Diễn đàn “Xây dựng cộng đồng văn hóa thời đại 4.0”

Cẩn trọng và chọn lọc khi tiếp cận thông tin trên mạng

30/10/2023 - 08:25

PNO - “Văn hóa khi đã sâu vào đại chúng cũng tác động như một sức mạnh vật chất”. Câu này xuất hiện trên Báo Tiên Phong, kể từ số 1 ra ngày 10/11/1945 và tiếp tục lặp lại ở mỗi số báo sau.

Tờ báo này là cơ quan ngôn luận của Hội Văn hóa cứu quốc, do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, đã đề ra 3 định hướng vận động “văn hóa mới”: khoa học, đại chúng, dân tộc. Với định hướng này, nay soi rọi vào lĩnh vực thông tin truyền thông, chúng ta nhìn thấy gì?

Từ góc độ của một người đã và đang tham gia mạng xã hội, tôi nhận ra đôi điều rất đáng để chúng ta trao đổi thêm.
Thời nay, chỉ cần thạo một vài thao tác, bất kỳ ai cũng có thể bày tỏ “chính kiến” của mình. Điều này là cần thiết trong một xã hội dân chủ, văn minh, nếu ý kiến đó được phát biểu bằng ý thức xã hội, trách nhiệm công dân. Thế nhưng nó lại không cần thiết, thậm chí cần phải bị phê phán khi ai đó lợi dụng sự tiện ích về kỹ thuật để tung hỏa mù, cung cấp thông tin giả, gây xói mòn niềm tin, bôi nhọ danh dự người khác… 

Mới đây nhất, từ thông tin tràn ngập trên mạng xã hội, các bậc phụ huynh đều hoang mang, lo lắng khi biết có nhiều bài thơ, đoạn văn nhảm nhí, có tính chất bạo lực chống đối, ăn gian nói dối, không phù hợp với trẻ em lại được Bộ GD-ĐT chọn đưa vào sách giáo khoa (SGK) cấp I. 

Mỗi người cần cẩn trọng và chọn lọc trước sự nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội (ảnh minh họa)
Mỗi người cần cẩn trọng và chọn lọc trước sự nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội (ảnh minh họa)

Nếu sự thật đúng như thế, với tư cách là nhà báo, chúng ta phải lên tiếng chứ? Tất nhiên. Sau một thời gian tìm đọc, kiểm chứng lại từ các bộ SGK môn ngữ văn hiện nay, tôi hết sức bất ngờ khi biết đó chỉ là sự bịa đặt trắng trợn. Khi những thông tin giả này đồng loạt post lên mạng xã hội, thu hút hàng ngàn like, hàng trăm comment thì không còn yếu tố câu view nữa mà trở thành vấn đề nghiêm trọng.

Rõ ràng, một khi bịa ra những “tác phẩm” ngớ ngẩn, vô giáo dục dưới hình thức thơ, đồng dao, văn xuôi, tranh vẽ… và khẳng định là đã được sử dụng trong SGK, dù biện minh thế nào cũng không thể chấp nhận, thậm chí còn vi phạm luật pháp. Hành vi này nghiêm trọng ở chỗ, sẽ khiến phụ huynh hoang mang, không tin cậy vào cả hệ thống giáo dục, cụ thể là bắt đầu từ SGK. 

Từ đó, mục tiêu gắn kết nhà trường - gia đình, thầy cô giáo - phụ huynh sẽ có những khoảng cách trong việc chung tay dạy con trẻ. Đơn giản, không phụ huynh nào chấp nhận cho nhà trường, SGK dạy con mình những “kiến thức” vô giáo dục, vô văn hóa đến thế. Do đó, báo động về thông tin giả này là hết sức cần thiết. 

Từ trường hợp cụ thể này, ta còn nhận ra rằng, thời buổi này không ai muốn trở nên “lạc hậu” nếu dị ứng, tẩy chay mạng xã hội mà dù muốn dù không cũng phải tham gia. Vậy, cách tham gia khôn ngoan nhất là gì? Phải luôn ý thức, tỉnh táo trước mọi thông tin; biết chọn lọc, kể cả động tác hết sức vô thưởng vô phạt là “like”. Thông tin có hàng ngàn lượt like chắc gì đã đúng. Làm sao ta biết đó chỉ là tác động của “thuật toán” máy móc đã cài sẵn nhằm dẫn dắt đám đông? 

Tôi chợt nhớ tai nạn “chết người” của người bạn thân, là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng. Khi biên soạn tập sách ảnh về Sài Gòn - TPHCM, trong đó, anh có sử dụng bức ảnh lịch sử nổi tiếng của phóng viên Hà Lan Hubert Van Es chụp dòng người di tản trên nóc nhà bằng máy bay trực thăng trưa 29/4/1975 tại Sài Gòn. Bức ảnh quá nổi tiếng nhưng nay lại được chụp ở góc độ khác. Do lần đầu công bố mang yếu tố “độc”, “lạ” nên mọi người vô cùng thán phục, thích thú. Hỡi ôi, ngay sau đó, dư luận phản ứng ầm ầm vì đó chỉ là… “ảnh photoshop” của ai đó “nghịch chơi”, không có thật. Nhắc lại chi tiết này để thấy sự giả mạo thông tin, kể cả hình ảnh trên mạng, có thể đánh lừa cả những người có chuyên môn, huống gì chúng ta chỉ là những “tay mơ”.

Do mạng xã hội còn cho phép tương tác nhanh chóng, dễ dàng nên khi gặp thông tin thích hoặc không thì ai cũng có thể “lên tiếng” bày tỏ thái độ ngay lập tức. Có thể do lúc ấy không kiềm chế cảm xúc, có thể do nghĩ “thế giới ảo”, không ít người đã viết, comment vô tội vạ, kể cả nói tục và chửi đổng với tâm thế như đang “múa gậy vườn hoang”. 

Một lần, cánh nhà báo đã “về nhà đuổi gà cho vợ” họp mặt ngày truyền thống kỷ niệm. Khi đến nơi, tôi thấy vắng mặt dăm bảy người. Tại sao? Ban tổ chức cho chúng tôi xem trang Facebook của những người đó. Xem xong, tôi gật gù tán thành: “Không mời là đúng”. Lâu nay, trong quan hệ đồng nghiệp, cứ nghĩ họ cũng “ngon lành”, thì ra mình đã nhầm. Những gì cần nói, lẽ ra nên chọn cách góp ý, xây dựng với tư cách của người trong cuộc, như đã từng thể hiện qua các bài báo, nay họ lại “quay xe” chửi đổng, chửi thề loạn xạ. Thôi, né đi cho nó lành.

Các trang cá nhân, trang cộng đồng giờ mọc lên nhiều như nấm. Để có thể kiểm soát hiệu quả, chỉ có thể là cơ quan chức năng. Nếu không, không thể kịp thời “dập tắt” được hiện tượng xấu như chuyện liên quan đến SGK nêu trên.

Tôi rất thích câu “Tự cứu mình trước khi trời cứu”. Trước khi like đồng tình, chúng ta cần có sự kiểm chứng, đối chiếu cụ thể để xác định thông tin đó là thật hay bịa. Sau khi đã biết rõ, biết chắc chắn, có chứng cứ thì mới bày tỏ thái độ (hoặc không). Xin lưu ý lần nữa, chúng ta đang sống trong thời đại bất kỳ ai cũng có thể tạo ra thông tin và thông tin thật giả lẫn lộn, đan cài vào nhau hết sức phức tạp. Sự cảnh giác không bao giờ thừa.

Cùng bàn đến chấn hưng văn hóa nói chung, có lẽ trước hết chúng ta cũng cần “chấn chỉnh” nhận thức của mình khi tiếp cận với những thông tin trên mạng. 

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn

Hành vi ứng xử lệch chuẩn/kém văn hóa có thể được nhìn thấy ở bất cứ đâu, trong cuộc sống thường ngày. Nhưng đồng thời, cũng có rất nhiều câu chuyện/hình ảnh đẹp về ứng xử trong cộng đồng, gia đình, trên mạng xã hội… Mời bạn đọc tham gia chia sẻ ý kiến, những góc nhìn, đề xuất/giải pháp cũng như góp phần lan tỏa những câu chuyện đẹp, tử tế, nghĩa tình, nhân văn… cùng diễn đàn Xây dựng cộng đồng văn hóa thời 4.0, hướng đến một cộng đồng văn hóa, xã hội văn minh. Bài viết đạt chất lượng sẽ được đăng tải trên Báo Phụ nữ TPHCM (báo giấy và online) và được trả nhuận bút. Thư từ, bài vở xin gửi về email: diendanvanhoaungxu@baophunu.org.vn 

Lê Minh Quốc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI