Cẩn trọng khi dùng dây cóc điều trị COVID-19

17/11/2021 - 06:43

PNO - Gần đây, cây thuốc nam có tên dây cóc bất ngờ được nhiều người săn lùng do được đồn có thể giúp điều trị COVID-19. Ở nhiều tiệm thuốc nam, loại thảo dược vốn ít người cần này bỗng dưng “cháy hàng”. Theo các bác sĩ, việc sử dụng tùy tiện dây cóc có thể gây tổn hại đến gan.

Bỗng nhiên “cháy hàng”

Chị Thanh Thảo - nhân viên một tiệm thuốc y học cổ truyền ở Q.Tân Bình, TPHCM - cho biết, khoảng một tuần qua, có nhiều người gọi điện đến tiệm của chị, hỏi mua loại thuốc nam có tên là dây cóc, còn có tên gọi khác là ký ninh, thần thông. Thường ngày, tiệm của chị có thể cung cấp cho khách mua sỉ đến vài tạ. Tuy nhiên, do nhu cầu mua tăng đột ngột nên loại thuốc này đã “cháy hàng”.

Chị kể: “Bình thường, rất ít người mua loại thuốc này; nếu có, cũng chỉ mua vài lạng. Khoảng một tuần nay, nhiều người mua lắm, có người đến mua gần nửa tạ. Loại thuốc này không hiếm, giá cũng chỉ 100.000 đồng/kg khô nhưng do khách cần gấp quá nên tiệm chưa nhập từ kho về kịp, phải chờ tuần sau”.

Một ký dây cóc khô đang được rao bán với giá 250.000 đồng, đắt gấp ba lần ngày thường
Một ký dây cóc khô đang được rao bán với giá 250.000 đồng, đắt gấp ba lần ngày thường

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ dây cóc bỗng dưng được săn lùng là do thời gian gần đây, xuất hiện thông tin nói loại thuốc nam này có thể giúp điều trị COVID-19. Trong nhóm (group) trên mạng của cư dân một chung cư ở Q.Bình Tân, TPHCM, rất nhiều người chia sẻ bài viết được cho là của một chuyên gia nước ngoài giới thiệu về công dụng của dây cóc.

Theo đó, loại thuốc nam này có chứa chất flavonoid cùng nhiều thành phần hóa học khác với dược tính cao, được dùng phổ biến trong các bài thuốc chữa cảm cúm, sốt rét, đau nhức xương khớp, đồng thời còn giúp ngăn ngừa nhiều bệnh lý khác. Do đó, cây thuốc này có thể dùng để điều trị COVID-19. Người bệnh chỉ cần đun sôi 2-3 gam cây da cóc khô uống mỗi ngày là khỏi bệnh.

Chị Nguyễn Thúy Ninh (P.An Lạc, Q.Bình Tân) kể: “Tôi thấy nhiều người chia sẻ rằng, cây thuốc này đã giúp nhiều người chữa khỏi COVID-19. Hầu hết bệnh nhân đều hạ sốt sau khi uống thuốc này trong 1-2 ngày và sau khoảng một tuần uống thuốc thì cho kết quả xét nghiệm âm tính với vi-rút gây bệnh COVID-19. Nghe vậy, tôi cũng mua 10kg về để phòng hờ”.

Cơn sốt dây cóc bắt đầu từ khoảng hơn một tuần qua. Trên mạng xã hội, hiện có rất nhiều bài quảng cáo về công dụng chữa COVID-19 của loại thuốc nam này. Thậm chí, nhiều bài còn khẳng định, một số bệnh viện dã chiến đã dùng loại thuốc nam này trong phác đồ điều trị bệnh COVID-19 và rất nhiều người đã được cứu sống.

Những ngày qua, nhiều “shop dược liệu” trên mạng cũng rầm rộ rao bán loại thuốc nam này với giá cao gấp từ 2-3 lần so với ngày thường. Theo chia sẻ của các cửa hàng thuốc y học cổ truyền, thường ngày, loại thuốc nam này được bán với giá 80.000 - 100.000 đồng/kg khô. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ với một shop trên Facebook, người bán nêu giá 250.000 đồng/kg dây cóc khô: “Cửa hàng em ở Hà Nội. Loại cây này ở miền Bắc mới nhiều. Mấy hôm nay, ngày nào em cũng gửi đi 2-3 tạ hàng vào trong đó. Em gửi hàng nhanh, chắc tầm hai ngày là bên mình nhận được hàng thôi”. Để người mua yên tâm, bên bán còn khẳng định, dây cóc là cây thuốc nam được ông bà ngày xưa dùng để hạ sốt, trị sốt rét, cảm cúm. Do đây là dược liệu thiên nhiên nên không lo bị tác dụng phụ như thuốc tây.

Có thể gây hại gan

Bác sĩ Kiều Xuân Thy (chuyên khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) khuyến cáo, khi mắc COVID-19, mọi người nên làm theo chỉ định của bác sĩ điều trị và hướng dẫn của Bộ Y tế ban hành, không nên tự ý chữa COVID-19 theo lời đồn.

Theo bác sĩ Kiều Xuân Thy, dây cóc còn được gọi là dây ký ninh, dây thần thông, bảo cự hành… Nó có tên khoa học là Tinospora crispa (L.) Miers, thuộc họ tiết dê (Menispermaceae, lá hình trái tim). Sở dĩ được gọi là dây cóc vì thân dây của chúng nổi sần sùi như da cóc. Thân của dây cóc thường được người dân ở các vùng Tây Bắc Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và miền Nam Ấn Độ phơi khô hoặc dùng tươi để làm thuốc uống. 

Theo một số nghiên cứu, loại cây này có những chất giúp hỗ trợ, kích thích giải phóng các insulin trong tuyến tụy khi thử trên động vật. Chính vì vậy, dân gian còn dùng dây cóc để điều trị bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, dây cóc cũng được dùng để trị bệnh sốt rét hoặc các bệnh lý lở loét ngoài da.

Đối với dịch COVID-19, ngày 17/3/2020, Bộ Y tế đã ra Công văn số 1306/BYT-YDCT hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền, phương pháp y học cổ truyền trong phòng và hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2. Sau đó, ngày 25/9/2021, Bộ Y tế lại có văn bản hướng dẫn tiếp theo liên quan tới vấn đề này. “Ở cả hai văn bản nêu trên, trong danh mục những dược liệu cổ truyền được Bộ Y tế cho phép dùng để hỗ trợ điều trị COVID-19 đều không có tên dây cóc hay dây thần thông, bảo cự hành” - bác sĩ Kiều Xuân Thy khẳng định.

Bác sĩ Thy còn lưu ý rằng, theo một số nghiên cứu, việc uống nhiều thuốc từ dây cóc có thể gây độc cho tế bào gan. Dù không dùng để điều trị COVID-19 mà dùng trị bệnh sốt rét, đái tháo đường, người dân cũng cần thận trọng và nên hỏi thầy thuốc về liều lượng: “Dây cóc được mô tả trong sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, nhưng lại chưa có trong danh mục các vị thuốc, dược liệu y học cổ truyền do Bộ Y tế ban hành để sử dụng trong các bệnh viện y học cổ truyền. Do đó, Khoa Y học cổ truyền của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chưa sử dụng dây cóc để trị bệnh. Do chưa phải là dược liệu được dùng một cách chính thống nên những nghiên cứu về các tác dụng cũng như hậu quả của loài thực vật này cũng không được ghi nhận nhiều”.
 

Dây cóc là cây thuốc nam có nhiều trong tự nhiên, nay bỗng trở nên khan hiếm do có nhiều người tìm mua với số lượng lớn
Dây cóc là cây thuốc nam có nhiều trong tự nhiên, nay bỗng trở nên khan hiếm do có nhiều người tìm mua với số lượng lớn

Theo các chuyên gia y tế, không chỉ dây cóc, mà người dân cần hết sức thận trọng khi sử dụng các bài thuốc dân gian trôi nổi trên mạng để phòng ngừa, điều trị COVID-19. Bởi lẽ, các đơn vị chức năng đã ghi nhận một số trường hợp gặp biến chứng nặng, thậm chí nguy kịch do tự ý dùng thuốc phòng ngừa, điều trị COVID-19. 

Cuối tháng 9/2021, bà N.T.L.T. - 53 tuổi, ở thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang - chưng cất dung dịch gồm các nguyên liệu như nước dừa, đường phèn, gừng, sả và nhiều lá thuốc không rõ loại để phòng ngừa COVID-19. Sau khi uống, bà L. đau bụng, nôn ói, tiêu chảy nhiều lần nên được đưa đến cơ sở y tế điều trị. Sau đó, bà bị khó thở, tri giác lơ mơ, người thân phải xin chuyển viện cấp cứu. Bà L. nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, tím tái, da nổi bông, huyết áp 80/60 mmHg. Bác sĩ chẩn đoán, bà L. bị nhiễm độc từ đường tiêu hóa, biến chứng suy đa cơ quan, tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Sau ba ngày điều trị, bà mới qua được cơn nguy kịch. 

Thận trọng với toa thuốc trị COVID-19 trên mạng

Mới đây, cổng thông tin của Bộ Y tế về đại dịch COVID-19 đã có bài khuyến cáo người dân cần thận trọng với các toa thuốc điều trị COVID-19 trên mạng xã hội. Theo Bộ Y tế, khi người bệnh quyết định dùng bất cứ loại thuốc nào cũng cần trao đổi với nhân viên y tế hoặc làm theo văn bản hướng dẫn của cơ quan y tế để tránh những hậu quả ngoài mong muốn.

Trước đó, Cục Quản lý Dược (thuộc Bộ Y tế) cũng đã có văn bản cảnh báo về việc một số đối tượng lợi dụng dịch để rao bán các loại thuốc điều trị COVID-19 trên các trang thông tin điện tử, đặc biệt là trên mạng xã hội. Cơ quan chức năng đề nghị người dân nên thận trọng khi sử dụng các loại thuốc này và đề nghị cơ quan chức năng xử lý các trường hợp sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng cáo các thuốc dùng trong phòng, chống COVID-19.

Thanh Huyền - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI