Cần ưu tiên mở rộng 2 tuyến đường cao tốc hiện hữu

14/09/2024 - 06:02

PNO - Để giảm ùn tắc chung, tăng khả năng lưu thông, kết nối, giao thương quốc tế, việc phát triển những tuyến đường cao tốc quanh TPHCM là rất quan trọng

Đường cao tốc ra, vào TPHCM thường xuyên ùn tắc, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Chúng tôi có cuộc trao đổi với phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường đại học Giao thông Vận tải TPHCM - về giải pháp cho vấn đề này.

* Phóng viên: Những tuyến đường cao tốc quanh TPHCM đang quá tải, thường xuyên ùn tắc. Theo ông, cần làm gì để giải quyết tình trạng này?

- Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn: Để giải quyết tình trạng quá tải trên 2 tuyến đường cao tốc hiện có, cần ưu tiên mở rộng chúng. Tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây kết nối TPHCM với 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, là khu vực phát triển mạnh về kinh tế và du lịch, có sân bay quốc tế Long Thành sắp được đưa vào vận hành. Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương là tuyến đường chính từ TPHCM đi các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Do có vai trò quan trọng nên 2 tuyến đường này cần được mở rộng để việc lưu thông, kết nối được thông suốt. Việc mở rộng bao nhiêu làn thì phải căn cứ vào hồ sơ thiết kế của từng dự án. Tốc độ thiết kế trong giai đoạn mở rộng cũng phải giống như giai đoạn 1 (100 - 120km/h) tùy từng dự án.

Để giảm ùn tắc chung, tăng khả năng lưu thông, kết nối, giao thương quốc tế, việc phát triển những tuyến đường cao tốc quanh TPHCM là rất quan trọng, trong đó có tuyến đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài nối TPHCM đến tỉnh Tây Ninh và biên giới với Campuchia.

Ngoài ra, 2 tuyến đường Vành Đai 3 và Vành Đai 4 dù không phải là đường cao tốc nhưng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hướng giao thông ra khỏi trung tâm thành phố và kết nối các đường cao tốc ngoại vi.

* Việc mở rộng, phát triển những tuyến đường cao tốc vào ra TPHCM và quanh TPHCM đang gặp những khó khăn gì, thưa ông?

- Những khó khăn cũng tương tự như với các dự án có dính đến đất đai. Đó là việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng có thể tốn thời gian và gặp phải sự phản đối từ chủ đất, dẫn đến sự chậm trễ. Bên cạnh đó, các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đòi hỏi phải huy động nguồn vốn rất lớn, đồng thời có nhiều chi phí phát sinh.

Việc xác định thời gian thu phí và mức thu sau khi đưa đường cao tốc vào hoạt động cũng là một khó khăn. Nếu thu trong thời gian quá dài, mức phí cao sẽ tạo gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp và mâu thuẫn với mục tiêu phát triển kinh tế.

Vật liệu xây dựng - đặc biệt là cát đắp nền - đang thiếu trầm trọng. Việc mở rộng, xây mới đường cao tốc có thể dẫn đến đốn hạ cây xanh, làm mất đa dạng sinh học, tăng lượng khí thải và ô nhiễm tiếng ồn…

* Theo ông, giải pháp nào để khắc phục những khó khăn, vướng mắc như vừa nêu?

- Trong thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, việc bồi thường công bằng cho người dân và doanh nghiệp có tài sản bị ảnh hưởng là rất quan trọng bởi nếu xảy ra tranh chấp về bồi thường, tiến độ sẽ chậm trễ, việc giải quyết sẽ phức tạp.

Về tái định cư các cộng đồng bị ảnh hưởng, cần cung cấp các phương án phù hợp. Về tài chính, cần chú trọng tháo gỡ những mâu thuẫn về lợi ích trong quan hệ đối tác công - tư (PPP) bởi chúng rất phức tạp. Về vật liệu xây dựng, cơ quan chức năng cần tìm các nguồn vật liệu thay thế, tận dụng chất thải qua xử lý từ các nhà máy nhiệt điện, xây dựng cầu cạn...

Chính quyền thành phố cần lập kế hoạch cẩn thận để giảm thiểu thiệt hại về môi trường, chẳng hạn tạo vành đai cây xanh để giảm ô nhiễm khí thải, tiếng ồn. Để hỗ trợ nhà đầu tư, nhà thầu, Nhà nước cần có các cơ chế riêng cho các dự án làm đường cao tốc, ví dụ về giải phóng mặt bằng, tiếp cận các khoản vay, hình thức huy động vốn, cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng.

* Xin cảm ơn ông.

Vũ Quyền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI