Can trường nơi đầu sóng - Bài 2: Vượt gian khó, bám trụ nơi đảo xa

07/06/2022 - 06:12

PNO - Khi gần sinh con, hầu hết phụ nữ ở huyện đảo Trường Sa phải bắt đầu hành trình vào bờ. Đó là chặng đường đầy gian khổ mà chỉ có sự dũng cảm, trái tim yêu thương mới có thể vượt qua. Những đứa trẻ trên đảo như mầm xanh của cây phong ba, luôn khỏe khoắn, kiên cường trong điều kiện khắc nghiệt.

Chuyện “vượt cạn” ở đảo Sinh Tồn

Buổi sáng, khu nhà dân trên đảo Sinh Tồn thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa rộn rã tiếng cười trẻ thơ. Bầy trẻ hồn nhiên chạy nhảy, nô đùa dưới hàng cây bàng vuông thẳng tắp. Chỉ tay về phía một cô bé ba tuổi đang lon ton nô đùa với các bạn, chiến sĩ ở đảo Sinh Tồn giới thiệu đó là “cô bé trực thăng”.

Cái tên “cô bé trực thăng” gắn liền với lần “vượt cạn” đầy cam go của chị Nguyễn Thị Thu Thủy - 30 tuổi, sống ở đảo Sinh Tồn. Chị là cư dân đã gắn bó lâu năm với đảo này. Cuối năm 2018, chị Thu Thủy mang thai đứa con gái thứ hai. Không giống như lần mang thai con đầu, lần này, đến khoảng tuần thai thứ sáu, chị liên tục bị ốm nghén. Khi đó giáp tết nên gia đình quyết định đưa chị về đất liền dưỡng thai, chờ sinh con.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu (bìa phải) lắng nghe chị Thu Thủy kể về chuyến đi bằng cả tàu biển và trực thăng vào đất liền để sinh con
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu (bìa phải) lắng nghe chị Thu Thủy kể về chuyến đi bằng cả tàu biển và trực thăng vào đất liền để sinh con

“Tôi và đứa con trai đầu xin đi theo tàu hải quân về đất liền. Cuối năm, sóng to gió lớn, con tàu như bị hất bay lên hết lần này tới lần khác. Tôi đi được một đoạn thì thấy mệt, buồn nôn và ngất đi lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang ở đảo” - chị Thu Thủy nhớ lại.

Khi tàu mới đi được hơn nửa ngày, các chiến sĩ hải quân thấy chị Thu Thủy bị ngất trên tàu. Thuyền trưởng liền ra lệnh chuyển hướng cho tàu vào hòn đảo Song Tử Tây gần đó. Bấy giờ, ở đất liền cũng nhận được tin có thai phụ bị ngất xỉu trên biển. Lực lượng chức năng ở đất liền quyết định điều ngay trực thăng chở theo các bác sĩ sản khoa ra đảo. Sau đó, các bác sĩ đã quyết định đưa sản phụ vào bờ để dưỡng thai và sinh con. “Cô bé trực thăng” đã được chào đời như vậy.

Còn với chị Phan Nguyễn Xuân Thùy - cư dân đảo Sinh Tồn - chuyến vào bờ sinh con hồi cuối năm 2020 là một kỷ niệm khó quên nhất trong cuộc đời. Thời điểm đó, chị mang thai ở tháng thứ năm. Biết điều kiện ở đảo còn thiếu thốn, không thể sinh con ở đây, vợ chồng chị Xuân Thùy quyết định về đất liền.

“Cuối năm, biển động dữ lắm chứ không êm như mùa này. Tụi em vào bờ bằng tàu nhỏ, sóng dập dữ dội, đàn ông còn ói thốc ói tháo huống chi là mình. Nhưng lúc đó, trong đầu em chỉ có một suy nghĩ là phải cố gắng để con mình an toàn nên em cố gắng vượt qua. Bây giờ, con trai em đã được 17 tháng tuổi, rất khỏe mạnh” - chị Xuân Thùy kể.

Ở quần đảo Trường Sa, phụ nữ “vượt cạn” phải trải qua nhiều gian truân. Họ phải vượt qua hàng ngàn con sóng dữ mà không có chồng bên cạnh, sau đó trở lại đảo khi con được chừng 2-3 tháng tuổi.

Khi sinh con, chị Nguyễn Thị Mỹ Dung - cư dân đảo Trường Sa - phải trải qua hành trình vào bờ kéo dài sáu ngày đêm. Năm 2019, khi mang thai cháu Nguyễn Quốc Bảo Châu được bảy tháng, chị Mỹ Dung theo tàu vào đất liền. Do tàu còn phải làm nhiệm vụ ở nhiều đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa nên hành trình vào bờ của chị kéo dài hơn nhiều so với thường lệ. 

Chị tâm sự: “Lúc sinh con, không có chồng ở bên cạnh thì cũng tủi thân. Nhưng nghĩ lại, mình phải kiên cường vì chồng mình còn phải bám biển, giữ đảo”. 

Bám trụ ở đảo xanh 

Sinh Tồn - hòn đảo nổi mang cái tên với ý nghĩa là sinh sôi và trường tồn - là nhân chứng cho những cuộc “vượt cạn” hy hữu. Đây cũng là nơi nuôi dưỡng, chở che những mầm xanh trong điều kiện sống khắc nghiệt.

Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân - bế một cháu bé được đăng ký hộ khẩu trên đảo Sinh Tồn
Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng - Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân - bế một cháu bé được đăng ký hộ khẩu trên đảo Sinh Tồn

Tranh thủ giờ nghỉ buổi trưa, anh Huỳnh Đức Phong (32 tuổi, ngụ đảo Sinh Tồn) mở ti vi xem chương trình giải trí. Trước đây, chuyện xem ti vi là ước mơ của nhiều thế hệ hộ dân trên đảo. Từ ngày điện mặt trời, điện gió đến đảo, bà con nơi đây đã bớt cơ cực vì sống trong cảnh thiếu điện. Anh kể, ngày vợ chồng anh mới đến đảo Sinh Tồn, cầm trên tay nắm cát san hô nhiễm mặn, anh Phong nghĩ thầm sẽ chẳng thể nuôi trồng được bất cứ thứ gì trên vùng đất này. Thế nhưng, sau một thời gian trên đảo, khoảng đất cát khô cằn sau nhà anh Phong đã thành vườn rau xanh, đủ để vợ chồng anh ăn qua ngày.

“Có điện, rồi có máy lọc nước ngọt nên cuộc sống chúng tôi đỡ hẳn. Lượng nước ngọt bây giờ đủ để gia đình chúng tôi sinh hoạt và trồng rau. Cuộc sống trên đảo thì không thể đầy đủ như ở đất liền, nhưng chúng tôi thường xuyên nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ đất liền nên cảm thấy rất ấm lòng. Mỗi ngày, Sinh Tồn - hòn đảo xanh của chúng tôi lại càng phát triển thêm một chút. Chúng tôi luôn vững tin bám trụ lại đảo xanh”, anh Phong chia sẻ.

Chị Xuân Thùy cho biết, khi con trai được ba tháng tuổi, chị đã đưa cháu trở về đảo Sinh Tồn. Trên đảo thiếu nhiều tiện nghi vật chất, thường xuyên hứng bão lớn, mưa to trong mùa mưa. Thế nhưng, như được một bàn tay vô hình nào đó nâng đỡ, những đứa trẻ trên đảo như mầm xanh của cây phong ba, luôn khỏe mạnh, kiên cường. Chị nói: “Ở trong bờ, các cháu hay ốm vặt, ra ngoài đây thì hết hẳn. Tôi nghĩ, đây là nhờ các bậc tiền nhân chở che, bao bọc”.

Các em nhỏ hồn nhiên, vui tươi trên đảo Trường Sa
Các em nhỏ hồn nhiên, vui tươi trên đảo Trường Sa

Thầy Phan Xuân Dịu - giáo viên Trường tiểu học Sinh Tồn - gọi các học trò của mình là “những mầm xanh kiên cường”. Trường thiếu thốn về vật chất nhưng các học sinh trên đảo đều siêng học, đạt kết quả hằng năm khá, giỏi, khi vào bờ học tiếp đều theo kịp chương trình và đạt kết quả học tập tốt.

Trên đảo Sinh Tồn, khoảng cách từ nhà đến trường chỉ vài bước chân. Ngoài giờ học, học sinh tíu tít, quây quần bên nhau, các anh chị lớn tuổi hơn thường chỉ bảo, chăm nom các em nhỏ để cha mẹ yên tâm làm việc nhà. Đến hết bậc tiểu học, các em sẽ vào đất liền để học tiếp những bậc cao hơn.

Ở các đảo nổi Sinh Tồn, Song Tử Tây, Trường Sa… đâu đâu cũng rộn tiếng cười nói của trẻ thơ. Các em hồn nhiên, vui tươi như những chồi phong ba mới nảy mầm, vươn mình đón nắng, gió. 

Mùa mưa đến, chị Nguyễn Thị Phương Dung (đảo Trường Sa) lại cảm thấy lo lắng khi mà những chuyến tàu chở hàng ra đảo có thể bị gián đoạn do có bão. Chị Phương Dung sinh bé Lâm Nhật Kiếm Huy sau hành trình sáu ngày lênh đênh trên biển để vào đất liền. Khi Kiếm Huy được ba tháng, chị lại đưa con ra đảo để đoàn tụ cùng chồng - anh Lâm Ngọc Vinh. Không đủ sữa mẹ để nuôi con, cứ vài tháng, vợ chồng chị phải nhờ người đưa sữa từ đất liền ra đảo. Những ngày biển êm, hàng đến đảo đúng theo lộ trình, đủ để cho con uống. Những tháng biển động, thời tiết bất thường, việc vận chuyển sữa đến Trường Sa khó khăn gấp bội.

Thương vợ con, hằng ngày, anh Ngọc Vinh thường vào bếp tự tay làm những món ăn ngon để bồi bổ. Thỉnh thoảng, anh gọi điện về đất liền để vợ nói chuyện với hai bên nội ngoại. Anh Ngọc Vinh chia sẻ: “Nuôi một đứa trẻ ở trên đảo khó gấp trăm lần so với ở đất liền. Nhưng khi lớn lên, con tôi sẽ quen với gian khó. Khi con lớn, tôi sẽ định hướng cho cháu làm lính hải quân, giữ vững chủ quyền biển đảo cho quê hương”.  

Nghe đến đây, chị Phương Dung bật cười: “Biết đâu sau này cháu nó thành lính hải quân, lấy vợ rồi sinh con trên đảo. Lúc mới sinh cháu, có thể ở đất liền lâu hơn, nhưng tôi vẫn xin ra đảo sớm. Trên đảo dù khó khăn nhưng có vợ có chồng, có con cái đêm hôm thủ thỉ, mới đúng là gia đình”.

Nhiều phụ nữ ở huyện đảo Trường Sa cho biết, những năm gần đây, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa (Bệnh xá đảo Trường Sa) đã đỡ đẻ thành công cho nhiều ca trên đảo. Như năm 2011 và 2017, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa đã mổ thành công hai ca sinh. Hai cháu bé này được cha mẹ đặt tên theo tên của các bác sĩ đã trực tiếp chăm sóc, theo dõi và phẫu thuật là Nguyễn Ngọc Trường Xuân (năm 2011) và Thái Bình Hải Thủy (năm 2017).

Rồi đây, với sự chung tay, đồng lòng, vun đắp của cả nước, huyện đảo Trường Sa sẽ ngày càng phát triển không chỉ về y tế, mà còn nhiều lĩnh vực khác. Sẽ có nhiều trẻ chào đời trên chính những hòn đảo thuộc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc như Trường Xuân, Hải Thủy. 

Sơn Vinh

(Còn nữa)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI