Cần tránh nghịch lý trong phòng, chống thiên tai

25/09/2023 - 06:32

PNO - Ở miền Trung, những năm gần đây, bão, lũ ngày càng khốc liệt hơn, xảy ra nhiều hơn với tần suất dày hơn và cường độ mạnh hơn. Đặc biệt, trong đợt mưa lũ liên tiếp tháng 10/2020, lũ đi kèm sạt lở đất, bùn, đá làm 111 người chết, mất tích và gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Hầu hết các lưu vực sông ở miền Trung đều có hệ thống hồ chứa nhưng khả năng tham gia phòng lũ cho hạ du còn rất hạn chế. Riêng các tỉnh ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận có 856 điểm bị sạt lở. 

Nhiều vùng chưa được quy định tần suất chống lũ. Ví dụ như vùng thượng nguồn các con sông, các lưu vực sông từ Quảng Bình trở vào phía Nam. Nhiều vùng chưa có đê bảo vệ hoặc có nhưng kết cấu không tốt để chống chọi với lũ lụt. Việc quản lý sử dụng bãi sông, bảo vệ không gian thoát lũ còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả. 
Đối với các lưu vực sông có đê ở Bắc Trung Bộ từ Hà Tĩnh trở ra, giải pháp là chủ động củng cố hệ thống đê sông tương ứng với tần suất chống lũ được điều chỉnh kịp thời theo những diễn tiến biến đổi khí hậu; chỉnh trị, nạo vét, cải tạo các luồng, tuyến, phân lưu hợp lý, các cửa sông phải đảm bảo việc thoát lũ thuận lợi trên các sông lớn.
Đối với các lưu vực sông không có đê vùng Bắc Trung Bộ từ Quảng Bình trở vào, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, giải pháp là chỉnh trị, nạo vét, cải tạo các luồng, tuyến thoát lũ trên các sông lớn, ổn định các phân lưu, khu vực cửa sông, đảm bảo chống lũ chính vụ cho các thành phố, đô thị có quy định tần suất chống lũ và chống lũ sớm. Cần cân đối hài hòa và tối ưu giữa các nhu cầu khác biệt, như nước lợ để nuôi tôm và nước ngọt để trồng lúa.
Để cải thiện khả năng của dòng chảy, thoát lũ, cần chỉnh trị sông, phòng chống xói lở bờ sông, bờ biển, đảm bảo tỉ lệ lưu lượng tại các phân lưu, hợp lưu theo những tiêu chuẩn thiết kế đã được chỉnh lý phù hợp những diễn tiến biến đổi khí hậu.
Tiếp tục đầu tư nâng cấp để đảm bảo cao trình thiết kế đê biển, kết cấu bảo vệ bền vững và trồng cây chắn sóng hoặc công trình cắt giảm sóng phía trước đê nếu cần thiết. Nâng cao chất lượng thân đê, kết cấu bảo vệ mái đê, đảm bảo ổn định chống bão trong trường hợp triều cao, nước biển dâng và có xét đến yếu tố phòng lún; ưu tiên đối với các đoạn đê đi qua khu đông dân cư, khu đô thị, các công trình đặc biệt vùng ven biển. 
Cần tránh điều nghịch lý bấy lâu nay: địa phương có đê yếu, bị sụp lở thì được cấp kinh phí để khôi phục mà không ai bị quy trách nhiệm, còn địa phương có đê vững chắc, đủ sức chống chọi lũ thì không được khen thưởng, biểu dương. Nghịch lý này đẻ ra nghịch lý khác: lẽ ra, kinh phí để sửa chữa đê điều là không cần thiết nếu thiết kế và thi công đúng cách.
Cần xây dựng các tuyến đường kết nối với hệ thống giao thông hiện có để khai thác đa mục tiêu, phục vụ cho việc quản lý, ứng cứu, cứu hộ đê và phòng, chống thiên tai vùng ven biển. Ưu tiên khôi phục, phát triển rừng ngập mặn chắn sóng phía trước đê, rừng phòng hộ ổn định ở các cồn cát có nhiệm vụ như đê biển. Xây dựng, củng cố các công trình ổn định sườn dốc, đập ngăn bùn đá, tường chống sạt lở ở các khu vực có nguy cơ cao. 
Ngoài các giải pháp công trình, phải chú trọng đến giải pháp phụ trợ như hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về phòng, chống thiên tai, bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, minh bạch, khả thi. Cần nâng cao nhận thức về thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai bằng cách tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu cơ bản về thiên tai, nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phòng, chống thiên tai... 

Tiến sĩ Tô Văn Trường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI