LTS: Đoàn công tác số 9 - TPHCM vừa kết thúc chuyến công tác đến Trường Sa và nhà giàn DK1 sau hai năm gián đoạn do dịch COVID-19. “Can trường nơi đầu sóng” là những câu chuyện về cuộc sống của quân và dân huyện đảo Trường Sa mà phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM ghi lại được trong chuyến công tác này. |
Viết đơn tình nguyện ra đảo
Chiếc xuồng nhỏ dập dềnh theo từng nhịp sóng biển, đưa chúng tôi vào đảo Tốc Tan A thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Từ xa, Tốc Tan A như hai tòa lâu đài nhô lên giữa mặt nước, hứng chịu nắng gió quanh năm. Thấy đoàn khách lên đảo, đôi mắt của người chiến sĩ trẻ đứng gác ở bia chủ quyền ánh lên niềm vui. Biết chúng tôi đến từ TPHCM, chiến sĩ trẻ Ngô Xuân Phong mừng rỡ: “Em cũng là con em của thành phố mình nè”.
|
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu trò chuyện với hai chiến sĩ quê TPHCM đang làm nhiệm vụ ở đảo Núi Le B thuộc huyện đảo Trường Sa |
Năm 2021, sau thời gian huấn luyện tân binh, Phong quyết định viết đơn tình nguyện ra đảo công tác. Chín tháng gắn bó với biển đảo, chàng trai trẻ thành phố năm nào giờ đã trưởng thành, rám nắng và xem Tốc Tan A là nhà mình.
Khi ở TPHCM, Phong làm quản lý cho một nhà hàng ở Q.Gò Vấp với mức lương khá cao. Những ngày trong quân ngũ, nghe đồng đội đi trước kể về những chuyến công tác nơi đảo xa, Phong muốn một lần đến quần đảo Trường Sa làm nhiệm vụ để trải nghiệm và thử thách bản thân. Thêm nữa, được ra Trường Sa công tác còn là vinh dự của người chiến sĩ hải quân.
“Những ngày đầu ra đảo, em tưởng như không chịu nổi thời tiết khắc nghiệt nơi đây, nhưng rồi cũng quen. Bây giờ, mỗi ngày, em chăm chỉ rèn luyện thể dục thể thao để có sức khỏe làm tốt nhiệm vụ” - Phong chia sẻ.
Năm ngoái, nhiều người bất ngờ khi hay tin Lê Ngọc Duy Minh - 27 tuổi, ở Q.5, TPHCM, nhân viên một ngân hàng - viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau một thời gian trong quân ngũ, Minh tiếp tục viết đơn xin đến quần đảo Trường Sa làm nhiệm vụ: “Khi mới ra đảo, em thấy rất nhớ nhà vì điều kiện sống ở đây hoàn toàn khác nơi đất liền, nhưng chỉ vài tuần là quen. Ở đây, em có đồng đội để san sẻ, tâm tình. Anh em trên đảo đến từ mọi miền nhưng gắn bó, yêu thương nhau như anh em một nhà”.
|
Trung sĩ Lê Ngọc Duy Minh (thứ ba từ phải sang) đang làm nhiệm vụ trên đảo Đá Nam thuộc huyện đảo Trường Sa |
Gắn bó với đảo Đá Nam hơn một năm qua, nay Duy Minh đã quen với từng kiểu sóng, kiểu gió theo từng mùa. Việc làm quen với quy luật thời tiết không chỉ giúp anh và đồng đội hoàn thành nhiệm vụ mà còn sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ ngư dân trong mưa bão.
Gặp đồng hương trên đảo Đá Nam, Duy Minh phấn khởi cho biết, anh vừa được thăng cấp hàm trung sĩ cách đây chưa lâu. Ở trên đảo, anh được phân công làm quản lý, công việc cũng hợp với một cựu nhân viên ngân hàng. Anh cho biết khi giải ngũ, anh sẽ trở về TPHCM tiếp tục làm nhân viên ngân hàng. “Cô chú chụp hình, khi về thành phố thì gửi giùm cho ba mẹ con xem nhé, để ba mẹ thấy con trai giờ đã trưởng thành, rắn rỏi thế nào” - Duy Minh nhắn nhủ.
Quen với gian lao
Người lính nơi đảo xa hiếm khi kể về những gian khổ của mình. Như ở đảo Núi Le B - hòn đảo nhỏ quanh năm phải hứng chịu nắng nóng và mưa bão, các chiến sĩ chỉ được dùng tối đa 15 lít nước/ngày - hai người lính trẻ Trương Quốc Đại và Nguyễn Thiên Vũ (cùng đến từ Q.Gò Vấp, TPHCM) vẫn phơi phới yêu đời, say sưa kể về cuộc sống đầy ắp tình đồng đội và ước mơ sau ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
Khi nghe hỏi về những khó khăn trên đảo, Thiên Vũ bật cười: “Trong bài Hát về anh, đã có câu “người chiến sĩ quen với gian lao” mà. Ở đây gần một năm, tụi em quen với thời tiết và tất cả mọi thứ rồi nên không thấy khó khăn gì”.
Chính vì điều này, khi đến thăm các điểm đảo, bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM - luôn bày tỏ mong muốn được nghe các chiến sĩ nói về những khó khăn để tìm cách hỗ trợ trong khả năng. Khi nghe chiến sĩ Nguyễn Thiên Vũ nêu nguyện vọng sẽ trở về TPHCM học một nghề nào đó để có công ăn việc làm ổn định sau khi ra quân, bà Tô Thị Bích Châu nhắn nhủ: “Các con cứ an tâm ở đây công tác. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về TPHCM, nếu gặp khó khăn gì thì cứ đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, các cô chú sẽ tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ”.
|
Chiến sĩ Ngô Xuân Phong chắc tay súng canh giữ bia chủ quyền trên đảo Tốc Tan A thuộc huyện đảo Trường Sa |
Mười tháng ở đảo Núi Le B, chiến sĩ Trương Quốc Đại không thể quên những lần khẩn trương đi xuồng máy, vượt sóng dữ để cứu các ngư dân gặp nạn. Các anh luôn đối mặt với nguy hiểm để mang lại sự an toàn cho các ngư dân. Đầu năm 2022, cán bộ, chiến sĩ đảo Núi Le B đã tham gia cấp cứu cho bảy ngư dân trên một tàu cá gặp nạn trên biển. Trước đó, một ngư dân khác qua cơn nguy kịch nhờ sự hỗ trợ của người lính hải quân trên đảo Núi Le B.
Chiến sĩ Trương Quốc Đại tự hào: “Tôi sinh ra ở đất liền, nhưng cơ duyên đã đưa tôi gắn bó với biển đảo một năm qua. Được mặc quân phục hải quân đã là một vinh dự, được ra Trường Sa công tác là một vinh dự lớn lao hơn. Ngoài canh giữ chủ quyền Tổ quốc, chúng tôi còn hỗ trợ ngư dân bám biển nên được người dân rất yêu mến”.
Trên chín điểm đảo và nhà giàn DK1 mà Đoàn công tác số 9 - TPHCM vừa đi qua, có 25 cán bộ, chiến sĩ quê ở TPHCM đang công tác. Chỉ gặp nhau trong vài giờ ngắn ngủi, nhưng tôi cảm nhận được phần nào những vất vả, khó khăn và sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ hải quân nói chung và những người con TPHCM nơi đảo xa nói riêng. Đó là việc thiếu nước ngọt trong mùa nắng, thường xuyên đối diện những cơn bão trong mùa mưa, thiếu điện sinh hoạt, nhớ người thân… Nhưng niềm lạc quan, yêu đời của họ như tiếp thêm động lực làm việc cho những người đến từ đất liền.
Rời hòn đảo nhỏ Tốc Tan - nơi có bốn chiến sĩ quê TPHCM đang công tác - hình ảnh cuối cùng rời tầm mắt chúng tôi là người chiến sĩ trẻ Ngô Xuân Phong ôm chắc tay súng, mắt hướng về đất liền. Giữa biển trời mênh mông, đảo chìm Tốc Tan nhỏ bé nhưng vững vàng, kiên trung nhờ có một phần sức trẻ của những người con thành phố.
Sơn Vinh
(còn nữa)