Cần ưu đãi thuế cho doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ người lao động có con nhỏ

15/10/2024 - 13:28

PNO - Các chính sách hỗ trợ này giúp người lao động có con nhỏ giảm bớt gánh nặng chăm sóc con cái, cân bằng giữa công việc và gia đình.

chuyên gia thuế, luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, Đoàn Luật sư TPHCM
Chuyên gia thuế, luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, Đoàn Luật sư TPHCM.

Phát biểu tại hội thảo khoa học với chủ đề “Khuyến sinh bằng chính sách thiết thực, nhân văn” do Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức sáng 15/10, chuyên gia thuế, luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, Đoàn Luật sư TPHCM - nhận định chính sách thuế hiện nay có nhiều bất cập. Ông đề nghị cần có chính sách thuế ưu đãi hơn cho người có con giúp làm tăng động lực sinh con của nhiều người; đồng thời, nâng mức giảm trừ gia cảnh cho mỗi người nộp thuế và người phụ thuộc để phù hợp hơn với chi phí thực tế cũng như đa dạng hóa cơ cấu giảm trừ như cho phép khấu trừ các chi phí liên quan đến nuôi dạy con như học phí, chi phí chăm sóc sức khỏe...

Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi về thuế như giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ người lao động có con nhỏ. “Khi được giảm thuế, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư vào các chương trình hỗ trợ người lao động có con nhỏ như: xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo ngay tại nơi làm việc; cung cấp các dịch vụ chăm sóc trẻ tại nhà; hỗ trợ tài chính cho các hoạt động chăm sóc con cái; tạo điều kiện làm việc linh hoạt cho người lao động có con nhỏ. Đồng thời các chính sách hỗ trợ này giúp người lao động có con nhỏ giảm bớt gánh nặng chăm sóc con cái, cân bằng giữa công việc và gia đình, từ đó nâng cao năng suất làm việc và lòng trung thành với doanh nghiệp” - luật sư Trần Xoa nói.

Từ góc độ 1 nhà nhân học, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện nghiên cứu đời sống xã hội - khẳng định xã hội hiện nay đang bước vào giai đoạn hướng đến giá trị thành đạt và chịu trách nhiệm cá nhân. Người trẻ đang trong giai đoạn phân vân, lưỡng lự, thậm chí chênh vênh giữa giá trị phát triển và giá trị gia đình. Với ông, đó là một điều may mắn bởi “còn phân vân là còn cơ hội để thay đổi”. Từ đó, ông nhấn mạnh đến giải pháp về văn hóa, thay đổi cấu trúc giá trị bằng cách dựng lại văn hóa gia đình. “Khó nhưng đây là câu chuyện TPHCM cần làm, không phải cho mình mà còn cho cả nước”, ông nói.

Cũng quan tâm đến yếu tố “giá trị” này, thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui - Giảng viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM - cũng nhấn mạnh rằng giải pháp cần đặt trọng tâm vào đến gen Z với những bản sắc về đời sống tinh thần khác thế hệ khác bởi họ sẽ là những người cha, người mẹ trong tương lai.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI