Cẩn trọng khi làm mới nhạc truyền thống cách mạng

20/06/2024 - 07:10

PNO - Giai điệu rộn ràng, khí thế của "Cô gái mở đường" đã được rất nhiều khán giả yêu thích. Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện phiên bản mới của ca khúc này với nhịp điệu chậm, cách hát nhẹ nhàng hơn, có thêm vào những âm thanh nhỏ đặc trưng của nhạc lofi mà giới trẻ hay gọi là nhạc chill.

Xu hướng mới

Lofi là dòng nhạc có chất lượng âm thanh không cao, xen lẫn những lỗi âm thanh được tạo ra một cách có chủ ý. Dòng nhạc này không còn xa lạ với khán giả, nhất là khán giả trẻ. Khoảng 2 năm trước, chúng bắt đầu xuất hiện và tạo nên cơn sốt. Những bản nhạc lofi dễ đi vào lòng người nghe nhờ sự êm ái, dễ chịu.

Nhiều ca khúc truyền thống cách mạng được làm mới với các phiên bản lofi, remix xuất hiện thời gian qua - Ảnh chụp màn hình
Nhiều ca khúc truyền thống cách mạng được làm mới với các phiên bản lofi, remix xuất hiện thời gian qua - Ảnh chụp màn hình

Công thức sản xuất lofi cũng không quá phức tạp. Từ bản ghi âm có sẵn, người ta sẽ dùng các ứng dụng để điều chỉnh âm thanh, các nốt, thêm vào các tạp âm nhỏ, tạo độ vang, trong… Các kỹ năng làm nhạc lofi cũng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, các website khiến nhạc lofi xuất hiện ngày càng nhiều. Cô gái mở đường chỉ là một trong số hàng loạt ca khúc cách mạng được làm mới theo phong cách lofi thời gian qua. Các ca khúc Hành khúc ngày và đêm, Tàu anh qua núi, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Đất nước trọn niềm vui… đều xuất hiện phiên bản lofi, remix (bản phối lại). Trong các dịp lễ lớn vừa qua, chúng được sử dụng khá nhiều trong các video đăng trên mạng xã hội.

Nên hay không?

Trước xu hướng này, khán giả phân cực khá rõ. Nhiều người cho rằng việc làm mới này khiến mất đi sự hào hùng, trang nghiêm của các ca khúc truyền thống cách mạng. Trong khi đó, những người trẻ lại cho rằng đây là xu thế của thời đại, hợp cách tiếp nhận của họ.

Nhiều ca sĩ không ủng hộ việc làm mới, làm trẻ trung quá mức các ca khúc truyền thống cách mạng. Họ chỉ cố gắng làm mới bằng cách hát thay đổi nhịp một chút, chứ không làm thay đổi nhiều như các phiên bản đang được lan truyền như hiện tại.
Nhạc sĩ Phạm Thế Vĩ nói: “Việc làm mới các ca khúc truyền thống cách mạng phải đảm bảo phù hợp. Giới trẻ luôn đề cao sự sáng tạo, mới lạ, nhưng trước hết người sáng tạo cần phải có nền tảng về văn hóa, kiến thức, sự hiểu biết về lịch sử, chính trị và thẩm mỹ nghệ thuật”.

Ca sĩ Han Sara từng bị phản ứng khi làm mới ca khúc Cô gái mở đường tại chương trình The Heroes năm 2021 - Ảnh do nhà sản xuất  cung cấp
Ca sĩ Han Sara từng bị phản ứng khi làm mới ca khúc Cô gái mở đường tại chương trình The Heroes năm 2021 - Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

Chẳng hạn ca khúc Mùa xuân trên TPHCM, Đất nước trọn niềm vui… có thể làm mới bằng nhiều cách, trong đó cách phổ biến nhất là remix, nhằm làm tăng sự tươi vui, trẻ trung, mới lạ. Nhưng không thể làm tương tự với những ca khúc như: Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Tình ca…

“Đặc biệt, khi làm mới những tác phẩm đã được định hình trong ký ức của nhiều thế hệ hoặc những tác phẩm có nội dung liên quan đến lãnh tụ, những nhân vật lịch sử của đất nước thì cần phải hết sức thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng” - nhạc sĩ Phạm Thế Vĩ nói thêm.

Theo luật sư Trần Xuân Tiền - Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội - việc làm mới bản ghi mà không xin phép người sở hữu tác phẩm và còn khai thác lợi nhuận từ bản làm mới đó đã xâm phạm quyền tác giả (theo quy định tại khoản 2, điều 28 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ). Theo điều 18, Nghị định 131/2013/NĐ-CP (có một số quy định được thay thế bởi khoản 2 điều 3 Nghị định 28/2017/NĐ-CP), hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả bị phạt tiền từ 15-35 triệu đồng...

Trên thực tế, không phải bạn trẻ, nhà sản xuất nào cũng hiểu được điều này nên đã xuất hiện Quốc ca, Mùa xuân trên TPHCM theo phong cách lofi, mang giai điệu chậm, buồn, không phù hợp. Cuối năm 2021, ca sĩ Han Sara từng phải lên tiếng xin lỗi vì làm mới ca khúc Cô gái mở đường khi phối lại trên nền nhạc EDM, bị khán giả cho rằng phá nát bản gốc, không hiểu gì về tác phẩm.

Bên cạnh những bạn trẻ tự hát, tự làm nhạc còn có những bản ghi do các ca sĩ nổi tiếng thể hiện, nhưng được biến tấu. Không ít kênh YouTube, cá nhân đã làm mới các ca khúc: Tàu anh qua núi, Hành khúc ngày và đêm… do ca sĩ Anh Thơ thể hiện. Khi được hỏi họ có liên hệ xin phép hay không, chị tỏ ra bất ngờ và cho biết chưa từng nhận bất kỳ lời đề nghị xin
phép nào.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEnhanvattacphamvi /strCate=nhanvattacpham

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvandevi /strCate=vande

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsangtacvi /strCate=sangtac

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATErubikvanhoavi /strCate=rubikvanhoa
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvanhoavi /strCate=vanhoa