Cần xem kỹ mục bảo hiểm khi mua hàng online

14/03/2023 - 06:07

PNO - Trên một số trang thương mại điện tử, bên dưới sản phẩm, ngoài giá bán, còn có các mục bảo hiểm thời trang, bảo hiểm thiết bị di động, bảo hiểm rơi vỡ màn hình, bảo hiểm quyền lợi người tiêu dùng… Nếu không đọc kỹ, người mua rất dễ bỏ qua và tốn tiền mua bảo hiểm.

 

Nhiều trang thương mại điện tử tích hợp sẵn phí bảo hiểm vào giá sản phẩm, người tiêu dùng cần lưu ý khi mua hàng - ẢNH: H.L.
Nhiều trang thương mại điện tử tích hợp sẵn phí bảo hiểm vào giá sản phẩm, người tiêu dùng cần lưu ý khi mua hàng - Ảnh: H.L.

Nhiều loại bảo hiểm 

Trên trang thương mại điện tử Shopee, chúng tôi chọn mua 100g xoài sấy dẻo với giá 16.000 đồng. Trong quá trình thanh toán, phía bên dưới sản phẩm hiện lên mục “bảo hiểm quyền lợi tiêu dùng” giá 599 đồng của Công ty Bảo hiểm PVI. Nếu chọn mục này, chúng tôi sẽ được công ty bảo hiểm thanh toán chi phí y tế nếu sản phẩm gây ra bệnh tật, thương vong khi dùng. 

Khi mua các sản phẩm điện tử thì có “bảo hiểm thiết bị di động nâng cao” của Công ty Bảo hiểm MSIG mức phí 77.499 đồng cho sản phẩm có giá 1.150.000 đồng và 900.000 đồng cho sản phẩm có giá khoảng 30 triệu đồng. Khi mua các sản phẩm thời trang thì có “bảo hiểm thời trang” giá 289 đồng nhằm bảo hiểm sản phẩm nếu gặp sự cố do tiếp xúc chất lỏng.

Trên trang Tiki, khi mua điện thoại di động giá 29.490.000 đồng, bên dưới sản phẩm có mục “bảo hiểm rơi vỡ màn hình điện thoại 1 năm, bồi hoàn 5 triệu đồng” của Công ty Bảo hiểm PVI và Công ty Bảo hiểm số Digiin, mức phí bảo hiểm là 121.000 đồng. Nếu không có nhu cầu mua bảo hiểm, khách hàng chọn bỏ qua mục này. Trang Tiki chưa áp dụng phí bảo hiểm đối với sách, thực phẩm, quần áo thời trang như trang Shopee. 

Ở các trang bán hàng khác, giá sản phẩm cũng được đính kèm phí bảo hiểm. Trên trang Bạch Long Mobile, sản phẩm điện thoại iPhone 14 Pro Max 512GB được tích sẵn mục “mua kèm bảo hiểm toàn diện” với giá 34.990.0000 đồng. Nếu khách chọn bỏ qua mục “mua kèm bảo hiểm toàn diện”, giá điện thoại là 35.990.000 đồng, tức tăng thêm 1 triệu đồng. Khách hàng thường muốn được giảm giá nên sẽ quay lại chọn mục “mua kèm bảo hiểm toàn diện” và sau đó phải trả thêm 2.490.000 đồng cho gói bảo hiểm này. 

Người tiêu dùng có quyền lựa chọn

Thời gian qua, không ít người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên các sàn thương mại điện tử. Nhiều cửa hàng trên sàn thương mại điện tử không cho người mua kiểm tra hàng trước khi thanh toán, dẫn đến hàng bị lỗi, hỏng. 

Ông Ngô Trung Dũng - Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) - cho rằng, việc tích hợp thêm các mục bảo hiểm bên dưới sản phẩm nhằm tạo thêm niềm tin cho khách hàng. Nếu sản phẩm không may bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển, sử dụng hoặc người sử dụng gặp sự cố về mặt sức khỏe thì đã có các công ty bảo hiểm đứng ra lo. Khi giao thương, các doanh nghiệp nước ngoài rất xem trọng việc mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm. Ở Việt Nam, một số công ty bảo hiểm đã bán bảo hiểm trách nhiệm cho các suất ăn công nghiệp, hàng hóa ở siêu thị và trên trang thương mại điện tử nhưng nhìn chung, đa phần doanh nghiệp trong nước còn thờ ơ với việc mua bảo hiểm cho sản phẩm. 

Luật sư Đỗ Hồng Sơn - Phó trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam (Vics-corp) - cho biết thêm, đối với các sản phẩm có giá trị lớn như máy tính, điện thoại, đồ trang sức, túi xách hàng hiệu, ngoài chính sách bảo hành của nhà sản xuất, việc tham gia thêm các gói bảo hiểm do sàn thương mại điện tử cung cấp là sự lựa chọn hợp lý. Đây đều là bảo hiểm tự nguyện, người tiêu dùng có quyền chọn mua hoặc không mua.

Khi mua bảo hiểm sản phẩm qua sàn thương mại điện tử, hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm được nộp trực tuyến và được giải quyết nhanh chóng. Tuy nhiên, do mỗi loại bảo hiểm có điều khoản và mức phí bảo hiểm riêng nên người tiêu dùng phải tìm hiểu. 

“Một số trang tích hợp sẵn phí bảo hiểm vào giá dịch vụ mà không cung cấp thông tin về loại bảo hiểm, quyền lợi của người mua và cách đòi quyền lợi bảo hiểm khi gặp sự cố. Do đó, trước khi quyết định mua bảo hiểm, người tiêu dùng nên tìm hiểu các điều khoản bảo hiểm. Nếu điều kiện bảo hiểm quá hạn chế hoặc chi phí quá cao so với giá trị sản phẩm thì việc mua bảo hiểm có thể không cần thiết. Người tiêu dùng nên lựa chọn các doanh nghiệp bảo hiểm uy tín và có kinh nghiệm trên thị trường để được hỗ trợ và bồi thường nhanh chóng” - luật sư Đỗ Hồng Sơn nói. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do việc bồi thường của các công ty bảo hiểm tốn nhiều thời gian nên một số cửa hàng, công ty kinh doanh các sản phẩm công nghệ tự cho ra đời gói “bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm” của mình với giá khá cao. 

Bà Nguyễn Thị Hà - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thu Hà (trụ sở ở quận Gò Vấp, TPHCM, chuyên kinh doanh thiết bị công nghệ) - cho biết, phải mất khoảng 1 tháng từ khi sản phẩm phát sinh sự cố đến khi công ty bảo hiểm đánh giá, chấp nhận cho cửa hàng sửa chữa. Nhiều khách hàng chỉ có 1 chiếc điện thoại để liên lạc nên muốn được sửa chữa thật nhanh, trong 12-24 giờ. Một số cửa hàng tự cho ra đời gói bảo hiểm riêng để sửa nhanh cho khách, nhưng mức phí bảo hiểm thường bằng 5 - 10%/giá sản phẩm, cao hơn so với mức phí của các công ty bảo hiểm. 

“Trước đây, khi bán sản phẩm điện tử, cửa hàng thường bảo hành 1 năm nhưng nay chỉ bảo hành trong 3-6 tháng và khuyến khích khách hàng mua các gói bảo hiểm sản phẩm có giá trị trong 1 năm. Dĩ nhiên, các điều khoản loại trừ bồi thường cũng khá nhiều theo hướng có lợi cho cửa hàng hơn nhưng đa phần khách hàng không chú ý các điều khoản này” - bà Nguyễn Thị Hà nói. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI