Cẩn trọng với hoa, cây cảnh chưng tết

27/01/2016 - 10:13

PNO - Nhiều loài hoa, cây cảnh quen thuộc, đẹp nhưng chứa chất độc, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, từ mức độ nhẹ gây mệt mỏi, nôn ói đến hôn mê.

Hoa đỗ quyên: đỗ quyên có khoảng 850- 1.000 loài, hoa có màu rực rỡ, đa dạng và đây là quốc hoa của Nepal. Bên cạnh những loài có tác dụng chữa bệnh thì cũng có loài gây độc như loài Rhododendron occidentale.

Bác sĩ Trần Văn Năm - nguyên Viện phó Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cho biết: Tất cả các bộ phận của đỗ quyên Rhododendron occidentale đều có chất độc andromedotoxin và arbutin glucoside. Chỉ cần ăn vài lá đã gây ngộ độc; một lượng lá từ 100-225g đủ gây ngộ độc nặng cho trẻ 25kg. Sau sáu giờ tiếp xúc với chất độc, cơ thể sẽ bị nôn, đau bụng, hoa mắt, chóng mặt, tăng tiết nước bọt, chảy nước mũi, tiêu chảy; nếu nặng có thể yếu - liệt tứ chi, giảm phản xạ, thậm chí hôn mê.

Can trong voi hoa, cay canh chung tet

Hoa thủy tiên: có nguồn gốc từ Nhật Bản và Trung Quốc, tên khoa học là Narcissus tazetta. Theo BS Trần Văn Năm, thủy tiên có cánh màu trắng hay cánh màu vàng, đẹp nhưng chứa chất alkaloids rất độc. Đáng lo là hoa thủy tiên có củ như hành tây, lá giống lá tỏi nhưng mảnh hơn nên người già, trẻ nhỏ dễ nhầm lẫn. Nếu ăn phải hoa với số lượng lớn thì nạn nhân sẽ chóng mặt, nôn mửa, lơ mơ hoặc co giật và tiêu chảy.

Can trong voi hoa, cay canh chung tet

Ngoài ra, trong rễ thủy tiên có chứa khoảng 0,06% chất narcissin. Độc chất này thay đổi theo tuổi của cây. Nếu ăn phải chất này trước khi cây ra hoa thì bị dãn đồng tử, khô nước bọt, tim đập nhanh. Narcissin của cây đã ra hoa sẽ làm nạn nhân tăng tiết nước bọt, tháo mồ hôi, buồn nôn, tiêu chảy.

Hoa cẩm tú cầu: tên khoa học là Hydrangea macrophylla, với khoảng 75 loài. Theo BS Trần Văn Năm, lá và nụ hoa có độc chất hydragin nhiều nhất. Nếu ăn phải độc chất này, người bệnh có biểu hiện: nôn, đau bụng, tiêu chảy, khó thở, mệt mỏi, nếu nặng dẫn đến hôn mê. Một số người có cơ địa nhạy cảm có thể bị viêm da, ngứa da khi chạm tay vào cây, lá, hoa.

Can trong voi hoa, cay canh chung tet

Hoa trâm ổi (bông ổi, hoa ngũ sắc, thơm ổi): BS Bạch Văn Cam - cố vấn khối Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, đây là loại cây có độc tính rất cao. Các loại động vật ăn cỏ khi nuốt cành lá của cây trâm ổi sẽ bị ứ mật và nhiễm độc gan do chất lantadene gây ra. Chất độc này còn nằm trong quả của cây gây bỏng rát đường ruột, dãn cơ, rối loạn tuần hoàn máu và có thể dẫn đến tử vong.

Nhiều người thường nhầm loài này với cây hoa ngũ sắc khác (còn gọi là hoa cứt lợn, hoa ngũ vị, cỏ hôi.

Can trong voi hoa, cay canh chung tet

Cây ngô đồng: tên khoa học là Jatropha podagrica, có nguồn gốc ở châu Mỹ. Ở Việt Nam cây còn được gọi là vạn linh, sen núi, dầu lai có củ. Độc tố chính là chất curcin gây bệnh ở đường tiêu hóa, gan. Trẻ em ăn phải hạt cây ngô đồng sẽ bị bỏng rát ở họng, đau bụng, ói, tiêu chảy. Khi đã bị ngộ độc nặng sẽ xuất huyết tiêu hóa, rối loạn tim mạch, ức chế hệ thần kinh trung ương.

Can trong voi hoa, cay canh chung tet

Làm gì khi bị ngộ độc?

Với gia đình có trẻ nhỏ nên hạn chế trồng hoặc không đặt những chậu hoa nằm trong tầm với của trẻ.

Theo BS Trần Văn Năm, nếu nghi ngờ hoặc biết chắc chắn trẻ em ăn phải những cây kể trên, cần lập tức dùng mọi biện pháp cho trẻ nôn, càng nôn nhiều càng tốt. Trong khi nôn, cần để đầu nghiêng về một bên và dùng khăn lau sạch các chất dịch, đàm nhớt. Cho trẻ uống một cốc nước ấm (có thể pha muối loãng) rồi tiếp tục để trẻ nôn.

Sau khi tiến hành sơ cứu tạm thời, hãy đưa trẻ bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc và điều trị thích hợp, đồng thời nhớ mang theo các cây hoặc hoa mà cháu ăn phải để bác sĩ xác định chất độc và tìm thuốc giải độc. Không được trì hoãn, để quá muộn mới đưa trẻ tới bệnh viện. Lưu ý, trong trường hợp trẻ bị hôn mê, cẩn thận khi gây nôn vì sẽ rất dễ gây viêm phổi do sặc đờm nhớt, thức ăn hoặc nghẽn đường thở.

BS Bạch Văn Cam cho biết, hầu hết các độc chất trong hoa đều không có thuốc giải, thuốc đặc trị nên chỉ điều trị theo triệu chứng. May mắn các chất này khó gây tử vong, chủ yếu là ngộ độc, tiêu chảy, nôn ói, tê lưỡi, dị ứng, sưng phồng.

Riêng độc chất trong hoa đỗ quyên thì gây bệnh chủ yếu trên hệ tim mạch nên người bệnh dễ bị chậm nhịp tim; điều trị độc chất của hoa bằng cách cho người bệnh uống than hoạt tính, rửa dạ dày, điều trị chậm nhịp tim. Còn với cây ngô đồng, người bệnh cần được xét nghiệm máu, đường huyết, chức năng gan; rửa dạ dày, uống than hoạt tính, truyền dịch để bù lượng nước bị mất do nôn, tiêu chảy, rối loạn điện giải.

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI