Cẩn trọng: Tưởng chết do say rượu nhưng hóa ra không phải

23/02/2018 - 15:12

PNO - Nghĩ chỉ bị say rượu, nhiều quý ông không biết mình đang mắc phải căn bệnh chết người.

Ngày mùng 3 Tết, sau khi uống rượu mừng năm mới với con cháu, cụ ông L.H.L. (sinh năm 1927) đột ngột ngất. Vì ông bị bệnh phổi, hút thuốc nhiều và ngất sau khi uống rượu nên người nhà nghĩ ông bị say rượu bất tỉnh nên đưa đến bệnh viện gần nhà cấp cứu.

Tại đây, ông L. được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp thành dưới có biến chứng loạn nhịp tim, và chuyển ông đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chữa trị. 

Sau khi làm kiểm tra, xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện đoạn giữa động mạch vành bên phải của ông L. bị tắc hoàn toàn. Ngay lập tức, bệnh nhân được can thiệp động mạch vành và đặt stent để xử lý bệnh. 

Can trong: Tuong chet do say ruou nhung hoa ra khong phai
Động mạch vành trái bị tắc nghẽn

2 ngày sau, các bác sĩ nơi đây cũng tiếp nhận anh V.V.H. (30 tuổi) cũng nhập viện cấp cứu trong tình trạng tương tự. Tuy nhiên, anh H. không nghĩ mình bị nhồi máu cơ tim vì anh vốn sống lành mạnh, không hút thuốc, thường xuyên tập thể dục, ăn uống thanh đạm. 

Anh H. rất ít khi uống rượu, nhưng vì ngày Tết nên anh uống vài chén vui với bạn bè. Sau khi uống rượu, anh H. bị nôn nhiều, đau thắt ngực. Nghĩ mình có vấn đề về tiêu hóa và mệt do uống rượu nên anh nằm nghỉ ngơi để lấy lại sức. 

Tuy nhiên, không lâu sau, anh khó thở, vã mồ hôi như tắm, không thở nổi nên báo với gia đình để đưa đến bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị tắc hoàn toàn động mạch vành bên trái, bóc tách kèm huyết khối và có dấu hiệu suy tim. Có thể vỡ tim và gây ra các rối lọan nhịp, tử vong bất kỳ lúc nào.

Can trong: Tuong chet do say ruou nhung hoa ra khong phai
Sau khi động mạch vành được tái thông

Các bác sĩ lập tức xử lý hút huyết khối trong lòng động mạch vành, đặt stent tái thông động mạch bị tắc. Sau khi được cấp cứu, anh H. dần khỏe lại.

Thạc sĩ bác sĩ Trần Hòa, Phó khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: “Hai trường hợp trên rất dễ bị bỏ sót vì khởi phát đều dùng rượu. Bên cạnh đó, các triệu chứng nhồi máu cơ tim cấp dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng say rượu hay các vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau vùng ngực hay vùng thượng vị sau khi nôn,… 

May mắn là cả hai trường hợp đều đến bệnh viện trong thời gian vàng, được các bác sĩ của bệnh viện ban đầu sơ cứu tốt nên bệnh nhân có thể hồi phục và ít gặp biến chứng”.

Can trong: Tuong chet do say ruou nhung hoa ra khong phai
Bác sĩ Hòa cho biết, trường hợp của ông L. và anh H. rất dễ bị bỏ sót vì khởi phát đều dùng rượu

Theo bác sĩ Hòa, bệnh nhồi máu cơ tim không chừa một ai, dù là cụ ông lớn tuổi, có tiền sử hút thuốc lá, tiền sử bệnh phổi, tăng huyết áp hay người trẻ tuổi, có lối sống lành mạnh. Người dân không nên chủ quan với các trường hợp đau thắt ngực kéo dài hơn 15 phút, nhất là trong các dịp lễ, Tết hay sau các buổi tiệc. Mọi người không nên chủ quan, phải đến bệnh viện kiểm tra ngay khi có các biểu hiện trên. 

Theo bác sĩ Nguyễn Viết Hậu, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trong 7 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất 2018, bệnh viện đã tiếp nhận 643 trường hợp cấp cứu, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Người bệnh nhập viện chủ yếu do các bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ, biến chứng đái tháo đường, viêm phổi người già,…

An Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI