2019 - 08:53

PNO - Khi quyền con người ngày càng được nâng cao, thì việc đưa ra xét xử lưu động càng không phù hợp với xu thế phát triển, thậm chí có thể mạnh dạn nói rằng việc xét xử lưu động đang xâm phạm quyền con người.

Vấn đề nên hay không nên xét xử lưu động không phải là đề tài tranh luận mới mà đã được bàn thảo rất nhiều lần, trong nhiều năm qua.

Can xoa bo nhung phien toa luu dong, nhu vu 'nu sinh giao ga'
Quang cảnh buổi xét xử vụ án bắt cóc, sát hại nữ sinh giao gà

Dù trước đó, báo chí đã có nhiều bài viết phân tích không nên xét xử lưu động vụ án nữ sinh giao gà bị bắt cóc, cưỡng bức rồi sát hại dã man, thế nhưng phiên tòa vẫn được Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Điện Biên xét xử lưu động tại sân vận động TP. Điện Biên Phủ, từ ngày 26/12.

Từ đầu năm 2018, Chánh án TAND Tối cao cũng cho biết là TAND tối cao sẽ có báo cáo cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề xuất không tổ chức phiên tòa lưu động, theo thông lệ quốc tế. 

Ở góc độ cơ sở pháp lý để tổ chức việc xét xử lưu động thì hiện nay chưa có một quy định nào trong các văn bản pháp luật. 

Can xoa bo nhung phien toa luu dong, nhu vu 'nu sinh giao ga'
Các bị cáo trong vụ án được lực lượng cảnh sát tư pháp bảo vệ nghiêm ngặt

Trước đây, cụm từ “xét xử lưu động” được nêu trong Nghị quyết 37/2012/QH13 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, TAND và công tác thi hành án năm 2013Tuy nhiên, đến Nghị quyết số 96/2019/QH14 (thay thế cho Nghị quyết 37) thì Quốc hội đã không còn đề cập đến vấn đề xét xử các vụ án xét xử lưu động.

Thế nên việc vụ án nữ sinh giao gà ở Điện Biên được đưa ra xét xử lưu động vào ngày 26/12 tại sân vận động Điện Biên khiến nhiều người không khỏi băn khoăn.

Không ai phủ nhận mặt tích cực của việc xét xử lưu động là có tác dụng tuyên truyền pháp luật, có tính răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội... Nhưng tính hiệu quả của nó ngày càng giảm dần theo thời gian khi thời đại công nghệ thông tin càng phát triển. 

Khi quyền con người ngày càng được nâng cao, thì việc đưa ra xét xử lưu động càng không phù hợp với xu thế phát triển, thậm chí có thể mạnh dạn nói rằng việc xét xử lưu động đang xâm phạm quyền con người. 

Can xoa bo nhung phien toa luu dong, nhu vu 'nu sinh giao ga'
Đông đảo người dân đến xem phiên tòa xét xử lưu động vụ án nữ sinh giao gà

Trên thực tế hầu hết những người từng bị đưa ra xét xử lưu động đều có tâm lý rất nặng nề, lo sợ. Bản thân bị cáo phải đối mặt với sự soi xét, soi mói dè bỉu từ dư luận thông qua việc chứng kiến phiên tòa lưu động…

Tất cả những yếu tố đó dễ tạo ra tâm lý ức chế, chán chường, xấu hổ, bất mãn và dễ phát sinh suy nghĩ cực đoan, hằn học. Vì thế, sau khi chấp hành xong hình phạt thì họ cũng khó hòa nhập cộng đồng.

Không chỉ bị cáo phải gánh chịu tâm lý nặng nề mà ngay cả người thân của họ cũng phải chịu áp lực tâm lý từ dư luận xã hội, từ hàng xóm… Có một số trường hợp cả bị hại cũng có thể phải gánh chịu sự nặng nề này khi phải trình bày, miêu tả lại những tình tiết trong vụ án. Nhất là vụ án có tình tiết nhạy cảm, đau lòng được trình bày giữa phiên toà lưu động với nhiều người hiếu kỳ.

Ngoài ra, áp lực đám đông có thể tác động đến những người tiến hành tố tụng, nhất là khi tổ chức phiên tòa lưu động ngoài trời, với số lượng người tham dự đông.

Ở góc nhìn khác thì liệu việc xét xử lưu động có thật sự đã mang lại hiệu quả cao trong việc giáo dục pháp luật? Đến nay chưa có đánh giá nào về tính hiệu quả của biện pháp giáo dục pháp luật cho cộng đồng, xã hội thông qua việc xét xử lưu động.

Thực tế thì nhiều người đến tham dự phiên toà xét xử lưu động để thỏa mãn sự tò mò, thậm chí chỉ để đến “xem mặt” tội phạm. Họ có thể thực sự không hiểu về hoàn cảnh, nguyên nhân, động cơ phạm tội mà chỉ muốn đến nghe phần mô tả về hành vi phạm tội do bị cáo mô tả. Vì vậy nên vụ án càng chấn động thì số lượng đến xem càng đông.

Một hệ luỵ nữa là khi không kiểm soát được những người tham dự phiên tòa thì trẻ em vẫn vô tư đến xem, nghe mô tả về hành vi phạm tội của bị cáo. Điều này có thể tác động tâm lý tiêu cực đến trẻ em về con người, về xã hội…

Theo tôi, không nên lấy mục đích tuyên truyền để tiếp tục tổ chức những phiên toà lưu động, đặc biệt là những vụ án có tính chất gây án dã man vì biện pháp này đã không còn phù hợp với thời đại. 

Vì vậy, TAND Tối cao cần sớm quyết định không tổ chức những phiên toà xét xử lưu động như chính Chánh án Nguyễn Hoà Bình đã chia sẻ trước đây.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI