Cẩn trọng với video dạy "lụi nhanh", "khoanh bừa” thi tốt nghiệp trên TikTok

17/06/2023 - 12:14

PNO - Hàng ngàn video chỉ “mẹo lụi nhanh”, “khoanh bừa”, “bí kíp lụi chống liệt” các môn thi tốt nghiệp THPT xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, TikTok, Facebook đã nhận được nhiều sự quan tâm của học sinh.

Gõ vào ô tìm kiếm trên các nền tảng mạng xã hội như các từ khóa “mẹo lụi nhanh”, “khoanh bừa”, “bí kíp lụi chống liệt” các môn thi tốt nghiệp THPT dễ dàng tìm được hàng ngàn video chỉ mẹo, cách giải nhanh.

Không chỉ dưới dạng các video ngắn, việc hướng dẫn ôn tập còn diễn ra dưới hình thức các lớp ôn thi tốt nghiệp THPT ở dạng phát trực tiếp (livestream) trên TikTok, thu hút hàng trăm đến hàng ngàn người xem với chung một cách thức là chỉ ra các mẹo để khoanh đáp án bài trắc nghiệm một cách nhanh nhất. 

Các video chỉ mẹo lụi nhanh, khoanh bừa ôn thi tốt nghiệp xuất hiện nhan nhản trên TikTok
Các video chỉ "mẹo lụi nhanh", "khoanh bừa" ôn thi tốt nghiệp xuất hiện nhan nhản trên TikTok

Một video ở dạng phổ biến với từ khoá “Mẹo khoanh lụi tiếng Anh khi bạn không biết làm” đã chỉ ra các cách thức giúp người học có thể làm bài thi đạt điểm cao ngay cả khi không biết cách làm như thế nào, thu hút hàng trăm ngàn lượt xem, chia sẻ. 

Hay với từ khoá “Chống liệt lịch sử”, “Mẹo lụi nhanh lịch sử lớp 12” cũng xuất hiện các video chỉ ra các từ khoá khuyên rằng các sĩ từ hễ cứ thấy các từ khoá này là “khoanh” đảm bảo sẽ có điểm…

Thường xuyên tận dụng Tiktok để ôn tập một số môn thi tốt nghiệp THPT trong thời gian gần đây, Nguyễn Quốc Bình- học sinh Trường THPT Linh Trung (TP Thủ Đức) nhìn nhận, các video này chỉ hữu ích nếu người học biết chọn lọc những kiến thức phù hợp, còn nếu chăm chăm lạm dụng, dựa vào các video này khi ôn tập với hy vọng đạt điểm cao thì không nên…

“Các video ôn tập trên nền tảng mạng xã hội dễ nhớ vì cách truyền đạt gãy gọn, lôi cuốn song không tập trung vào kiến thức sâu mà chỉ đưa ra cách giải bài tập ngắn gọn, mẹo “nhìn đề bài ra đáp án”. Thậm chí ở nhiều video còn chỉ các cách làm rất phản cảm, như dạy khoanh bừa mà tỷ lệ trúng cao; khoanh bừa chống liệt ở tất cả các môn thì rất nguy hiểm”- Bình bày tỏ. 

Các giáo viên khuyên rằng học sinh cần hết sức cẩn trọng, khôn ngoan trước những video trên các nền tảng mạng xã hội
Các giáo viên khuyên rằng học sinh cần hết sức cẩn trọng, khôn ngoan trước những video trên các nền tảng mạng xã hội

Cô Nguyễn Thị Thanh Thanh - Tổ trưởng Tổ tiếng Anh, Trường THPT Trần Hữu Trang khuyên rằng, khi tham khảo các tài liệu, video ôn tập học sinh cần cẩn trọng, không nên sa đà vào các hướng dẫn ôn tập theo kiểu lụi nhanh. Các video có thể không có bản quyền, chưa có sự kiểm chứng dẫn đến kiến thức sai hoặc không phù hợp với mức độ trong kỳ thi. Học sinh cần bám sát vào những hướng dẫn ôn tập của thầy cô trên lớp. 

“Trong thời điểm này, học sinh nên sắp xếp thời gian ôn tập các môn thi tốt nghiệp một cách khoa học, môn nào mình yếu thì dành nhiều thời gian ôn tập hơn. Thời gian không còn nhiều song các em ôn tập một cách nghiêm túc thì việc đạt được điểm trung bình là trong tầm tay”- cô Thanh Thanh khuyên.

Thầy Đỗ Đức Anh - giáo viên ngữ văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) lại lưu ý, càng gần đến ngày thi học sinh càng phải ôn tập một cách “khôn ngoan”. Không nên ôn theo kiểu bói đề, đoán đề và đặc biệt là hết sức cẩn trọng với các video chỉ mẹo chống liệt khi mình không biết làm; các video chỉ “quy tắc ngầm” khi viết văn…

“Nguyên tắc khi ôn tập văn là hãy nghe chính mình, đừng nghe lời đồn. Mọi thông tin trong các hội nhóm trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook… đều không đáng tin. Đừng học tủ theo sự đoán mò của mạng xã hội mà hãy dành thời gian để đọc thẩm thấu các tác phẩm trọng tâm, cố gắng ghi nhớ hệ thống luận điểm. Cố gắng giữ tâm thế thoải mái trước ngày thi”- thầy Đức Anh nhấn mạnh. 

Trong khi đó, thầy Huỳnh Kiều Viết Lãm- giáo viên vật lý, Trường THPT Ten Lơ Man (quận 1) lại nhắc học sinh trong thời gian này nên thường xuyên làm các đề thi thử, rút kinh nghiệm những phần kiến thức sai sót. Khi ôn cần bám sát vào đề minh họa của Bộ GD-ĐT.

“Một bài thi tốt nhờ sự chuẩn bị chu đáo ngay từ đầu bằng việc nắm vững các kiến thức cơ bản, trọng tâm chứ không phải là nhờ sự may rủi hay các mẹo khanh bừa, khoanh lụi…”- thầy Lãm khuyên. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI