Cần ứng phó diễn biến phức tạp của bão Krosa

30/10/2013 - 20:45

PNO - Ngày 30/10, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện về việc đối phó với diễn biến của bão Krosa.

edf40wrjww2tblPage:Content

Công điện được gửi đến Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa; Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông Vận tải, Công an, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Can ung pho dien bien phuc tap cua bao Krosa
Tàu thuyền neo đậu tránh bão. (Ảnh minh họa: Quốc Việt/TTXVN)

Theo nội dung công điện, cơn bão Krosa được hình thành ở vùng biển phía Đông Philippines, hồi 13 giờ ngày 30/10, tâm bão Krosa ở 16,8 độ Vĩ Bắc, 128,4 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 12,13. Dự báo bão Krosa đang di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc và còn tiếp tục mạnh thêm. Đêm 31/10, bão Krosa sẽ đi vào biển Đông và tiếp tục di chuyển về phía bờ biển Việt Nam.

Để chủ động đối phó với diễn biến của bão, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ theo dõi, kiểm đếm các phương tiện đang hoạt động trên biển; tìm mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động về nơi trú tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.

Khu vực nguy hiểm trong hai ngày tới được xác định là vùng biển phía Bắc Vĩ tuyến 15, khu Đông Kinh tuyến 110, vùng nguy hiểm sẽ được điều chỉnh tùy theo diễn biến của bão.

Đề phòng khả năng bão đổ bộ trực tiếp, kết hợp với không khí lạnh sẽ gây mưa lớn; các tỉnh miền Trung, các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần tập trung chỉ đạo nhằm có phương án bảo đảm an toàn cho hồ chứa thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là các hồ chứa đã xảy ra sự cố trong các đợt mưa lũ trước; Kiểm soát chặt chẽ việc điều tiết các hồ theo quy định; Có phương án cảnh báo, hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời người dân vùng hạ lưu các hồ chứa để chủ động ứng phó với tình huống phải xả lũ.

Các địa phương rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án hỗ trợ người dân vùng ven sông dễ bị ngập nước; vùng dễ bị chia cắt do mưa lũ.

Các Bộ Công Thương, Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp có biện pháp tăng cường bảo vệ các hệ thống cấp điện, viễn thông để phòng trường hợp có bão, lũ lớn.

Các đơn vị cần duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng cứu ứng khi có yêu cầu, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão Krosa đang tiến vào Biển Đông, chiều 30/10, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để đánh giá tình hình và đưa ra các biện pháp ứng phó với tác động của bão.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương chủ trì cuộc họp.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết bão Krosa có tốc độ di chuyển từ 75 đến 102 km/giờ, sức gió giật cấp 12, 13 đang tiến vào khu vực biển Đông Việt Nam. Trong vòng từ 34 đến 48 giờ tới bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây-Tây bắc. Khoảng đêm mai bão sẽ vào biển Đông. Sớm nhất là ngày 3-4/11 sẽ đổ bộ vào đất liền.

Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên sẵn sàng công tác ứng phó với tác động của cơn bão số 12. Đây là bão cuối mùa nên có những diễn biến thất thường, khó dự báo hướng đi và khu vực đổ bộ. Vì thế, các địa phương không được chủ quan trong công tác phòng chống bão.

Tính đến 15 giờ hôm nay (30/10), Bộ độ Biên phòng tuyến biển đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho gần 23.000 phương tiện với hơn 148.000 lao động biết diễn biến của bão Krosa để chủ động di chuyển, phòng tránh.

Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu, trong hai ngày tới tập trung kêu gọi tàu thuyền ở Bắc Vĩ tuyến 15 vào bờ và tìm nơi trú ẩn. Các địa phương rà soát các phương án, sẵn sàng sơ tán dân cư ở vùng thấp trũng ven biển, cửa sông.

Đặc biệt cần rà soát lại các phương án đảm bảo an toàn hồ đập, các công trình phòng chống lụt bão, nhất là các hồ chứa ở các tỉnh từ Bắc Bộ đến Hà Tĩnh đang ở trong tình trạng đầy nước. Các địa phương có phương án tiêu thoát nước đệm, không để tình trạng ngập ứng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp./.

Theo THANH TUẤN (TTXVN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI