Cẩn trọng để tránh chấn thương khi chơi pickleball

24/10/2024 - 06:16

PNO - Môn thể thao nào cũng có thể khiến người chơi, vận động viên gặp chấn thương trong quá trình luyện tập, thi đấu. Việc khởi động kỹ, có người hướng dẫn và chơi đúng kỹ thuật sẽ giúp tránh được những chấn thương này.

Nhiều dạng chấn thương

Dễ chơi, dễ tập, chi phí đầu tư không quá đắt đỏ nên pickleball đang thu hút lượng người chơi rất lớn, ở nhiều độ tuổi khác nhau. Nhiều giảng viên, huấn luyện viên chuyên nghiệp lưu ý người chơi không được chủ quan vì vẫn có thể gặp một số chấn thương.

Theo anh Trần Huy Thọ - bác sĩ của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam - trong thể thao, đặc biệt là môn pickleball, dễ gặp các chấn thương, như: vùng đầu gối, vùng cổ chân hay viêm gân gót chân achilles. Đặc biệt, hội chứng chấn thương khuỷu tay là chấn thương thường gặp nhất ở môn này.

Tiếp nhận và điều trị nhiều người chơi pickleball bị chấn thương trong thời gian gần đây, thạc sĩ Trần Phi Phông - huấn luyện viên thể lực, Phòng Khoa học và Y học thể thao (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao TPHCM) - nhận định: ở những môn mới, tỉ lệ chấn thương càng nhiều, bởi hầu hết người chơi đều là người mới, thiếu kinh nghiệm, kiến thức.

Phân tích chi tiết các chấn thương, thạc sĩ Trần Phi Phông liệt kê: chấn thương khớp vai xảy ra khi người chơi vung vợt sai cách hoặc chưa khởi động kỹ cơ thể đã hoạt động với cường độ cao; chấn thương cổ tay khi phải sử dụng cổ tay liên tục trong thời gian dài.

Ngoài ra, việc cầm nắm vợt quá chặt hoặc không chơi thể thao trong thời gian dài có thể khiến cổ tay chịu áp lực lớn, dẫn tới chấn thương. Trong đó, có 2 chấn thương cổ tay thường gặp.

Đầu tiên là viêm gân cổ tay do tình trạng quá tải lặp đi lặp lại, biểu hiện bởi các cơn đau ở cánh tay, cổ tay và bàn tay. Các triệu chứng của viêm gân cổ tay thường phát triển dần theo thời gian và ngày càng nghiêm trọng hơn. Có thể là cơn đau nhói, đau âm ỉ hoặc chỉ là cảm giác nhói đơn thuần.

Thứ hai là bong gân cổ tay gây đau cổ tay, xảy ra do ảnh hưởng của lực đột ngột hoặc vận động quá mức. Các triệu chứng chính là đau ở cổ tay, có thể phát triển dần hoặc xuất hiện đột ngột, đôi khi có sưng tấy.

Người chơi cũng có thể bị bong gân cổ chân vì pickleball đòi hỏi việc di chuyển liên tục, khiến chân dễ bị bong gân và dễ lặp lại nhiều lần. Phần lớn các chấn thương trong bộ môn này là cổ chân bị lật vào trong, khiến dây chằng bên mác (dây chằng bên ngoài mắt cá chân) bị dãn quá mức, dẫn tới tổn thương.

Ngoài ra, khớp gối chính là bộ phận nhạy cảm nhất của đôi chân, là điểm chịu nhiều áp lực nâng đỡ cơ thể. Do đó, khi chơi thể thao, khó tránh khỏi việc khớp gối bị chấn thương như viêm gân bánh chè, do tình trạng quá tải lặp đi lặp lại vì chạy nhảy quá nhiều. Cuối cùng là chấn thương lưng, do người chơi đứng thẳng thay vì hạ thấp trọng tâm để đỡ hoặc đánh bóng, hay những pha rướn người khi đập hoặc đỡ bóng.

Ông Phạm Hữu Thành - giảng viên môn pickleball,  Trường đại học Hoa Sen - hướng dẫn sinh viên tập luyện
Ông Phạm Hữu Thành - giảng viên môn pickleball, Trường đại học Hoa Sen - hướng dẫn sinh viên tập luyện

Làm gì khi bị chấn thương trên sân tập?

Theo bác sĩ Trần Huy Thọ, khi gặp chấn thương, người chơi phải dừng chơi ngay để không khiến chấn thương nặng hơn. Tuyệt đối không cố đánh hết trận đấu. Cách xử lý nhanh trong trường hợp này là cố định và bảo vệ vùng chấn thương.

Nếu vết thương không hở, có thể chườm đá lạnh giúp giảm đau, giảm sưng và giảm viêm; di chuyển người bị chấn thương vào khu vực an toàn. Sau đó, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ đánh giá mức độ, tư vấn cách xử lý phục hồi chấn thương, nghỉ ngơi phù hợp. Không tự ý nắn, xoa bóp, đắp thuốc… có thể khiến tình trạng chấn thương nặng thêm do điều trị không đúng cách.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới chấn thương như: sân bãi không tốt; trang thiết bị tập luyện không phù hợp; khởi động không kỹ trước khi chơi hoặc do người chơi vận động quá tải, chế độ hồi phục và dinh dưỡng không tốt…

Ông Lê Tiến Dũng - giảng viên Trường đại học Sư phạm Thể dục - Thể thao TPHCM - nhận định: thường những người mới chơi dễ gặp chấn thương do không có huấn luyện viên, tập luyện không bài bản, không khởi động hoặc khởi động hời hợt, không làm nóng các nhóm cơ, khớp cần thiết đã vào chơi, đánh sai động tác kỹ thuật, tư thế…

“Người mới chơi thường chơi theo phản xạ tự nhiên nên gặp nhiều lỗi như di chuyển không đúng cách dẫn tới trật chân, vấp chéo chân dẫn tới bị té ngã, đánh không đúng động tác dễ dẫn tới lật cổ tay, xoay đau vai, đau khuỷu tay, cúi lưng xuống dễ bị đau lưng…” - ông nói và lưu ý người chơi không nên thực hiện các động tác quá sức, liên tục.

Việc lựa chọn huấn luyện viên, người hướng dẫn cũng rất quan trọng để được huấn luyện đúng. Tập sai kỹ thuật ngay từ đầu dễ hình thành thói quen rất khó sửa.

Để phòng tránh chấn thương, bác sĩ Trần Huy Thọ khuyên người chơi cần khởi động đúng như: chạy bước nhỏ, nâng cao đùi, nhảy gót chạm mông, đặc biệt tập trung vào phần đùi, gối để di chuyển linh hoạt hơn; chạy tốc độ từ chậm đến nhanh; xoay cổ, cổ chân, cổ tay…

Sau đó, từ từ làm quen với chương trình tập luyện; trang thiết bị, dụng cụ tập luyện phải phù hợp; giày, đồng phục, sân bãi phải đạt chuẩn… Người chơi cũng cần nạp đủ năng lượng trước, trong và sau khi thi đấu, tập luyện để cơ thể có thể hồi phục và đạt thể trạng tốt nhất.

“Pickleball giúp đốt nhiều năng lượng, rất tốt cho sức khỏe của mọi người. Tuy nhiên, không vì vậy mà mọi người chơi quá mức. Cần lắng nghe bản thân khi tập luyện để cơ thể không bị quá tải. Bạn nên tập với cường độ vừa phải, sau đó tăng dần độ khó để cơ thể có thể làm quen, thích nghi với nhịp độ” - bác sĩ Trần Văn Thọ nói.

Sinh viên Trường đại học Hoa Sen tập luyện kỹ thuật pickleball
Sinh viên Trường đại học Hoa Sen tập luyện kỹ thuật pickleball

Huấn luyện viên pickleball có thu nhập khá cao

Về thù lao cho huấn luyện viên chuyên nghiệp pickleball mà trường ký hợp đồng, tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền Thanh - Giám đốc chương trình Kinh tế thể thao (Trường đại học Hoa Sen) - cho biết, thù lao dao động từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/giờ. Cụ thể, với những giáo viên giỏi từ 700.000 đồng/giờ, với những vận động viên nổi tiếng là 1 triệu đồng/giờ. Giảng viên cơ hữu của trường trung bình từ trên 20 triệu đồng/tháng.

Theo ông Lê Tiến Dũng, thu nhập của huấn luyện viên trung bình từ 200.000-300.000 đồng/giờ, với những huấn luyện viên giỏi thì khoảng 600.000-700.000 đồng/giờ, nếu là vận động viên nổi tiếng dạy thì trên 1 triệu đồng/giờ.

Nhiều trường làm sân cho học sinh, giáo viên chơi pickleball

Ngoài các trường đại học, hiện nhiều trường phổ thông ở TPHCM cũng đã đầu tư sân tập cho học sinh, giáo viên cùng chơi pickleball. Chẳng hạn như Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6), Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường THPT Hùng Vương (quận 5), Trường THPT Marie Curie (quận 3)…

Theo thầy Nguyễn Mạnh Hùng - Phó hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie - với các trường phổ thông, môn giáo dục thể chất thực hiện chung theo chương trình của Bộ GD-ĐT. Hiện có 2 môn thể thao được đưa vào dạy chính thức là cầu lông và bóng rổ.

Do vậy, với những môn thể thao khác, nếu muốn triển khai, các trường phổ thông có thể đưa vào hoạt động ngoại khóa, học sinh có nhu cầu thì tham gia. Tuy nhiên, nhằm tạo điều kiện cho học sinh và giáo viên của trường có sân chơi miễn phí, học hỏi thêm bộ môn mới, nhà trường đã cải tạo sân cầu lông thành sân đa năng để mọi người chơi pickleball (linh động kéo lưới cao để chơi cầu lông, kéo lưới thấp để chơi pickleball). Hiện trường có 4 sân đa năng để chơi môn này.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI