Tuy nhiên, theo Nghệ sĩ nhân dân Giang Mạnh Hà - Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - đến nay, các sân khấu, đặc biệt là lĩnh vực cải lương còn rất e dè với đạo diễn trẻ. Điều này không chỉ tước đi cơ hội mà còn có thể làm thui chột đam mê của những đạo diễn trẻ thực sự khát khao gắn bó với cải lương.
Cải lương có đặc thù riêng, khiến cơ hội cho các đạo diễn trẻ vốn đã khó lại càng khó. Đạo diễn là công việc đòi hỏi sáng tạo không ngừng, nhưng sáng tạo ra sao, giới hạn nào cho sáng tạo lại là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Thực tế cho thấy, có một khoảng cách thế hệ khá lớn ở những người làm cải lương. Sáng tạo của người trẻ từng có thời điểm bị phản ứng dữ dội, thậm chí bị coi là “phá hoại” cải lương. Suy nghĩ có phần cực đoan của người lớn khiến lớp trẻ chùn chân, chọn lối đi an toàn theo những gì đã có để dễ dàng được chấp nhận.
|
Vở cải lương Tây Sơn nữ tướng của đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Lê Nguyên Đạt - một trong những đạo diễn được chú ý từ cuộc thi Tài năng đạo diễn sân khấu năm 2007 - ẢNH: NINH LỘC |
“Đạo diễn trẻ chúng tôi luôn khát khao tìm tòi sáng tạo mới để tác phẩm mang được hơi thở thời đại, đủ sức hấp dẫn công chúng. Trong quá trình mày mò sáng tạo, chúng tôi có thể “lạc đường” do còn thiếu kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp. Những lúc đó, chúng tôi mong được chỉ rõ những đúng sai, làm cách nào để sửa sai… thay vì đón nhận những lời phán xét nặng nề. Thực lòng, chúng tôi không học được gì, mở mang thêm được kiến thức gì từ những lời phê bình cực đoan đó. Trái lại, chúng tôi bị rơi vào trạng thái hoang mang, lo sợ và không còn dám nghĩ đến điều mới mẻ” - một đạo diễn trẻ chia sẻ.
“Đã đến lúc những người làm công tác quản lý, hội đồng nghệ thuật phải thay đổi tư duy. Chúng ta phải chấp nhận những sự khác lạ, miễn những sáng tạo khác lạ đó không vượt qua quy định về thuần phong mỹ tục, khuôn khổ pháp luật”. Nghệ sĩ nhân dân Giang Mạnh Hà |
Dù không có giới hạn nào cho sự sáng tạo nhưng mọi sự sáng tạo phải dựa trên những bài học, nguyên tắc cơ bản của từng loại hình sân khấu. Tuy nhiên, hầu hết đạo diễn, người làm nghề lâu năm đều có chung nhận xét: công tác đào tạo đạo diễn đang thiếu sự cân đối giữa lý thuyết và thực hành. Cơ sở vật chất nghèo nàn, giáo trình đào tạo cũ kỹ cách đây nửa thế kỷ, không tiệm cận với sự phát triển của thế giới. Không ít người làm công tác đào tạo nhưng chính họ không có tác phẩm trong nhiều năm, thậm chí chưa hề có tác phẩm tiếp cận khán giả. Đáng ngại hơn, không ít sinh viên đạo diễn cho biết, có giảng viên còn ít kinh nghiệm sân khấu hơn sinh viên vốn là diễn viên đi học.
Liên hoan, hội diễn cứ ngỡ là cơ hội để người trẻ khẳng định mình. Nhưng áp lực giải thưởng, huy chương của các đơn vị dự thi đã khiến họ không dám mạo hiểm trao cơ hội cho các đạo diễn trẻ. Chưa kể thực trạng đáng buồn là ở nhiều kỳ liên hoan, hội diễn có các vở diễn do đạo diễn trẻ đứng tên nhưng thực chất là của một đạo diễn tên tuổi khác. Việc thay tên này nhằm tránh “điều tiếng” về việc vị đạo diễn tên tuổi đó có quá nhiều tác phẩm ở một kỳ liên hoan.
Hằng năm, người làm sân khấu có rất nhiều cuộc liên hoan, cuộc thi tài năng… nhưng lại thiếu vắng một sân chơi riêng cho đạo diễn. Từng có 2 cuộc thi tài năng trẻ đạo diễn sân khấu được tổ chức vào năm 2007 và 2013 nhưng đến nay, sau hơn 10 năm, vẫn chưa biết bao giờ mới có một cuộc thi tiếp theo. Ở 2 cuộc thi này, có khá nhiều đạo diễn trẻ của TPHCM tham gia và khẳng định mình; trong số đó có những tên tuổi trưởng thành và gắn bó với công tác đạo diễn cho đến nay: Nghệ sĩ ưu tú Phan Quốc Kiệt, Nghệ sĩ ưu tú Lê Nguyên Đạt, Chánh Trực, Tuấn Khôi, Đình Toàn, Hồng Ngọc…
TPHCM là địa phương có hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi động, với nhiều loại hình sân khấu khác nhau và đội ngũ nhân lực trẻ giàu tiềm năng. Trong khi chờ đợi những cuộc thi mang tầm quốc gia, nên chăng thành phố cũng cần có một cuộc thi tìm kiếm tài năng đạo diễn sân khấu để phát hiện và có chính sách đầu tư hợp lý cho nguồn lực này. Theo đề án phát triển công nghiệp văn hóa của TPHCM, nghệ thuật biểu diễn là 1 trong 8 ngành công nghiệp văn hóa để phát triển từ nay đến năm 2030. Vì vậy, việc tìm kiếm và đầu tư cho đội ngũ đạo diễn mang ý nghĩa rất quan trọng.
Đạo diễn trẻcần nỗ lực bằng tất cả khả năng “Tư duy, khả năng sáng tạo của đạo diễn phụ thuộc rất nhiều vào năng khiếu và quá trình nỗ lực tìm tòi, học hỏi sau khi tốt nghiệp của mỗi cá nhân”. Cả NSND Giang Mạnh Hà, NSƯT Ca Lê Hồng và họa sĩ Lê Văn Định đều có chung nhận định. Từ kinh nghiệm bản thân, nghệ sĩ Điền Trung cho rằng: “Khó có thể yêu cầu các đơn vị nghệ thuật tin tưởng ngay khả năng của đạo diễn vừa tốt nghiệp. Thay vì chờ đợi cơ hội, hãy tìm mọi cách để khẳng định và chứng minh khả năng của mình. Với tôi, khi là diễn viên, tôi sẽ cố gắng thể hiện thật tốt vai diễn của mình và tương tác tốt nhất với bạn diễn. Tôi tranh thủ mọi cơ hội để được rèn luyện và thử sức trong vai trò dàn dựng, từ tổ chức các lớp diễn cho mình và bạn diễn trong vở, đến dàn dựng trích đoạn thi game show, tiết mục biểu diễn nhỏ lẻ… Tôi tận dụng mọi cơ hội để thử nghiệm các sáng tạo, ý tưởng và quan sát, lắng nghe ý kiến, phản ứng… của khán giả, đồng nghiệp. Dù không biết chắc khi nào cơ hội sẽ đến, tôi vẫn luôn tự nhắc mình phải không ngừng cố gắng”. NSND Giang Mạnh Hà nói: “Bản chất của sân khấu là phải thuyết phục người xem cả phần nghe lẫn phần nhìn, do vậy đạo diễn phải có đủ kỹ năng xử lý không gian sân khấu, xây dựng hình tượng nhân vật, chuyển tải thông điệp, chủ đề, đồng thời hỗ trợ diễn viên khắc họa nhân vật và phát huy tối đa tài năng”. Đây là những kỹ năng không có bất kỳ giáo trình nào giảng dạy mà tùy thuộc phần lớn vào năng khiếu thiên bẩm, sự nhạy bén và nỗ lực không ngừng của mỗi đạo diễn. Ở tuổi 80, là thầy của rất nhiều đạo diễn, nghệ sĩ nổi tiếng của TPHCM, nhưng đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc cho biết, ông vẫn đang học hỏi mỗi ngày và học hỏi từ chính những người trẻ là học trò của mình. Hay như chia sẻ của họa sĩ Lê Văn Định - một trong những họa sĩ thiết kế nổi tiếng của TPHCM - để có được tác phẩm tạo dấu ấn đầu tiên, ông đã mất 13 năm miệt mài tự học sau khi tốt nghiệp đại học. Để được công nhận là họa sĩ thiết kế, ông từng phụ việc ở tất cả các khâu để học nghề, từ rửa cọ cho họa sĩ thiết kế đến phụ làm mộc, sơn phết cảnh trí… Hơn 4 thập niên gắn với công việc, là người thổi hồn cho hơn 300 tác phẩm sân khấu và định hình phong cách thiết kế tượng trưng cho sân khấu, họa sĩ Lê Văn Định không giấu việc phải liên tục tự đào tạo lại để không bị thụt lùi trong xu thế phát triển chung. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đưa lời khuyên: “Đừng rụt rè, sợ hãi. Các bạn hãy mạnh dạn thử nghiệm những ý tưởng sáng tạo mới và nỗ lực bằng tất cả khả năng. Nếu biết cách bình tĩnh lắng nghe, chọn lọc ý kiến phản hồi, bạn sẽ tìm được con đường đến với trái tim của người xem”. |
Hoa Nguyễn