Cần tôn vinh xứng đáng tác giả chuyển thể

30/10/2024 - 18:53

PNO - Ngày 30/10, tại tọa đàm chủ đề “Tính văn học trong nghệ thuật sân khấu cải lương giai đoạn từ năm 1975 đến nay”, nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM -cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác rất nhiều.

Toàn cảnh tọa đàm.
Toàn cảnh tọa đàm

NSND Trần Ngọc Giàu khẳng định, vai trò của người chuyển thể rất quan trọng vì tác phẩm cuối cùng được đạo diễn dựng lên sân khấu là từ kịch bản chuyển thể chứ không phải kịch bản gốc, nhiều khi “tác giả chuyển thể giúp nâng giá trị cho kịch bản gốc rất nhiều”. Điển hình như sự kết hợp giữa tác giả Lê Duy Hạnh và Hoàng Song Việt. Ngòi bút chuyển thể đầy thấu hiểu của Hoàng Song Việt đã cụ thể hóa nhiều ý tứ sâu xa của Lê Duy Hạnh, giúp tác phẩm ở thể loại cải lương của tác giả Lê Duy Hạnh thăng hoa.

Và trong tình hình thiếu tác giả viết cải lương trực tiếp như hiện nay, phải tìm nguồn kịch bản từ các loại hình khác, nhất là kịch nói, thì càng phải ghi nhận sự đóng góp của tác giả chuyển thể. “Từ trước đến nay, việc chỉ có tác giả kịch bản gốc được vinh danh là điều không công bằng khi vai trò của tác giả chuyển thể rất quan trọng. Rất mừng khi Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 đã có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể, lần đầu ghi nhận xứng đáng đóng góp của tác giả chuyển thể cho giá trị tác phẩm cải lương” - NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ.

NSND Trần Ngọc Giàu và NSND Trần Minh Ngọc chủ trì tọa đàm.
NSND Trần Ngọc Giàu khẳng định tác giả chuyển thể có đóng góp rất quan trọng cho tác phẩm sân khấu

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng đã trao đổi về vấn đề băn khoăn hiện nay là sự sa sút của tính văn học trong tác phẩm cải lương với các biểu hiện như: thông điệp không rõ ràng, lời ca thiếu trau chuốt, dùng từ thiếu chắt lọc, bài bản cải lương thiếu phong phú...

Bà Lương Nhứt Nương, con gái soạn giả nổi tiếng Hoa Phượng, chia sẻ, từng nghe cha dặn dò rằng: “Đừng viết lê thê, dài dòng hay chải chuốt thiệt nhiều, văn chương thiệt hay mà lại không diễn đạt được điều nhân vật muốn nói hoặc không phù hợp với nhân vật. Ví dụ, viết về bà bán cá thì văn chương không thể chải chuốt hay một ông vua thì không thể dùng lời thô thiển, kém trình độ. Bài ca vọng cổ cũng vậy, là “bài ca vua” nên phải viết đúng tình huống và viết vừa phải đủ cho người ta thấm và phù hợp tình huống kịch, thể hiện đúng vị trí, địa vị của nhân vật”…

Con gái soạn giả Hoa Phượng phát biểu tại tọa đàm.
Bà Lương Nhứt Nương, con gái soạn giả Hoa Phượng, chia sẻ kinh nghiệm sáng tác của cha mình tại tọa đàm

NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, chủ đề tọa đàm là một trong các tiêu đề của tập sách kỷ niệm 50 năm sân khấu cải lương TPHCM mà Hội Sân khấu TPHCM thực hiện nhằm chào mừng 50 năm thống nhất đất nước. Tọa đàm nhằm nhìn nhận, đánh giá, phân tích các khuynh hướng sáng tác và sự chuyển đổi, phát triển phong cách sáng tác kịch bản của các thế hệ tác giả thành danh từ trước năm 1975 đến trưởng thành cùng nền sân khấu cách mạng và lớp tác giả trẻ hiện nay.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI