Cẩn trọng khi đưa văn hóa dân tộc, vùng miền lên phim

12/08/2024 - 06:12

PNO - Nhiều bộ phim chọn khai thác về con người, văn hóa của các vùng đất, dân tộc khác nhau nhằm tôn vinh, lan tỏa nhưng vì thiếu cẩn trọng nên dẫn đến những sai sót không đáng có.

Sau khi lên sóng VTV3 từ ngày 29/7, phim Đi giữa trời rực rỡ của đạo diễn Đỗ Thanh Sơn nhận nhiều phản ứng liên quan đến phục trang. Phim kể về Pu - cô gái trẻ người Dao mang ước mơ đến trường. Pu nhận giấy báo đậu đại học nhưng vì cuộc hôn nhân đã được cha mẹ sắp đặt để trừ nợ, cô không được gia đình ủng hộ theo con đường học vấn. Dù vậy, mọi thử thách chỉ càng nung nấu giấc mơ được “ra biển lớn” của Pu. Cô chạy trốn và bắt đầu hành trình chinh phục ước mơ đầy gian nan của mình ở thành thị.

Hình ảnh trong phim Đi giữa trời rực rỡ
Hình ảnh trong phim Đi giữa trời rực rỡ

Đi giữa trời rực rỡ mang thông điệp tích cực. Quá trình ghi hình tại Cao Bằng, cả ê kíp cũng nỗ lực để quảng bá nhiều cảnh đẹp, giới thiệu văn hóa truyền thống của người Dao. Tuy nhiên, những cố gắng này đã bị các ồn ào về phục trang phim che lấp. Cụ thể, ở những tập đầu, người xem cho rằng việc nhân vật Pu mặc lễ phục khi đi chăn trâu là không phù hợp. Người Dao chỉ mặc lễ phục trong những dịp quan trọng như cưới hỏi, ma chay… Ngoài ra, cách mặc quần áo của nhân vật Chải trên phim cũng bị chỉ trích ở chi tiết yếm nữ. Nhân vật này mang yếm nữ ở nhiều hoạt động đời thường, trong khi trang phục này được cho là chỉ mặc khi làm lễ cúng bái. Nhiều khán giả đang chờ phản hồi từ ê kíp để hiểu tường tận hơn quá trình nghiên cứu, sáng tạo.

Sự đa dạng trong văn hóa, tín ngưỡng vùng miền của Việt Nam thu hút các nhà làm phim khai thác. Điều này đáng hoan nghênh. Dù vậy, để đảm bảo chuyển tải đúng tinh thần, mục tiêu tôn vinh ban đầu, các nhà làm phim cần tìm hiểu kỹ lưỡng dự án, không thể làm qua loa khâu tiền kỳ. Những ồn ào của phim Đi giữa trời rực rỡ tiếp tục là kinh nghiệm để các ê kíp khác lưu ý nếu khai thác đề tài tương tự.

Một ví dụ về sự cẩn trọng có thể kể trong phim Người vợ cuối cùng của đạo diễn Victor Vũ, khâu phục trang được nghiên cứu rất kỹ. Phim chọn bối cảnh thời phong kiến nên từ trang phục đến phụ kiện đi kèm và những chi tiết tưởng chừng không quá quan trọng như cách vấn tóc, đi đứng đều có đội ngũ tư vấn. Vì được nghiên cứu bài bản nên ngay từ những hình ảnh đầu tung ra, phim nhận về nhiều lời khen cho thái độ cùng cách làm tôn trọng lịch sử, văn hóa dân tộc.

Tại Việt Nam, hiện những nhóm nghiên cứu về cổ phục, văn hóa - lịch sử đang rất thịnh hành. Các nhóm này khá trẻ nhưng có tình yêu lớn dành cho các giá trị truyền thống của dân tộc và đủ kiến thức để có thể cố vấn cho các nhà làm phim. Với phim Đi giữa trời rực rỡ, nếu cần tìm hiểu thêm về đời sống, các thủ tục trong thờ cúng, tín ngưỡng hay phục trang của dân tộc Dao, ngoài việc đến tận địa phương tìm hiểu, các nhà làm phim có thể tham vấn các nhà dân tộc học.

Sự nghiêm túc và thận trọng hơn trong khâu tìm hiểu ban đầu sẽ hạn chế các lỗi sơ đẳng không nên có. Với dự án nghệ thuật, một chút sơ suất cũng có thể làm mất công sức của cả tập thể một cách rất đáng tiếc.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI