|
ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - kiến nghị tư vấn phòng chống bạo lực gia đình cho chính người có hành vi bạo lực gia đình để đảm bảo nguyên tắc "lấy phòng ngừa là chính" |
Chiều 14/6, phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội về Dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - đánh giá, sau gần 15 năm thực hiện luật, đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối. Gần đây, nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định hiện hành. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng nêu trên là do các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn tồn tại những bất cập, không phù hợp với thực tiễn.
Theo ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân, luật hiện hành mới chỉ tập trung vào các biện pháp xử lý đối tượng gây bạo lực gia đình bằng xử lý hành chính hoặc hình sự, trong khi đó, để phòng ngừa và ngăn chặn bạo lực gia đình có hiệu quả thì biện pháp giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về bạo lực gia đình, về giới cho các đối tượng này.
Vì vậy, ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân kiến nghị bổ sung đối tượng được tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, đó là “những người có hành vi bạo lực gia đình” để đảm bảo nguyên tắc “lấy phòng ngừa là chính”.
ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân cũng phân tích, có nhiều nguyên nhân từ phía người bị bạo lực, từ cộng đồng và cũng có nguyên nhân từ nhận thức của chính quyền cơ sở. Một vài nơi, chính quyền cơ sở cho rằng bạo lực gia đình là vấn đề nội bộ gia đình nên đôi khi khá thờ ơ với nạn nhân bị bạo lực gia đình, vì vậy nạn nhân cảm thấy không được hỗ trợ và họ ngại tiếp xúc với chính quyền.
"Mặt khác, hiện nay các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc bạo lực gia đình còn khá phức tạp, chẳng hạn như để được chính quyền bảo vệ, nạn nhân phải viết đơn đề nghị, ngoài lý do nêu trên thì có không ít nạn nhân không biết phải trình bày thế nào", ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân nói.
Các biện pháp cấm tiếp xúc, theo ĐBQH, cũng chưa thực sự hợp lý, ví dụ: khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì nạn nhân thường là người phải rời khỏi nhà. Họ chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi. Từ đó dẫn đến việc nạn nhân có thể phải chịu sức ép từ gia đình, ảnh hưởng tâm lý và nỗi đau từ thể xác.
ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân kiến nghị, dự thảo luật bổ sung quy định về quyền của người bị bạo lực gia đình là “được lựa chọn chỗ ở là chính ngôi nhà của họ trong trường hợp áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc giữa người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình”. Ngoài ra, cần cân nhắc tâm lý và nguyện vọng của người bị bạo lực khi muốn được trú ngụ tại ngôi nhà của mình nhằm tránh tạo thêm áp lực về tinh thần cho người bị bạo lực, xâm hại và không nhất thiết phải tạm lánh như quy định tại dự thảo.
Riêng với trường hợp là người bị bạo hành là trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 7 tuổi, theo ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân, không thể đề nghị hoặc hỏi ý kiến của trẻ em. Nên nghiên cứu rà soát để các quy định về quyết định biện pháp cấm tiếp xúc quy định tại dự thảo sao cho phù hợp với các quy định tại Luật Trẻ em năm 2016; không mâu thuẫn với các nguyên tắc bảo đảm quyền trẻ em khỏi môi trường có nguy cơ. Đại biểu cũng đề xuất quy định riêng các hành vi bạo lực với trẻ em trong gia đình tại dự thảo luật.
Tại dự thảo, Hội LHPN Việt Nam được quy định trách nhiệm “Thực hiện tổng hợp, báo cáo thống kê về phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực gia đình”. Thực tế quá trình hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em, hội LHPN các cấp vẫn theo dõi số liệu phụ nữ, trẻ em bị bạo lực để hỗ trợ phù hợp.
Tuy nhiên, để tránh bị trùng lắp, chồng chéo, ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân kiến nghị cân nhắc quy định trách nhiệm của Hội trong công tác “phối hợp” thực hiện. Cụ thể, nên sửa đổi trách nhiệm của Hội là "chủ trì phối hợp thực hiện tổng hợp, báo cáo thống kê về phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực gia đình".
Bên cạnh đó, cần bổ sung vào dự thảo trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong công tác tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng tham gia tư vấn, hòa giải và phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ Hội cấp cơ sở, đồng thời tổ chức các chương trình hỗ trợ phụ nữ kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con, chăm sóc không dùng bạo lực, nói không với bạo lực.
ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm các biện pháp xử lý đối với người gây bạo lực nhưng chưa đến mức xử phạt hành chính như: phạt lao động công ích, giáo dục tại cộng đồng, ký cam kết không vi phạm….
H.Anh