Cặn trắng, cá chết xếp lớp dưới biển: Chất độc cực mạnh

07/05/2016 - 06:47

PNO - Các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực hóa học, sinh học đã đưa ra những nhận định trước hiện tượng lạ liên tiếp xảy ra tại biển Quảng Bình.

Sau khi có thông tin về việc dải nước màu đỏ kéo dài 1,5 km dọc bờ biển xã Nhân Trạch biến mất nhiều bà con ngư dân Quảng Bình cho biết những hiện tượng bất thường tiếp tục xuất hiện.

Cụ thể, nhiều ngư dân đã lặn sâu xuống đáy biển cách bờ khoảng 2 đến 3 hải lý phát hiện các rạn san hô có một lớp cặn màu trắng đục dày gần nửa mét và có mùi hắc như mùi của các chất tẩy rửa…

Không những thế, khi lưới thả xuống nước khu vực nước này dù trước đó bám đầy rong rêu thì bỗng sạch như giặt.

Trước hiện tượng lạ liên tiếp xảy ra này, cùng với động thái thừa nhận sử dụng 51 tấn học của Fomosa, PV Báo Phụ nữ TP.HCM đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia về lĩnh vực hóa học, chuyên gia cá học về vấn đề này.

"Chắc chắn là do tác động nhân tạo"

Bình luận về những hiện tượng lớp bùn phủ trắng rạn san hô này, một nhà khoa học đầu ngành về hóa học (xin được giấu tên) khẳng định ở góc độ chủ quan nguyên nhân là do nhân tạo, không thể do tác động tự nhiên mang lại.

"Từ những thông tin ngư dân cho biết, theo tôi, đó có thể là kết tủa của một chất nào đấy, lắng đọng vào rặng san hô dưới đáy biển và có mùi như chất tẩy rửa. Đó chắc chắn là do hoạt động nhân tạo mà ra chứ không thể nói là bùn tự nhiên", vị chuyên gia nhận định.

Theo vị chuyên gia hóa học, muốn biết đó cụ thể là cái gì thì phải có nghiên cứu chuyên sâu, từ trầm tích ấy phân biệt để biết được là đấy là thành phần gì, phát nguồn từ đâu ra.

Can trang, ca chet xep lop duoi bien: Chat doc cuc manh
Cá chết trắng biển từ Hà Tĩnh, Quảng Bình đến Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. (Hình: Tuổi Trẻ)

Cũng về thông tin này, ông Đỗ Văn Tứ (Chuyên gia về cá, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật) nhận định chỉ có thể xuất phát từ một chất độc cực mạnh.

"Phải có một sự tác động nào đó đến môi trường mà thực sự là mạnh thì mới khiến cá chết nhiều như thế. Theo tôi, đó là do một loại hóa chất nào cực độc", ông Tứ nói.

Theo ông Tứ, lượng cá trôi dạt vào bờ không phải là con số cuối cùng, có thể thống kê được số cá chết tại khu vực này mà còn một phần trôi đi dạt đi đâu đó hoặc chìm xuống... Muốn biết được số lượng cụ thể bao nhiêu phải có khảo sát trực tiếp, lặn xuống, đánh giá toàn bộ và nghiêm túc.

Nghi vấn Formosa

Nhìn nhận toàn bộ sự việc diễn ra một cách khách quan, GS. Nguyễn Trọng Giảng - Nguyên hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra những bình luận:

"Thứ nhất, việc cá chết trên một dải biển rất lớn như thế rõ ràng phải do một loại độc tố cực độc mà phải được triển khai dưới dạng rộng.

Thứ hai, tôi không nghĩ là Formosa có thể gây ra hiện tượng này vì công nghệ Formosa các nhà khoa học ta đều biết, hơn nữa, nhà máy chưa hoạt động.

Mà nếu như hiện nay, có hiện độc thải độc hại xảy ra trên môi trường mà xử lý không đạt yêu cầu hoặc trực tiếp thì cũng không thể gây ra hiện tượng ghê gớm như thế. Tôi nghĩ là có một yếu tố ngoại lai nào đó chứ không thể là Formosa''.

Ông Giảng cho rằng, bà con Quảng Bình phát hiện cách 2-3 hải lý có một lớp bùn dày như thế, ở đâu đó người ta nói trong cá có nồng độ kim loại nặng vượt quá mức cho phép. Như vây, độc tố này có vẻ thiên về ý kiến của một số nhà khoa học ở nước ngoài - độc tố kim loại nặng.

''Lấy trầm tích, lớp bùn trên bề mặt đáy biển để phân tích thì sẽ biết ngay được nồng độ kim loại nặng có hay không?", GS Giảng nói.

Về những cặn trắng dưới rạn san hô, theo GS Giảng, rất có thể san hô  bị chết ở chỗ đó rồi. Theo GS không loại trừ bất kỳ một khả năng nào, kể cả khả năng ai đó cố tình gây ra một thảm họa ở Việt Nam.

Vì vậy, GS đề xuất cần hết sức tỉnh táo và phải làm nghiêm túc và công minh vì chúng ta có thể nguy hại đến môi trường và rất nhiều năm sau nữa không lấy lại được.

Lam Thanh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI