Cần viết lại Luật Đất đai năm 2013

22/11/2019 - 15:57

PNO - Luật Đất đai năm 2013 được soạn thảo và ban hành theo hướng bảo vệ quyền lợi của nhà nước trong khi đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nên cần được viết lại.

Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo "Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP.HCM", diễn ra sáng 22/11.

Cụ thể, ông Đào Trung Chính - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nên lẽ ra, khi dân có yêu cầu, cơ quan nhà nước chỉ đại diện giải quyết, nhưng lại giải quyết theo kiểu mình là chủ sở hữu chứ không phải người dân.

Can viet lai Luat Dat dai nam 2013
Theo nhiều chuyên gia, Luật Đất đai năm 2013 cần được viết lại để giải quyết những tồn đọng liên quan đến đất đai, dự án

Theo ông Chính, việc quy hoạch hiện rất lúng túng, như khi lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm, chính quyền cho rằng phải có đầu tư mới lập kế hoạch, trong khi phía đầu tư thì chờ có kế hoạch mới chịu đầu tư.

“Chúng ta lại quay về với chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước” - ông Chính nêu sự bất cập trong lập quy hoạch.

PGS. TS Nguyễn Văn Xa - nguyên Cục trưởng Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính - trần tình: “Tôi nghỉ hưu đã 10 năm. Thời gian đó, tôi đi làm tư vấn về pháp luật đất đai cho nhiều đơn vị, xin được nói những sự thật... đắng cay”.

Ông Xa chỉ ra những đắng cay: đấu thầu liên quan đến đất đai đang có sự trục lợi; thị trường biến động nhưng bảng giá đất thấp dẫn đến bồi thường thấp nhưng không hề có sự thúc giục, kiểm tra, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Viện dẫn hàng loạt dự án được định giá đất bồi thường cho dân rất thấp, ông Xa kiến nghị, Luật Đất đai cần tách các dự án thành hai kiểu: dự án phục vụ lợi ích công cộng và dự án phát triển kinh tế - xã hội để có sự bồi thường thỏa đáng cho  người dân.

Cũng theo ông Xa, thêm một bất cập để hướng đến việc viết lại Luật Đất đai năm 2013, đó là hiện tại, chỉ một mảnh đất mà có đến cả chục mục đích sử dụng đất khiến người dân, chính quyền, doanh nghiệp phải “tới lui” chuyển đổi mục đích, vừa mất thời gian, vừa làm khổ nhiều người.

Đồng tình, ông Nguyễn Văn Hồng - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - nói: “Nên đánh giá lại toàn bộ Luật Đất đai năm 2013 để có sự định hướng làm lại”.

Theo ông Hồng, có một thực tế là ngành tài nguyên - môi trường đang rất sợ một điều: việc cấp giấy chứng nhận theo bản đồ ảnh, nhưng khi giao dịch không kiểm tra mà cho công chứng ngay, đến khi người dân mất đất thì nhà nước phải bồi thường.

“Tôi thường xuyên giải quyết chuyện cấp chứng nhận rồi sau đó thu hồi” - ông Hồng nói.

Can viet lai Luat Dat dai nam 2013
Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - GS.TS Đặng Hùng Võ - cho rằng, đất nước nói chung, TP.HCM nói riêng đã “hy sinh” nhiều cán bộ liên quan đến đất đai

Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - GS.TS Đặng Hùng Võ - cho rằng, đất nước nói chung, TP.HCM nói riêng đã “hy sinh” nhiều cán bộ vì vướng chuyện đất đai, loanh quanh việc giao đất không thông qua đấu giá. Hơn nữa, bảng giá đất quá thấp so với thị trường đã dẫn đến những hợp đồng mua bán ảo (không đúng giá trị giao dịch thật) dẫn đến thất thu ngân sách.

TP.HCM được giao nắm giữ 209.500ha đất, trong đó có 162.300ha đang được sử dụng, 47.300ha đang được giao quản lý chưa đưa vào sử dụng và đất chưa sử dụng chỉ còn 927ha.

Tại hội thảo, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết, có bốn nhóm giải pháp liên quan đến quản lý và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả ở TP.HCM.

Can viet lai Luat Dat dai nam 2013
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nói về các giải pháp quản lý và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả ở TP.HCM.

Cụ thể, phải có quy hoạch đất gắn với quy hoạch chuyên ngành, tức phải biết nhu cầu sử dụng đất các ngành ra sao để quy hoạch, từ đó việc kêu gọi đầu tư mới thuận lợi. 

Đồng thời, quy hoạch đất phải gắn với quy hoạch hạ tầng đô thị, đặc biệt là giao thông. Ông Hoan cho rằng, do TP.HCM không có tiền nên quy hoạch xong để đó, chờ doanh nghiệp, điều này đi ngược với quy luật phát triển.

Song song, các dự án nằm trong diện xin đất nhưng không triển khai, UBND TP.HCM cũng sẽ thu hồi. Ông Hoan cho hay, trong kế hoạch phát triển, có nhiều doanh nghiệp… “đặt cục gạch” nhưng lại chậm hoặc không triển khai, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất.

Thêm một thực trạng cần tháo gỡ, theo ông Hoan, là những nút thắt liên quan đến pháp luật đất đai mà có những việc, các đơn vị không hiểu đúng, thậm chí cố tình không hiểu. 

Ông Hoan cho rằng, hiện TP.HCM tồn tại 30 nút thắt, tới đây sẽ có cuộc làm việc với các sở, ngành để tìm hướng tháo gỡ.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI