PNO - Khoảng 2 tuần nay, trên các trang mạng xã hội nhộn nhịp rao bán các “đặc sản nhà làm” như dưa món, khô gà, khô bò, chả lụa… nhà làm. Dù người bán bảo đảm “vệ sinh sạch sẽ” nhưng nguy cơ an toàn thực phẩm vẫn rình rập người tiêu dùng.
“Nhà em lại phục vụ món ăn không thể thiếu trong những ngày tết đây ạ. Bánh chưng, bánh tét mà thiếu em này thì vị giảm đi đến 40% luôn. Cả nhà mình thủ sẵn tủ lạnh món ngon này nhé. Nhà em làm sạch sẽ, cam kết nước mắm ngon, ngâm theo cách truyền thống, mọi người cứ để sẵn tủ lạnh, ăn 8 tháng thoải mái, càng ngâm lâu ăn càng ngon…”. Đó là nội dung tài khoản Facebook T.D. mời chào người mua và kèm cả hình ảnh hũ dưa món gồm cà rốt, củ cải, hẹ, ớt… Do có lời bảo đảm sạch sẽ, để được thời gian dài, đã có hơn 30 bình luận hỏi mua để dành ăn tết, một số khác muốn lấy số lượng lớn về bán lại. Tuyệt nhiên, không ai thắc mắc về nguồn gốc nguyên liệu, cách chế biến, cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một tài khoản trên mạng xã hội đăng bài bán khô bò với cam kết ngon, sạch
1 người khác đăng bán khô bò với quảng cáo ‘’công thức bí truyền của bà ngoại để lại’’. Nguyên liệu được cho biết đều là đặc sản nổi tiếng nhiều vùng miền, như bò từ Đắk Lắk gửi xuống, sả, ớt, hành… từ Long An. Liên hệ đến số điện thoại được cung cấp, người bán cho biết do tự tay làm từ khâu chọn thịt, sơ chế nguyên liệu, đem phơi, đóng gói nên tự tin. “Em làm để mọi người có món ngon ăn tết, chỉ 1,3 triệu đồng/kg, mà chị thấy mỗi nguyên liệu lấy một nơi khác nhau nên không lời đâu. Chị ăn một lần chị ghiền ngay, không dứt ra được. Đợt này em làm được 50kg, nhưng khách đặt hơn 40kg rồi, nếu chị không mua ngay chút gọi lại không còn đâu” - người bán nói. Tuy nhiên, khi hỏi khô bò sấy trong lò khoảng bao lâu, thì người này trả lời: “Phơi nắng tự nhiên ở mặt đường nhựa mới ráo được, sấy sẽ mất chất, không ngon”.
Trong live stream bán hàng, 1 người bán khác cho biết: chỉ bán khô bò miếng Củ Chi vào dịp tết. Khô bò được làm tại xưởng của gia đình, giá cạnh tranh với 1 hũ 500g giá 220.000 đồng, mua 2 hũ giảm còn 420.000 đồng, mua 4 hũ thì 820.000 đồng và miễn phí giao hàng toàn quốc. “Khô nhà em là khỏi chê, tết nào cũng xuất khẩu ra nước ngoài, không đạt chuẩn làm sao xuất khẩu. Anh, chị đặt hàng để lại số điện thoại, hoặc nhắn cho em qua số điện thoại 0935.424.xxx”, người này ra rả trên kênh bán hàng. Tuy nhiên, khi người xem bình luận: “Xưởng sản xuất có thể xuất khẩu sao 1 năm chỉ bán vào dịp tết vậy?”, thì lập tức bị chủ tài khoản xóa bình luận. Thay vào đó là 3, 4 tài khoản liên tục đặt khô bò và khen ngon, rẻ…
Ngoài khô bò, dưa món, các món ăn liền như khô gà xé, củ kiệu, củ cải muối, khô mực hấp nước dừa… đều đang được người bán online mời chào với giá dao động từ 150.000 đồng đến gần 1 triệu đồng/kg, tùy sản phẩm. Hầu hết người bán đều cam kết thực phẩm của mình “chuẩn nhà làm” theo bí quyết gia truyền, cam kết sạch sẽ vệ sinh, nguyên liệu sạch… Tuy nhiên tất cả chỉ là nói miệng, không ai có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Coi chừng ngộ độc thực phẩm
Những ngày tết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng, nhất là món ăn ngay không cần chế biến lại như dưa muối, bóp xổi, cóc ngâm, khô mực, khô bò… Tuy nhiên, người dùng cần cẩn thận khi mua hoặc chế biến các món này, bởi khó đảm bảo vệ sinh, dễ bị nhiễm khuẩn nếu không được bảo quản tốt.
Hình ảnh do người bán đăng tải cho thấy nguyên liệu làm dưa món được phơi gần mặt đường, dễ nhiễm bụi, vi khuẩn
Các món kể trên thường phải làm từ nhiều nguyên liệu trộn lẫn như rau củ, đồ sống… Nếu không rửa sạch sẽ, nguy cơ vi khuẩn gây bệnh sẽ rất cao. Chưa kể đến các món ngâm chua thường để trong thời gian dài, không che đậy hoặc che đậy sơ sài, vi khuẩn từ bên ngoài dễ dàng xâm nhập. Còn với khô bò, ngoài chọn lựa thịt bò tươi, rửa sạch sẽ, thì khi phơi, sấy cần che đậy tránh ruồi nhặng, bụi bặm… Kể cả quá trình đóng gói, bảo quản trong tủ lạnh, nếu không cẩn thận dễ làm vi khuẩn sinh sôi, thậm chí gây nhiễm khuẩn cho cả tủ lạnh.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Diễm Hà - Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho hay, thông thường các tác nhân chính gây ngộ độc thực phẩm có thể là vi khuẩn Salmonella, E.Coli, vi rút, ký sinh trùng. Thực phẩm bị hư hỏng, biến chất cũng là nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc. Tùy vào mức độ, tác nhân gây bệnh, triệu chứng ngộ độc thực phẩm có thể khác nhau, tác động lên hệ tiêu hóa, thần kinh… Trường hợp nhẹ, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, mất nước, nôn mửa, tiêu chảy, sốt… Ngoài ra, các dấu hiệu mất nước như mệt mỏi, khát nước, khô miệng, co rút cơ, chóng mặt, lú lẫn, tiểu ít hoặc không đi tiểu trong nhiều giờ cũng là những triệu chứng cần lưu ý.
Nếu không điều trị kịp thời, ngộ độc thực phẩm có thể gây sốc, tổn thương các cơ quan. Các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn như tiêu chảy liên tục (trên 6 lần/ngày), tiêu ra máu, nôn ra máu, sốt cao không giảm sau 24 giờ, đau bụng dữ dội, thậm chí tử vong do ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, khi có các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là người già và trẻ em cần được theo dõi sức khỏe liên tục. Người bệnh nên uống đủ nước, bù chất điện giải, ăn thức ăn lỏng… Nếu các dấu hiệu tăng nặng, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế.
Bác sĩ Nguyễn Thị Diễm Hà khuyến cáo, để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, khi mua nguyên liệu dự trữ, người dân cần chọn lựa thực phẩm tươi mới, có nguồn gốc, được kiểm định an toàn vệ sinh. Còn các thực phẩm chế biến sẵn, nên mua tại những cơ sở uy tín, có thương hiệu, bảo đảm vệ sinh và còn hạn sử dụng. Trường hợp sản phẩm bị méo mó, biến dạng, có mùi lạ, bao bì phồng to… hãy bỏ ngay vì có thể chúng đã bị nhiễm khuẩn, hư hỏng.
Việc bảo quản thực phẩm đúng cách, đặc biệt là thịt, cá và hải sản rất quan trọng để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển. Các thực phẩm này nên được bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh. Khi nấu ăn, mọi người cần rửa rau, thịt, cá thật kỹ, đậy kín, để ở nơi khô ráo, nấu chín thức ăn với nhiệt độ thích hợp. Thực phẩm sau khi nấu nên được sử dụng trong vòng 2 giờ đồng hồ. Nếu để lâu, cần bảo quản lạnh và hâm kỹ lại trước khi sử dụng. Dù lưu trữ tủ lạnh, cũng không nên để quá lâu. Chỉ nên mua vừa đủ ăn, để luôn có thực phẩm tươi mới, tận hưởng tết an toàn, khỏe mạnh.
Ngày 19/1, Nutifood phối hợp cùng nhóm từ thiện Sharing trao 550 phần quà nhân dịp Xuân Ất Tỵ cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh tại TPHCM.
Vừa qua, Friso, nhãn hàng sữa dinh dưỡng thuộc Công ty FrieslandCampina, chính thức ký kết hợp tác chiến lược với nhiều chuỗi cửa hàng Mẹ và Bé lớn trên toàn quốc.