Cần xem lại cách ứng xử với rừng

07/12/2024 - 06:15

PNO - Tháng Mười vừa qua, tại hội nghị công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chỉ đạo: “Tư duy lại với rừng sau thảm họa Yagi”.

Hiện trường vụ phá 7.000m2 rừng ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông vào năm 2023 - ẢNH: NGUYÊN BẢO
Hiện trường vụ phá 7.000m2 rừng ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông vào năm 2023 - Ảnh: Nguyên Bảo

Bão, mưa, lũ lụt là thủ phạm liên hoàn gây thảm họa khủng khiếp mà Yagi là điển hình. Con người chưa thể ngăn chặn nhưng có thể phòng chống và hạn chế hậu quả. Thiên nhiên là một phần cuộc sống, có quy luật từ bao đời. Bị hành xử thô bạo, tàn nhẫn, dù bao dung đến mấy, thiên nhiên cũng sẽ nổi giận.

Rừng Việt Nam đã và đang bị xâm hại nghiêm trọng. Theo thống kê, từ năm 1975-1995, diện tích rừng tự nhiên cả nước giảm 2,8 triệu ha, trong đó Tây Nguyên giảm 440.000ha, Đông Nam Bộ giảm 308.000ha, Bắc khu IV cũ giảm 243.000ha, Bắc Bộ giảm 242.500ha…

Năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh cấm khai thác rừng tự nhiên. Năm 2016, Chính phủ tuyên bố “đóng cửa” rừng tự nhiên, yêu cầu các địa phương tăng cường trồng rừng bổ sung. Năm 2015, diện tích rừng cả nước là hơn 14 triệu ha, tuy nhiên diện tích rừng tự nhiên chưa thể phục hồi, cây rừng trồng mới cần hàng chục năm mới cân đối với cây rừng bị phá về giá trị.

2 nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm diện tích rừng là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, cây công nghiệp cũng gọi là rừng và khai thác lâm sản quá mức. Thế giới có rừng già, Việt Nam có rừng giả.

Theo các chuyên gia môi trường, cây tràm keo và tràm tai tượng (tràm cao sản) chỉ lợi trước mắt, hại lâu dài. Nhưng chúng hiện vẫn là cây chủ lực của rất nhiều nơi “gọi là rừng” từ Nam chí Bắc và chỉ Việt Nam mới có loại rừng này.

Quảng Nam và vài địa phương đã có kế hoạch thay thế “rừng ấp chiến lược” (xóa rừng tự nhiên để trồng cây công nghiệp, cây ăn trái), “rừng hại” bằng các rừng thuận thiên (cây bản địa), nhưng hiệu quả còn nhiều hạn chế nên rất cần có chỉ đạo mạnh mẽ hơn từ cấp bộ chủ quản, có lộ trình cụ thể trồng mới và phục hồi rừng bản địa, đảm bảo dân sinh, không làm đảo lộn cuộc sống.

Nguyên nhân thứ hai là lệnh đóng cửa rừng còn kém hiệu quả vì lợi ích cục bộ, đặc biệt là văn hóa chuộng nhà cửa, công trình, bàn ghế… bằng gỗ cổ thụ, từ công sở đến nhà riêng đều thích hoành tráng, độc lạ để khoa trương, khoe của, vô cùng lãng phí. Rất cần sớm chấn chỉnh, thay đổi văn hóa tiêu cực này.

Những vụ sạt lở kinh hoàng còn do thói quen san đồi, bạt núi, khoét hang… xây dựng công trình hoặc làm nhà ở tự phát, không có thẩm định địa chất khoa học và quy hoạch. Nhiều khu vực, bằng mắt thường cũng thấy hoảng vì sự tùy tiện của người dân lẫn cấp quản lý. Cả trách nhiệm lẫn nhiệm vụ đều chồng chéo, thiếu kết nối, nhất là vai trò người đứng đầu.

Thay đổi tư duy về rừng, về nông nghiệp từ Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là tín hiệu rất đáng mừng, dù hơi muộn. Thiên nhiên luôn bao dung và hào phóng, chỉ đem lại giá trị khi con người biết trân quý và sử dụng hợp lý.

Rất may, gần đây, con người bắt đầu biết sửa sai, phục thiện bằng những việc làm thiết thực. “Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt” và những hậu quả nhãn tiền vẫn chưa đủ răn đe nên rất cần có thêm hành lang pháp lý đủ mạnh.

Khi tiếp đoàn thiện nguyện “Nghĩa tình Sài Gòn - Việt Bắc” vào cuối tháng 9/2024, Trưởng bản Du lịch sinh thái cộng đồng Thái Hải (TP Thái Nguyên) Nguyễn Thị Thanh Hải tâm sự rằng, cỏ cây cũng có đời sống riêng, biết vui buồn, sợ hãi.

Người Thái Hải, chủ yếu là dân tộc Tày, không vào bếp khi tâm thế bất an, đau yếu. Trước khi hóa kiếp cho gia súc, gia cầm hay rau củ đều trò chuyện, xin phép, cảm ơn vì đã phục vụ con người. Không có chuyện ngược đãi, lạm dụng, lãng phí.

Đi nhiều nước phát triển, không hề thấy những bộ bàn ghế gỗ khủng mà nhìn là thấy rừng đang kêu cứu, trách móc. Càng thấm thía bài thơ “Lời cầu nguyện của rừng” của Bùi Bá với 2 câu kết ám ảnh “Hồn Tổ quốc ngự giữa rừng sâu thẳm/ Rừng điêu tàn là Tổ quốc suy vong!”. Muốn Tổ quốc vững bền, phải giữ rừng như giữ mạng sống của mình.

Tư duy lại về rừng để bảo vệ gìn giữ đúng cách, tận dụng và khai thác lợi thế rừng hiệu quả. Nhiệm vụ này không của riêng ai và không còn lựa chọn nào khác.

Nguyễn Văn Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI